29/08/2009 - 19:39

Hồn Việt, bản sắc Việt trong "Tuyên ngôn độc lập"

 Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Hà Nội, 1945.

* Bùi Văn Bồng

Một sự kiện cách đây 64 năm, không những đi vào lịch sử nước Việt Nam ta mà còn có trong danh mục lịch sử thế giới. Đó là ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập (TNĐL), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Bản Tuyên ngôn Độc lập là áng văn bất hủ, sánh vai cùng nhiều áng “thiên cổ hùng văn” mà ông cha ta đã để lại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cả ngàn năm tồn tại trong mối quan hệ với phương Bắc như “áng thơ thần bên sông Như Nguyệt”: Nam quốc sơn hà Nam đế cư... gắn với cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược của Lý Thường Kiệt, như Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo thống lĩnh toàn dân ba lần đánh bại giặc Nguyên - Mông, hay Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi tuyên cáo về chiến thắng vẻ vang của cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi giặc Minh đô hộ dưới ngọn cờ của minh quân Lê Lợi... TNĐL của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân ta, từ địa vị nô lệ đứng lên giành độc lập, tự tổ chức ra nhà nước của mình. Áng hùng văn bất hủ này thực sự là một di sản văn hóa và tư tưởng Việt Nam để khẳng định quyền tự chủ của dân tộc. Đọc TNĐL của Bác Hồ, chúng ta nhận ra qua từng lời văn với ngôn ngữ rất chọn lọc của Bác, không những mang tính pháp lý hiện đại, có tầm quốc tế về nội dung, mà còn mang đậm hồn Việt, bản sắc văn hóa dân tộc Việt.

Năm 2005, kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, tiếp xúc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm Hoa Kỳ, nguyên thượng nghị sĩ Mc. Govern, người luôn có tiếng nói chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và năm 1972 đã từng tranh cử chức tổng thống với R.Nixon, đã đưa ra nhận xét: “Trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại cuộc kháng chiến giành độc lập của Hoa Kỳ, do Thomas Jefferson soạn thảo. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thay đổi một ý so với bản tuyên ngôn của Th. Jefferson. Câu “Chúng tôi ủng hộ một sự thật hiển nhiên rằng mọi người đều sinh ra bình đẳng” thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói rằng: “Mọi dân tộc sinh ra đều bình đẳng”. Quả là một sự thay đổi khéo léo và sáng suốt”. Từ chỗ mọi người, Bác đã đưa ra khái niệm lớn hơn, bao quát hơn: mọi dân tộc, mang đầy đủ ý nghĩa Quốc tế vô sản. Đó là một sự suy rộng mang đậm nét Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nguyên văn trong TNĐL, Bác Hồ dùng cách diễn đạt “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam không chỉ là giấy khai sinh cho một Nhà nước Việt Nam theo thể chế Dân chủ vì mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc mà còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại bằng sự suy rộng ra thành chân lý mang tầm thời đại. Cũng theo quan điểm, tư tưởng Quốc tế vô sản, từ cách nhìn “toàn cầu hóa”, tháng 5-1969, trong Di chúc để lại cho muôn đời con cháu mai sau, Người đã viết: “...Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý , có tình.

Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.

Giá trị rất quan trọng của TNĐL là một văn bản pháp lý rất hiện đại phù hợp với sự phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của tất cả các dân tộc bị áp bức, bị nô dịch trên thế giới. Nó nhằm khẳng định địa vị pháp lý của nền độc lập và chủ quyền một quốc gia với toàn thể cộng đồng các quốc gia, các dân tộc đang vươn tới giành tự do, độc lập. Đánh giá về quá trình khởi thảo bản TNĐL, một sĩ quan tình báo Hoa Kỳ, ông A.Patti, phụ trách đơn vị OSS cộng tác với Việt Minh trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cho rằng: Ngay sau khi nhận được tin phát xít Nhật đầu hàng, nhận thấy thời cơ đã tới, Hồ Chí Minh “đã hành động một cách kiên quyết và nhanh chóng, vì ông phải bảo đảm chiếm được một chỗ đứng vững chắc ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Ông Hồ biết rằng, ông phải làm cho mọi người thấy rõ cả tính hợp pháp lẫn sức mạnh để giữ vai trò lãnh đạo và phát triển phong trào...”.

Để nâng cao giá trị của bản TNĐL vừa mang tính hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng, sau khi soạn thảo, Bác đã đem bản thảo trao đổi để lấy ý kiến không chỉ đối với các đồng chí trong đoàn thể của mình mà còn đọc cho những người dân bình thường nghe, với lòng mong muốn nó đến được với mọi đồng bào của mình để làm cho họ có ý thức về một biến cố lịch sử rất to lớn đối với vận mệnh của cả dân tộc. “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”...Riêng câu nói đó trước khi chính thức đọc bản TNĐL tại Quảng trường Ba Đình đã toát lên tính dân tộc, tính đại chúng trong cách nói và viết của Người. Nó thực sự gần gũi với vận mệnh của mỗi con người, nay đã được gọi là công dân của một nước độc lập theo mục tiêu của một thể chế ưu việt: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

Trích dẫn những câu chữ rất chọn lọc trong Tuyên ngôn Độc Lập của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp, Bác Hồ muốn mọi công dân Việt Nam và các dân tộc trên thế giới hiểu rằng: Hai nước thực dân, đế quốc to trên thế giới “tuyên bố” như thế, nhưng lại đi xâm lược, tước đoạt quyền tự do, độc lập của các dân tộc khác. Từ đó, lên án thực dân Pháp, đứng sau là quan thầy Mỹ, đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta trong 80 năm, trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Sử dụng những trích dẫn ấy, vị Chủ tịch của Nhà nước Việt Nam độc lập còn muốn khẳng định rằng ngay cách mạng Việt Nam cũng là sự nối tiếp trên con đường phát triển tất yếu của nhân loại. Những gì đã diễn ra sau cuộc Cách mạng Tháng 8-1945 đã minh chứng một sự thực về nguyện vọng giải phóng của các nước nhỏ khỏi sự đè nén của các nước lớn. Để chứng minh cái quyền tất yếu của dân tộc ta: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Đó là “ quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đây là một Tuyên bố Nhà nước, một văn bản Quốc gia chính thức. Vì thế, theo thông lệ của các chuẩn mực, người viết đã chọn dùng ngôn ngữ luật pháp chứ  không phải ngôn ngữ hành chính để thể hiện. Theo đó, tác giả đã không xuất phát từ  cái ý chủ quan của riêng mình mà bắt đầu văn bản bằng việc nêu lên một chân lý khách quan, vốn  đã thấy trên chính trường quốc tế.

Cách mạng Tháng Tám thành công đã khai sinh ra một nước Việt Nam độc lập. Nước Việt Nam độc lập thì tiếng Việt cũng được độc lập. Độc lập là tiếng nói và chữ viết trở thành chính danh. Mệnh đề ấy rất đơn giản nhưng lại hoàn toàn không đơn giản chút nào trong sự nghiệp đấu tranh cho văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Tiếng Việt “là thứ của cải vô cùng lâu đời, vô cùng quý báu của dân tộc” (Hồ Chí Minh, 1962), là công cụ hữu hiệu trong phát triển và giữ gìn văn hóa Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Nhưng tiếng Việt, cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám, mới thật sự là thứ ngôn ngữ chính danh. Bản “Tuyên ngôn Độc lập” mà Hồ Chủ tịch đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945 là một minh chứng cho điều tiếng ta đã thật sự trở thành một tiếng độc lập.

Theo GS.TS Đinh Văn Đức: Sau cả ngàn năm Bắc thuộc, chữ Hán đã có một cương vị đáng kể trong đời sống nước ta do các tiếp xúc ngôn ngữ và cả chính sách hướng tới việc đồng hóa văn hóa. Mặc dù người Việt đã có những cố gắng tự chủ cao độ, mà biểu hiện rõ nhất trong việc hình thành cách đọc Hán-Việt, thế nhưng, ngay cả sau thế kỷ thứ mười, khi nước ta đã giành độc lập, chữ Hán vẫn được coi là chính danh trong giáo dục-đào tạo (hệ thống khoa cử), trong hệ thống văn bản quản lý nhà nước (từ Chiếu chỉ đến các Châu bản của nhà vua) và trong sáng tác văn chương (dòng văn học chữ Hán). Các văn kiện nổi tiếng về nền độc lập dân tộc như bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”, hay “Bình Ngô Đại cáo”... đều được viết bằng chữ Hán. Phải đến “Tuyên Ngôn Độc Lập” (1945) của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có một văn kiện chính thức đầu tiên về nền Độc lập dân tộc được viết bằng tiếng Việt, chữ Việt một cách chính danh. Ngôn ngữ “Tuyên Ngôn Độc Lập” là một sản phẩm đẹp đẽ của tiếng Việt chuẩn mực và hiện đại. Một hòn ngọc văn hóa có giá trị rất quý báu và trường tồn lâu dài, như chính hồn Việt, dân tộc Việt, con người Việt.

Ngôn ngữ “Tuyên ngôn Độc lập” là ngôn ngữ chính luận của một áng hùng văn đầy cảm xúc và của một ý chí sắt đá. Thành công của ngôn ngữ trong văn bản này có thể nhận thấy trên nhiều phương diện. Bản TNĐL có ba nội dung quan trọng, vừa mang tính khẳng định, vừa là lời hiệu triệu hùng hồn, với những tu từ học và ngắt câu, chốt câu rất độc đáo:

“... Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta.

Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

... Nhật tước khí giới của quân đội Pháp.

Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng.

Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.

Đã là tuyên ngôn thì phải nói ngay được cái chân lý, cái cốt lõi. Các phân tích ngôn từ triển khai tiếp theo sẽ bám vào đó mà thể hiện các lập luận. Ngôn ngữ văn bản này được viết rất giản dị nhưng tổ chức rất chặt chẽ. Các liên kết lô gích và liên kết mạch lạc làm nòng cốt cho việc triển khai các lập luận cơ bản. Đó liên tục là một chuỗi của các lập luận: Lập luận về quyền dân tộc, lập luận về việc thực dân Pháp vi phạm các quyền đó, lập luận về thời cơ của vận nước, lập luận về quyền và trách nhiệm của dân tộc Việt Nam, lập luận về quyết tâm của chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc giữ gìn quyền độc lập và tự do. Một đặc trưng khác là cùng với lập luận chặt chẽ, lời văn của Tuyên ngôn hết sức trang trọng và lịch sự.

Ngôn ngữ của “Tuyên ngôn Độc Lập” là ngôn ngữ của một văn kiện chính trị lớn, hướng đến một công chúng lớn mà đối tượng đích là “Quốc dân và Thế giới”. Nội dung truyền thông trong bản bố cáo rất lớn lao, có ý nghĩa vận mệnh của Quốc gia và Dân tộc. Dễ dàng nhận ra là tác giả đã viết văn bản trong một sự hào sảng cao độ, các cảm xúc như trào lên ngọn bút quanh hai từ Độc lập và Tự do. Ngôn ngữ luật pháp được vận dụng triệt để, các phát ngôn đầy tính nhân văn và lịch lãm, nhưng không màu mè và giả tạo, không lên gân mà rất tự nhiên, trung thực. Quan điểm của người nói khi phát ngôn rất chân thành và tha thiết nhưng cũng rất kiên định và cương quyết.

Sự súc tích của câu văn và từ ngữ cũng là một nét nổi trội. Có những nội dung rất lớn nhưng tác giả chỉ cần gói gọn trong một dòng với những ngắt đoạn cực ngắn, ví dụ như khi nói về tình thế của cách mạng ta lúc đó, Tuyên ngôn đã viết : “Pháp chạy. Nhật hàng. Vua Bảo Đại thoái vị. ...Chúng ta lấy lại đất nước ta từ trong tay Nhật chứ không phải trong tay Pháp”. Thế là rõ: Đối ngoại thì Pháp không có lý do gì để trở lại Việt Nam, đối nội thì chính quyền cũ đã hạ cờ. Lịch sử đã sang trang. Mấy ngày sau, khi Quân đồng minh vào nước Việt thì họ chỉ là khách đến làm nhiệm vụ trong một đất nước có chủ quyền.

Chúng ta thấy lời văn ở đây là kết tinh một thứ tiếng Việt rất mới mẻ và hiện đại. Tính dân tộc và tính đại chúng trong TNĐL thể hiện rõ nét ở những câu, từ vừa mang tính chính luận sắc bén, vừa dễ hiểu để mọi tầng lớp trí-công-nông-binh đều hiểu rõ. Các từ như “thẳng tay”, “tắm”, “nòi giống ta”, “tận xương tủy”, “giết nốt”, “gan góc” hoàn toàn là Việt ngữ, không hề vay mượn, pha tạp chút nào. Ví dụ như: “Chúng đã thẳng tay chém giết”... “tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu... Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược...Chúng bóc lột dân ta đến xương tủy...Chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng...”

Đã 64 năm, từ Bản “Tuyên ngôn Độc lập” do Bác Hồ kính yêu của chúng ta soạn thảo và đã đọc tại Quảng trường Ba Đình, dân tộc ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với biết bao hy sinh tổn thất, nhưng đã “đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”, mọi người dân Việt Nam đều thấm nhuần sâu sắc và luôn luôn mang bên mình như một thứ hành trang không thể thiếu được. Đó là lời hiệu triệu của Bác: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Giá trị của Tuyên ngôn Độc lập cùng lời hiệu triệu đanh thép và trường tồn ấy vẫn luôn luôn tươi rói trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1- Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2-9-1945)

2- Giao tiếp và giao tiếp văn hóa, Nxb ĐHQGHN, Hà Nội (2002). Tác giả Nguyễn Quang.

3. Lương Văn Hy (chủ biên) - Ngôn từ, giới và nhóm xã hội, từ thực tiễn tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội năm 2000..

4.Tim Hindle (2004), Nghệ thuật thuyết trình, Nxb VHTT, Hà Nội.

Chia sẻ bài viết