20/07/2009 - 20:55

Nhật thực toàn phần 22-7-2009

Hơn trăm năm mới có một lần

Sáng mai 22-7, nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 với thời gian che khuất cực đại kéo dài tới 6 phút 39 giây sẽ xuất hiện trên bầu trời nhiều nước và vùng lãnh thổ ở châu Á – Thái Bình Dương. Vịnh Khambhat nằm ngoài khơi bờ biển phía Tây Ấn Độ là nơi đầu tiên quan sát được hiện tượng thiên nhiên kỳ thú được cho chỉ lặp lại sau 123 năm nữa, cụ thể là vào ngày 13-6-2132.

Nhật thực toàn phần hồi tháng 8-1999 được quay ở Pháp.
Ảnh: Wikipedia

Theo các chuyên gia, nếu sáng mai trời không mây thì đây có thể là kỳ nhật thực được nhiều người chiêm ngưỡng nhất lịch sử bởi nhật thực sẽ lướt qua hai quốc gia đông nhất hành tinh: Ấn Độ và Trung Quốc. Dự kiến, Nhật thực toàn phần sẽ “khởi hành” vào lúc 00:53 GMT (07:53 giờ Việt Nam) từ phía Tây rồi đến miền Trung Ấn Độ trước khi “chạy” đến phía Bắc Bangladesh và cực Đông Nepal. Hiện tượng Mặt trăng “ăn” Mặt trời kế đến sẽ xuất hiện tại Bhutan, Myanmar rồi lướt qua một số thành phố lớn của Trung Quốc như Thành Đô, Trùng Khánh, Vũ Hán trước khi “bay” đến Thượng Hải – nơi được cho sẽ quy tụ số người chiêm ngưỡng đông nhất.

Xem trên ti-vi
hoặc Internet
là an toàn nhất

Không nên xem nhật thực, thậm chí là nhật thực một phần, trực tiếp bằng mắt thường hoặc ống nhòm, kính thiên văn, chai bia hoặc phim chụp ảnh vì có thể làm tổn hại vĩnh viễn võng mạc, thậm chí gây mù lòa suốt đời. Nguyên nhân là vì cường độ ánh sáng Mặt trời khá lớn với nhiều bức xạ tử ngoại có hại cho mắt nếu nhìn thẳng. Theo các chuyên gia, tốt nhất nên quan sát bằng kính xem nhật thực chuyên dụng, kính thợ hàn hoặc có thể theo cách dân gian là đặt chiếc gương dưới chậu nước pha mực để hình ảnh Mặt trời nhìn qua đó trở nên dịu mắt hơn. Tuy nhiên, cách an toàn nhất là xem trên truyền hình, Internet hoặc qua điện thoại di động.

Trung Quốc cho biết sẽ truyền hình trực tiếp pha nhật thực toàn phần ở nước này (dự kiến kéo dài 4-6 phút) cho khán giả toàn thế giới xem miễn phí qua truyền hình, Internet hoặc điện thoại di động.

Sau đó, nhật thực toàn phần sẽ băng qua vùng Tây Thái Bình Dương. Đây là khu vực có thể quan sát được toàn cảnh Chị Hằng che khuất hết Thái Dương trong thời gian lâu nhất – 6 phút 39 giây. Lúc đó độ khoảng 02:35 GMT (09:35 giờ Việt Nam). Mặt trăng chỉ hết “ám” Mặt trời sau khi dừng chân ở quần đảo Polynesia trên Thái Bình Dương lúc 04:19 GMT (11:19 giờ Việt Nam). Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ quốc gia Mỹ, làng Taregana thuộc bang Bihar (phía Tây Ấn Độ) là nơi lý tưởng nhất trên Trái đất để chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ này.

Các nước khác nằm ngoài khu vực có nhật thực toàn phần như Việt Nam, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ chỉ quan sát được nhật thực bán phần hoặc một phần. Theo ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam, hầu hết lãnh thổ VN chỉ quan sát được nhật thực một phần. Địa điểm quan sát được tỷ lệ mặt trăng lớn nhất ở nước ta là Hà Giang, với tỷ lệ che khuất cực đại là 75,8% vào lúc 8:11. Càng về phía Nam, tỷ lệ che khuất càng nhỏ. Đà Nẵng là 46% lúc 8:15:10, Nha Trang là 31,4% lúc 8:17:17, TP.HCM là 27,4% vào lúc 8:13:4, Cần Thơ là 22,5% lúc 8:11:40...

Các nhà khoa học nhấn mạnh nhận thực toàn phần là hiện tượng tự nhiên của vũ trụ, không phải siêu nhiên thần bí nên những tin đồn xung quanh hiện tượng này như gia tăng bạo lực ở các nước nhật thực đi qua, phụ nữ mang thai không nên ra ngoài vì sẽ sinh con bị dị tật, xảy ra thiên tai như động đất, sóng thần... là hoàn toàn vô căn cứ, không có cơ sở khoa học. Theo ông Nguyễn Đức Phường, trong lịch sử chưa ghi nhận được bất kỳ trận sóng thần hay động đất nào do nhật thực gây ra.

DUYÊN MAI
(Theo AFP, The Age, Wikipedia, Dantri, Xinhua)

Xem nhật thực ở độ cao 12.500 m

Không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền trăm năm mới có một lần, hãng du lịch Cox & Kings ở Ấn Độ vừa thuê chiếc Boeing 737-700 để mang đến du khách cơ hội chứng kiến nhật thực ở độ cao khoảng 12.500 m. Chuyến bay dự kiến kéo dài 3 giờ này khởi hành từ New Delhi trước lúc hừng sáng 22-7 và sẽ chạy theo nhật thực tới bang Bihar nằm ở phía Tây Ấn Độ, được cho là địa điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng “quái vật” (từ gọi của một chuyên gia thiên văn người Mỹ).

Trên chuyến bay sẽ có các chuyên gia giải thích cho hành khách về hiện tượng nhật thực. Theo nhà tổ chức, bóng của nhật thực sẽ lướt qua máy bay với vận tốc gấp 15 lần vận tốc âm thanh (khoảng 18.375 km/giờ). Được biết, để có thể ngồi vào 1 trong tổng số 21 chiếc ghế cạnh cửa sổ máy bay để ngắm Mặt trời bị che khuất, hành khách phải chi 79.000 rupee (29 triệu đồng).

V.Q (Theo Xinhua)


Chia sẻ bài viết