15/09/2018 - 12:08

Hợp tác, liên kết sản xuất đáp ứng yêu cầu hội nhập 

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tập trung phát triển các mô hình liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản để khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển sản xuất, hướng đến nhu cầu hội nhập. Qua đó, nhiều nông dân ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và hình thành những vùng liên kết sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phải kể đến mô hình chăn nuôi bò sữa, trồng xoài chất lượng cao với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Nuôi bò sữa thu nhập tiền tỉ

Tham quan trại chăn nuôi bò sữa của ông Nguyễn Thành Văn, khu vực 1, phường Trà An, quận Bình Thủy, nhiều người rất tâm đắc trước mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao với diện tích đất nhỏ. Trại chăn nuôi nằm phía sau căn nhà khang trang của gia đình ông Văn chỉ rộng khoảng 1.000m2, với các dãy chuồng nuôi bò sữa được thiết kế thông thoáng. Mô hình này thực hiện được 4 năm, đem lại cho gia đình ông Văn trên 1 tỉ đồng/năm. Ông Văn cho biết: “Gia đình tôi nuôi 40 con bò sữa, trong đó có 12 con đang cho sữa, 18 con hậu bị và 10 con bò tơ. Hiện tại, mỗi ngày thu trên dưới 200kg sữa. Trung bình, tôi thu nhập gần 90 triệu đồng/tháng”.

Mô hình nuôi bò sữa của ông Văn được hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên đầu ra ổn định, mang lại lợi nhuận cao. 

Theo ông Văn, thời gian đầu ông gặp nhiều khó khăn do chưa nắm kỹ thuật chăm sóc, lấy sữa và bảo quản sữa. Ông tìm đến những trang trại nuôi bò sữa lớn ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh để học hỏi kinh nghiệm, từ việc xây dựng chuồng trại, đến cách pha chế thức ăn, trồng cỏ, phòng và trị bệnh... Từ năm 2015 đến nay, ông Văn ký kết hợp đồng bán sữa cho Nhà máy sữa Cần Thơ. Theo hợp đồng, người nuôi phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt do nhà máy đề ra: chuồng trại đảm bảo vệ sinh, thường xuyên phun thuốc sát trùng, tiêm ngừa các loại dịch bệnh, thức ăn không có chất cấm... Nhà máy cam kết thu mua lượng sữa hằng ngày, không giảm giá thu mua nếu chất lượng sữa đạt tất cả các chỉ tiêu theo yêu cầu; hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong chọn giống, phối giống, phòng ngừa dịch bệnh và các hỗ trợ khác để có sản phẩm sữa bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Nếu sữa tươi không đạt chất lượng, nhà máy sẽ cắt hợp đồng… Hiện tại, ông Văn bán sữa cho nhà máy với giá 14.000 đồng/kg. “Bò mẹ sau khi sinh có thể cho 30 đến 40kg sữa/ ngày, kéo dài 7-8 tháng. Nuôi 10 bò sữa, hiệu quả tương đương với làm 40 công ruộng”- ông Văn so sánh.

Nhận thấy mô hình nuôi bò sữa của ông Văn đem lại hiệu quả cao, nhiều hội viên làm theo. Năm 2018, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân phường Trà An, Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa Trà An được thành lập do ông Văn làm Tổ trưởng. Hiện tại, Tổ hợp tác có 8 thành viên, với số lượng nuôi khoảng 150 con bò sữa. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác, ông Văn phối hợp nhà máy, các ngành mở lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, tổ chức cho các thành viên đi tham quan trang trại nuôi bò sữa để học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng vào quá trình chăn nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trồng xoài chất lượng cao

Trong xu thế hội nhập, nhiều nông dân đã ý thức được việc liên kết sản xuất là đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững, hướng đến hội nhập. Không ít nông dân năng động, tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong những nhân tố mới đó, có ông Phan Văn Tây (tên thường gọi là Mười Tây), ở ấp 8, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, với mô hình trồng xoài chất lượng cao cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Mười Tây (bìa trái) ứng dụng thành công mô hình xoài bao trái nên mẫu mã đẹp mắt, bán được giá cao.

Năm 2010, gia đình ông Mười Tây trồng 360 gốc xoài cát hòa lộc trên 9 công vườn nhưng hiệu quả kinh tế không cao: xoài ít đậu trái, đến khi thu hoạch thì “dội” chợ, giá bán rất thấp. Trước thực tế đó, ông Mười Tây đi tham quan mô hình trồng xoài của các nhà vườn trên địa bàn xã và các tỉnh lân cận để rút tỉa kinh nghiệm. Ông Mười Tây chia sẻ: “Lúc đầu thấy mô hình trồng xoài bao trái rất lạ. Qua tìm hiểu học hỏi quy trình, kỹ thuật của các nhà vườn, tôi về làm thử. Qua 1 năm trồng xoài theo cách này, hiệu quả thấy rõ nên thu nhập 1 công xoài không dưới 10 triệu đồng. Nhiều nhà vườn lân cận cũng sang học hỏi mô hình của tôi”.

Thành công bước đầu giúp ông tự tin cải tạo 6 công ruộng để trồng xoài. Đến nay, ông Mười Tây có trên 660 gốc xoài các loại, mỗi năm cho thu hoạch từ 10 đến 15 tấn, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Để tạo lợi thế cạnh tranh, ông Mười Tây xử lý cho xoài ra hoa nghịch vụ để bán được giá cao. Ông Mười Tây cho biết: “Xoài có giá cao nhất là tháng 7- 8 và tháng 12 âm lịch. Lúc đó, xoài cát hòa lộc có giá từ 50.000-100.000 đồng/kg. Vì vậy tôi thường xử lý cho xoài ra hoa vào khoảng tháng 4-5 âm lịch. Nhiều năm nay, vườn xoài của tôi luôn bán với giá ổn định”. Với những hiệu quả mang lại, nhiều nông dân đã liên kết sản xuất và đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Lộc Hưng vào năm 2018. Hợp tác xã có 19 thành viên với diện tích gần 20ha, do ông Mười Tây làm giám đốc.

Chú trọng xây dựng nhãn hiệu

“Vú sữa Thới An Đông” (phường Thới An Đông, quận Bình Thủy) là nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể trong tháng 8-2017. Việc xây dựng nhãn hiệu đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, quảng bá thương hiệu sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Nhờ đó, vú sữa Thới An Đông có đầu ra ổn định, đời sống nông dân từng bước được nâng lên.

Nhãn hiệu vú sữa Thới An Đông được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ cho 8 thành viên trong Tổ hợp tác trồng vú sữa tại khu vực Thới Thạnh. Ông Nguyễn Văn Tập, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: “Từ khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu vú sữa Thới An Đông, nhiều khách hàng trong và ngoài thành phố biết tiếng nên đầu ra sản phẩm ổn định, nông dân an tâm phát triển sản xuất...”. Với diện tích 4 công trồng vú sữa, ông Tập có thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/ năm. Mỗi năm, cây vú sữa chỉ ra hoa 1 lần nên bón phân, tỉa cành đúng thời điểm là rất quan trọng và mang tính quyết định năng suất cho mùa năm sau. Ông Tập chia sẻ: “Những cơn mưa đầu vụ cũng là lúc bón phân thúc cho cây vú sữa nảy lộc ra hoa đồng loạt. Thời gian vú sữa ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 6-7 tháng. Trong giai đoạn ra hoa, phải bón phân và phun xịt thuốc đúng theo chu kỳ để hạn chế sâu ăn hoa, trái...”. Hiện tại, khu vườn của ông Tập có 42 gốc vú sữa trên 20 năm tuổi, năng suất bình quân từ 150 đến 350kg/cây, tùy vào thời điểm mà giá bán dao động từ 12.000 đến 60.000 đồng/kg.

Với tâm huyết trợ giúp nông dân triển khai, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả và đẩy mạnh liên kết sản xuất, ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, chia sẻ: “Hợp tác, liên kết trong sản xuất và xây dựng thương hiệu đang là xu thế để đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Thời gian qua, các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên nông dân, tập huấn nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho nông dân; nêu cao vai trò, trách nhiệm của nông dân đối với cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, chủ động, sáng tạo hơn trong sản xuất. Khuyến khích nông dân đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, hiệu quả, đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. 

bài, ảnh: Thanh Thư

Chia sẻ bài viết