22/05/2009 - 09:07

Hội thảo quốc tế “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng”

Ngày 21-5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Paul Krugman, người đoạt Giải Nobel Kinh tế 2008, người được mệnh danh là “Nhà cảnh báo khủng hoảng” của thế giới, đã chủ trì Hội thảo quốc tế về kinh tế và kinh doanh với chủ đề “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng”. Gần 700 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các học giả, các nhà kinh tế, nhà ngoại giao, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đã dự Hội thảo.

Giáo sư Paul Krugman đã khuyến nghị và chia sẻ với các đại biểu về các giải pháp cần thực thi để giúp vượt qua khó khăn và khủng hoảng như: Bên cạnh việc tăng cường các gói giải pháp kích cầu, cần tăng cường kiểm soát hệ thống tài chính - ngân hàng bằng các quy định mang tính quốc gia, quốc tế, bảo đảm cho các thể chế này hoạt động an toàn; cần ngăn chặn những hành vi xấu, nâng cao đạo đức trong kinh doanh; có những biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tác hại của việc biến đổi khí hậu; dự báo đúng tình hình... Ông nhận định, thế giới vẫn đang ở trong giai đoạn khó khăn, thời gian hồi phục có thể kéo dài trong khoảng vài ba năm nữa, không có lối đi tắt để thoát nhanh ra khỏi khủng hoảng mà cần phải có sự bùng nổ về đầu tư, cần công nghệ mới như công nghệ xanh, công nghệ sạch để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đối với Việt Nam, Giáo sư Paul Krugman đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam để trở thành một câu chuyện thành công trong phát triển kinh tế. Theo Giáo sư, việc Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu các sản phẩm nguyên liệu thô, sử dụng nhiều lao động... chưa hẳn là điều không tốt, vì kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển bước đầu. Sau này Việt Nam sẽ xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng lao động một cách hiệu quả. Giáo sư Paul Krugman cũng gợi ý: Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam nên thận trọng, đừng bỏ tiền vào các công cụ tài chính phái sinh. Những điều cần làm là phải có một hệ thống các biện pháp khác nhau: quản lý chặt chẽ hệ thống tài chính - ngân hàng, từng bước phát triển sản xuất tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới. Giáo sư bày tỏ niềm tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ sớm khắc phục được khó khăn, ổn định và phát triển.

HÀ HUY HIỆP (TTXVN)

Chia sẻ bài viết