12/12/2015 - 15:23

Điện ảnh thế giới

Hợp tác làm phim- xu hướng tất yếu

Trong thời đại toàn cầu hóa, hợp tác sản xuất phim là một xu hướng tất yếu và đang trở nên phổ biến. Thực tế phát triển của công nghiệp điện ảnh thế giới cho thấy, hợp tác sản xuất phim giữa các quốc gia hay vùng lãnh thổ mang lại cho mỗi bên tham gia lợi ích về kinh tế, văn hóa, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp và đa dạng trong sáng tác, sản xuất và phát hành phim.

* Mở rộng thị trường, tăng lợi nhuận

Mở rộng thị trường và tăng lợi nhuận là mục tiêu chính của hợp tác sản xuất phim giữa các "ông lớn" của Hollywood và các quốc gia, lãnh thổ trong khu vực châu Á (nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc). Trung Quốc- quốc gia đông dân thứ nhì thế giới (sau Ấn Độ) vốn khắt khe với các nhà làm phim quốc tế- gần đây nới lỏng với hàng loạt chính sách để mời gọi Hollywood đầu tư. Còn Hàn Quốc được đánh giá là quốc gia có tỉ suất người đến rạp xem phim đứng đầu thế giới: trung bình hai người thì có một người mua vé vào rạp.

   “Monster Hunt” của Trung Quốc tạo bất ngờ với tạo hình nhân vật đạt chất lượng của Hollywood.

Hiện Trung Quốc có 5.660 rạp chiếu phim với 28.000 màn hình phục vụ 1,3 tỉ dân. Doanh thu phòng vé 6 tháng đầu năm 2015 của Trung Quốc đạt 3,3 tỉ USD, tăng gần 50% so với nửa đầu năm 2014, vượt Hollywood thời hoàng kim. Nhà sản xuất phim độc lập Robert Cain phân tích doanh thu ở thị trường Trung Quốc không có dấu hiệu chững lại như ở Bắc Mỹ vì nhu cầu đến rạp xem phim của người dân ở quốc gia châu Á này luôn ổn định. Theo hãng tư vấn PricewaterhouseCoopers, năm 2018 doanh thu phòng vé tại Trung Quốc sẽ tăng lên 5,9 tỉ USD (tức 88,5%) khi số lượng rạp tăng lên 9.600 rạp với 53.000 màn hình. Với đà này, Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt Bắc Mỹ trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc có chính sách hạn chế phim nước ngoài, hằng năm chỉ cho phép 34 phim nước ngoài phát hành tại quốc gia này. Vì vậy, Hollywood buộc phải liên doanh hay hợp tác với các hãng phim của Trung Quốc để xâm nhập thị trường. Cụ thể, Warner Bros, DreamWorks Animation, IMAX hợp tác với China Media Capital Partnerrs (CMC); Walt Disney hợp tác với Shanghai Media Group; Universal với China Film Group… Việc hợp tác này mang đến lợi ích cho cả hai bên, Hollywood mở rộng thị trường, tăng doanh thu; Trung Quốc tiếp cận thị trường Bắc Mỹ, tìm công nghệ và vị thế phát triển lâu dài.

Không chỉ tiếp cận thị trường Trung Quốc, gần đây, Hollywood cũng nhắm đến Hàn Quốc. Tận dụng chính sách hỗ trợ 25% kinh phí sản xuất cho bất kỳ dự án quốc tế nào đến quay tại Seoul (Hàn Quốc), nhiều hãng phim lớn của Hollywood như Universal, Warner Bros, Walt Disney… ào ạt chọn nơi đây làm bối cảnh trong các phim kinh phí lớn. Điển hình, các phim "bom tấn" mới nhất của Hollywood như "Star Trek 3", "The Avengers: Age of Ultron"… đều có vài phân cảnh tại Seoul. Thực tế, thỏa thuận này mang đến lợi ích cho hai bên: Hollywood tiếp cận sâu được thị trường, được hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất; còn Hàn Quốc có cơ hội quảng bá hình ảnh quốc gia.

 Diễn viên Hàn Quốc Lee Byung Hun (ảnh) trong “G.I. Joe: The rise of cobra”.

Hollywood, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng hợp tác trong việc mượn ngôi sao hoặc bối cảnh phim ("The warrior" năm 2001, "Failan" năm 2001…) đến đồng sản xuất ("One fine spring day"- 2001, "Mr.Go"- 2013, "A wedding invitation"- 2013, "20 once again"- 2015…). Mới đây, Trung Quốc và Hàn Quốc còn hướng tới hợp tác sâu rộng thông qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ sản xuất phim. Theo đó, các phim thuộc bản quyền hợp tác giữa hai quốc gia này sẽ được hỗ trợ sản xuất, quảng bá, phân phối rộng hơn và thuận lợi trên nhiều mặt.

* Cùng nhau phát triển

Hợp tác làm phim giữa các nền điện ảnh không chỉ mở rộng thị trường, tăng lợi nhuận mà còn giúp nhau cùng phát triển. Dù Trung Quốc có hệ thống rạp chiếu phim nhiều nhưng cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị sản xuất phim chưa hiện đại để đáp ứng nhu cầu của các nhà làm phim quốc tế. Do đó, việc hợp tác với Hollywood và Hàn Quốc giúp Trung Quốc cải thiện được hạn chế này. Điển hình, công ty Dexter của đạo diễn Hàn Quốc Kim Yong Hwa từng thực hiện nhiều hiệu ứng kỹ xảo cho các bộ phim Trung Quốc, trong đó có "Young Detective Dee: Rise of the Sea Dragon" của đạo diễn Từ Khắc. Cheng Kim Fung, Phó Chủ tịch hãng phim Trung Quốc Wanda Media, nói: "Trung Quốc cần phải học hỏi nhiều từ Hàn Quốc bởi Hàn Quốc là quốc gia phát triển nhất ở châu Á về lĩnh vực công nghiệp hóa phim ảnh và hệ thống sản xuất. Tôi hy vọng sự hợp tác giữa hai quốc gia sẽ còn mở rộng trong tương lai".

Trong khi đó, nhiều phim Hollywood xuất hiện "hương vị" châu Á từ diễn viên đến câu chuyện. Các ngôi sao châu Á không còn xuất hiện vài giây như trước kia mà có hẳn vai diễn gây chú ý như: Thư Kỳ trong "Transporter 1", Lưu Diệc Phi trong "Outcast", Thang Duy, Vương Lực Hoành trong "Blackhat", Angela Baby trong "Hitman: 47", Kim So Hyun, Claudia Kim trong "Avengers 2", Lee Byung Hun trong "G.I. Joe: The rise of cobra", "Terminator Genisys", "The Magnificent Seven"... Các diễn viên châu Á có cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp hơn, được tiếp cận thị trường khó tính. Ngược lại, các nhà làm phim Hollywood chứng tỏ sự đáp ứng thị hiếu và mong mỏi của các thị trường, có thêm sự đa sắc trong tác phẩm. Bên cạnh đó, công nghệ kỹ xảo điện ảnh là điều quan trọng mà Hàn Quốc và Trung Quốc học được từ việc hợp tác với Hollywood. Chẳng hạn, trong "Mr.Go" của Hàn Quốc, nhân vật tinh tinh được dựng hoàn toàn bằng kỹ xảo CG, được quay bằng công nghệ 3D sống động và sắc nét; trong khi đó "Monster Hunt" của Trung Quốc cũng tạo bất ngờ với tạo hình quái nhi Củ cải dễ thương, sống động bằng kỹ xảo đồ họa 3D…

Hợp tác là xu hướng mà các nhà làm phim quốc tế chọn để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập giữa các nền kinh tế. Trên thực tế, việc hợp tác mang đến hãng phim nhiều lợi ích hơn, nhất là về tài chính, nhân lực và công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh quốc tế.

ÁI LAM
(Tổng hợp từ latimes, chinabusinessreview, businesskorea, ibtimes)

Chia sẻ bài viết