Tháng 6 hằng năm, người dân khắp nơi lại về Phong Điền, xuôi dòng Trà Niềng, tìm viếng khu mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, một người con của quê hương Xứ Dừa nhưng lại chọn đất Tây Đô làm nơi "sống gửi thác về". Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của cụ Cử Trị luôn sáng ngời đạo nghĩa và khí phách của một nhà thơ yêu nước.
Nhà thơ Phan Văn Trị sinh năm Canh Dần 1830 tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình Nho giáo. Năm Kỷ Dậu 1849, cụ tham gia kỳ thi Hương tổ chức ở trường Gia Định và đỗ Cử nhân; từ đó, mọi người quen gọi là Cử Trị.
Năm 1868, cụ Phan Văn Trị về sống hẳn ở làng Nhơn Ái, Phong Điền, Cần Thơ, dạy học và làm thơ. Cụ mất ngày 22 tháng 6 năm 1910 (nhằm ngày 16 tháng 5 năm Canh Tuất) tại rạch Cái Tắc, một nhánh của rạch Trà Niềng (Phong Điền, Cần Thơ), trong cảnh cơ hàn.
Khu mộ của cụ Cử cùng vợ nay thuộc địa phận ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 1991. |
Bút chiến
Trong đời cầm bút, cụ Cử Phan Văn Trị sáng tác không nhiều. Theo thống kê trong quyển "Tác phẩm Phan Văn Trị" (NXB Tổng hợp Hậu Giang, 1987), Ban chủ nhiệm Hội thảo khoa học về nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị đã sưu tầm được 25 tác phẩm tường minh (xác định chính xác do cụ Cử sáng tác) và 6 bài thơ tồn nghi (còn nghi vấn). Còn trong quyển "Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ 19" (NXB Văn học giải phóng, 1976), nhà thơ Bảo Định Giang đã thống kê có 29 bài thơ độc lập, 10 bài thơ bút chiến với Tôn Thọ Tường và 10 bài cảm hoài. Tuy số lượng tác phẩm không nhiều song những bài thơ của cụ Cử là tiếng lòng của người dân yêu nước; là lời lên án đanh thép bọn xâm lược và bè lũ tay sai. Trong đó, nổi bật nhất trên văn đàn thời bấy giờ và đến tận hôm nay là 12 bài bút chiến của cụ Cử với tên tay sai Tôn Thọ Tường. Nhà thơ Bảo Định Giang đánh giá: "Đây là cuộc bút chiến đầu tiên và sôi nổi nhất trong lịch sử văn học, diễn ra giữa hai phe có một lập trường đối địch căn bản" ("Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ 19", sđd, tr.139).
Tôn Thọ Tường là một tên tay sai cho thực dân Pháp. Vốn có tài văn chương, lại "lươn lẹo", Tôn Thọ Tường khiến nhiều người dễ lầm, không thấu rõ bản chất tiểu nhân của hắn. Chính Tôn Thọ Tường là người được thực dân phái "thâu phục" nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, hai nhà yêu nước Phan Tôn, Phan Liêm (con cụ Phan Thanh Giản) và cả cụ Cử Trị. Tuy nhiên, hắn đã bị những nhà yêu nước này khinh miệt bởi sự gian trá, "mãi quốc cầu vinh". Trong cuộc bút chiến giữa nhà thơ Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường, có chuỗi 10 bài liên hoàn tự thuật và 2 bài thơ độc lập. Hình thức bút chiến là Tôn Thọ Tường "xướng" một bài thơ thất ngôn bát cú, cụ Cử cũng dùng thể thơ ấy "họa" lại theo kiểu đối câu, đối ý. Trong Tự thuật (bài 2), Tôn Thọ Tường mỉa mai cụ Cử cùng những người yêu nước chống Pháp:
"Thày lay lại muốn chuốc danh nhơ
Ai mượn mình lo việc bá vơ
Trẻ dại giếng sâu lòng chẳng nỡ
Đàng xa ngày tối tuổi không chờ"
Cụ Cử Trị "họa" lại:
"Lung lay lòng sắt đã mang nhơ
Chẳng xét phận mình khéo nói vơ
Người trí mảng lo danh chẳng chói
Đứa ngu luống sợ tuổi không chờ"
Trong Tự thuật (bài 5), Tôn Thọ Tường "tấn công" thẳng nhà thơ Phan Văn Trị bằng những vần thơ giễu cợt:
"Khoe khoang sức giỏi cậy tài khôn
Bán dạng khua môi cũng một phồn"
Cụ Cử đáp trả bằng những lời lẽ nhẹ nhàng nhưng thâm sâu:
"Khoe khoang việc phải mới rằng khôn
Kẻ vạy người ngay há một phồn"
Trong số các bài thơ bút chiến, tác phẩm "họa lại" bài thơ "Tôn phu nhơn quy Thục" của Tôn Thọ Tường được đánh giá là một tác phẩm xuất sắc của cụ Cử. Tôn Thọ Tường mượn tích Tôn phu nhơn (em gái Ngô Tôn Quyền) theo chồng là Lưu Bị về nước Thục để gửi gắm tâm tư của hắn: thà mất lòng anh em, bằng hữu (như Tôn phu nhơn mất lòng anh) mà làm vừa lòng thực dân Pháp (như Tôn phu nhơn quy phục Lưu Bị):
"Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng"
Cụ Cử cũng "nhắn" lại với tiếng thơ thâm thúy:
"Anh hỡi Tôn Quyền, anh có biết,
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng!"
Nhà thơ Bảo Định Giang cho rằng: "Nhà thơ yêu nước Cử Trị là một người có công lớn trong việc lột mặt nạ giả dối của Tôn Thọ Tường
Ráo riết phản công để cuối cùng giành phần thắng về mình, về phía chính nghĩa, công việc làm của cụ Cử Trị đã lôi cuốn được khá nhiều người tham gia mặt trận chiến đấu". Cũng bởi lòng trong bút sáng của cụ Cử Trị nên dù bị cụ chửi mắng thậm tệ, Tôn Thọ Tường trong tận đáy lòng vẫn nể phục một nhân cách lớn. Bằng chứng rõ nhất là sau khi cụ Cử qua đời tại Phong Điền, Tôn Thọ Tường đã sáng tác bài "Khóc đầu Hạng Võ", với lời lẽ thống thiết khóc cụ Cử họ Phan:
"Trăm hai non nước một gươm thần
Hết giận thôi mà khóc cố nhân"

Hằng năm, cứ đến ngày giỗ cụ Cử Trị, người dân khắp nơi lại đổ về Phong Điền để tưởng nhớ một hồn thơ khí phách, tài hoa.
Những giai thoại
Trong dân gian Nam bộ, nhà thơ Phan Văn Trị được xem là người bộc trực, yêu nước và có tài văn chương xuất chúng. Đặc biệt, tài ứng tác của ông rất nhanh nhạy, chính xác (bút chiến với Tôn Thọ Tường là điển hình). Nhiều giai thoại kể khi bạn bè cụ Cử gợi ý ông ứng tác về một vấn đề trước mắt: hột lúa, con muỗi, ngư dân đánh bắt cá
cụ đều "xuất khẩu thành thơ" rất chuẩn và nhiều hàm ý. Đơn cử như một lần đi cùng bạn từ Bình Thủy về Phong Điền, thấy vợ chồng nhà kia đánh nhau, bạn cụ Cử đề xuất cụ làm thơ vịnh. Cụ Cử đọc ngay bài thơ thất ngôn bát cú, kết thúc bằng hai câu đầy tính khuyên lơn:
"Gia đạo bất hòa ra cửa pháp
Quan trên giận phạt đánh bằng thoi"
Hay trong một lần đến kinh đô Huế, nhà thơ Phan Văn Trị đi dạo dọc sông Hương, chợt trông thấy người dân lặn sông mò cua, bắt ốc, mình dính đầy rong rêu bùn đất. "Tức cảnh sinh tình", cụ Cử liền ngâm nga hai câu:
"Phú quý Trường An rong vấn cổ
Phong lưu kinh địa xáy đầy đầu"
Cũng bởi lòng thương người ấy mà dân gian còn lưu truyền một giai thoại lý thú về cụ Cử. Trong một lần ăn đám giỗ miệt Phong Điền, trên đường về, một tên trộm đạo chặn đường cụ giật chiếc áo dài khăn đóng mà cụ vừa cởi ra. Cụ Cử không phản ứng, để mặc cho tên trộm giật đồ xong bỏ chạy, rồi cụ lại gọi: "Khoan, khoan! Bớ người anh em". Tên trộm theo quán tính đứng lại. Cụ Cử mỉm cười rồi lấy cây dù và lột đôi giày, ôn tồn nói: "Thôi, cho chú mày hết đó, để đủ diện với người ta".
Dù thực dân Pháp và bọn tay sai chiêu dụ nhưng cụ Cử vẫn chọn lối sống "đói cho sạch, rách cho thơm", ngày ngày bốc thuốc bên rạch Trà Niềng cứu khổ cho dân. Tính ông hiền nhưng mỗi lần nhắc đến bọn "mãi quốc cầu vinh" là ông rất khinh bỉ. Một giai thoại kể rằng, trong lần đến thăm cụ Đồ Chiểu, cụ Cử trần tình: "Thằng Tường (tức Tôn Thọ Tường - PV) làm quan lớn, vì vậy mà có người bảo nó khôn, còn tôi vầy, họ nói tôi khùng. Mà anh nghĩ coi, khùng thì khùng chớ: Di, Tề nào khứng giúp Châu. Một mình một núi ai hầu chi ai (thơ "Lục Vân Tiên" - PV)". Trước lời tâm sự của người anh em, cụ Đồ Chiểu đang ngồi xé con mắm mời khách dùng cơm, bèn giơ con mắm lên mà nói: "Phải chú là Tây thì chú đâu biết ăn mắm sống!".
* * *
105 năm nhớ về cụ Cử, người dân Nam bộ nói chung, hai địa phương Cần Thơ và Bến Tre nói riêng, tự hào về một hồn thơ khí phách, đầy tính chiến đấu như lời nhận xét của nhà thơ Bảo Định Giang: "Cử Trị kháng chiến chủ yếu bằng ngòi bút!".
Bài, ảnh: Đăng Huỳnh
Tài liệu tham khảo:
- "Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ 19", Bảo Định Giang, Ca Văn Thỉnh, NXB Văn học giải phóng, 1976;
- "Tác phẩm Phan Văn Trị", NXB Tổng hợp Hậu Giang, 1987;
- "Phan Văn Trị, thân thế và sự nghiệp", Thế Nguyên, NXB Văn hóa Thông tin, 1998.