16/10/2014 - 20:33

VĂN HÓA CẦN THƠ

Hội nhập để phát triển bền vững

Sau hơn 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, cùng với các lĩnh vực khác, văn hóa Cần Thơ không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, bên cạnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Thành quả ấy ngoài sự quan tâm của lãnh đạo thành phố còn phải kể đến sự hội nhập quốc tế, đối ngoại văn hóa. Biểu hiện sinh động nhất là những dự án của nhiều cơ quan, tổ chức nước ngoài đầu tư, hỗ trợ cho văn hóa Cần Thơ.

Hỗ trợ thiết thực

Giữa tháng 7-2014, chúng tôi có dịp dự khai giảng lớp tập huấn của Ngân hàng Thế giới (WB) cho các nhân viên thư viện chịu trách nhiệm phục vụ tại “Góc Thông tin công cộng WB”, tổ chức tại Thư viện Cần Thơ. Cần Thơ là một trong 6 địa phương được WB tài trợ. Các học viên được giới thiệu cách tìm kiếm thông tin trên trang mạng của WB, cập nhật thông tin mới về các dự án của WB thực hiện tại Việt Nam… Bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc Thư viện Cần Thơ, cho biết: “Thư viện được trang bị Góc Thông tin từ năm 2004. Đây là nơi tập hợp đầy đủ thông tin về các dự án đã, đang và sẽ thực hiện tại Việt Nam để người dân tiếp cận, nghiên cứu”. Ngoài ra, một số ấn phẩm nghiên cứu chuyên sâu của WB như: chiến lược xóa đói giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu… cũng được trang bị. Góc Thông tin hiện có hơn 2.600 bản sách, 65 đĩa CD, gần 70 bộ tài liệu về dự án của WB thực hiện tại Việt Nam.

 Lớp Bảo tồn và truyền dạy kỹ thuật cắt may trang phục tu sĩ truyền thống dân tộc Khmer, nằm trong dự án bảo tồn của Bảo tàng Cần Thơ do Quỹ Ford tài trợ. Ảnh: VÕ NGUYÊN THỦY

Kho sách ngoại văn ở Thư viện Cần Thơ hiện nay phần lớn đều được tài trợ từ Quỹ Châu Á (tổ chức hỗ trợ sách cho hệ thống thư viện các nước Châu Á). Mỗi năm, Thư viện đều tiếp nhận sách ngoại văn trị giá khoảng 250 triệu đồng, chủ yếu là tiếng Anh, về dạy học ngoại ngữ, nghiên cứu y học, kinh tế, sinh học… “Đây là những cuốn sách có giá trị cao nhưng với ngân sách nhà nước, thư viện không thể bổ sung. Quỹ Châu Á đã giúp kho sách ngoại văn đầy đặn hơn” – bà Phan Thị Thùy Giang chia sẻ. Ngoài ra, nhiều năm qua, Quỹ Ford (Hà Lan) cũng thường tài trợ trang thiết bị cho Thư viện Cần Thơ: máy hỗ trợ thị lực, sách chữ nổi, máy đọc sách nói… cho đối tượng độc giả là người khiếm thị và thị lực kém.

Giai đoạn 2006-2010, Bảo tàng Cần Thơ đã được Quỹ Hỗ trợ bảo tồn nghệ thuật văn hóa dân gian – thuộc Trung tâm Trao đổi giáo dục với Việt Nam (do Quỹ Ford tài trợ) hỗ trợ thực hiện 3 dự án: Bảo tồn và truyền dạy hát múa Dù kê (huyện Cờ Đỏ); Bảo tồn và truyền dạy kỹ thuật cắt may trang phục tu sĩ truyền thống dân tộc Khmer, còn gọi là y cà sa (huyện Thới Lai); Bảo tồn và truyền dạy nghi thức của Achar Yuki trong lễ tang của người Khmer (quận Ô Môn). Qua các dự án này, những di sản văn hóa phi vật thể được ghi nhận một cách nguyên bản, đúng chất, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị.

Mới đây, tháng 4-2014, Nhà văn hóa xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền là một trong 10 đơn vị trong cả nước được Ban Quản lý Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (gọi tắt là Dự án EU) bàn giao 63 thiết bị với tổng kinh phí trên 150 triệu đồng và các phần mềm ứng dụng, thời gian bảo hành đến năm 2015. Đây là khởi đầu trong chuỗi hoạt động hỗ trợ phát triển du lịch cho địa phương theo mục tiêu du lịch trách nhiệm và bền vững. Ngoài ra, 27 người dân xã Mỹ Khánh được dự án EU tập huấn về kỹ năng du lịch thân thiện, du lịch nông nghiệp.

Phát huy hiệu quả

Nhiều năm qua, Bảo tàng Cần Thơ thực hiện những dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể như: hò, hát đưa em, lễ tống phong… nhưng chỉ dừng lại ở kiểm kê, ghi hình lưu trữ. Điểm nổi bật trong 3 dự án của Quỹ Ford tài trợ là ngoài lưu trữ bằng hình ảnh còn mở những lớp truyền dạy, thực hành. Điển hình như: lớp dạy Dù kê, may y cà sa… đều có từ 20-30 người tham dự. Là người gắn bó với 3 dự án này, bà Đặng Kim Quy, nguyên cán bộ Bảo tàng Cần Thơ, cho rằng: “Dự án đã góp phần đánh thức di sản, truyền tình yêu cho thế hệ trẻ”. Từ sau khóa truyền dạy năm 2006, mỗi kỳ lễ hội của đồng bào Khmer, chùa Settodo (huyện Cờ Đỏ) đều rộn vang tiếng nhạc ngũ âm và diễn trích đoạn Dù kê. “Tuy không phải ai học cũng có thể diễn hay viết kịch bản nhưng tín hiệu vui là một số người đã có khả năng duy trì nghệ thuật Dù kê” – bà Đặng Kim Quy nói. Hiện nay, còn khá nhiều nghệ nhân như: bà Sáu Dưỡng, bà Út Chóp… ở xã Định Môn, huyện Thới Lai vẫn duy trì may y cà sa để dâng cúng trong lễ Dâng y Kathina.

Hơn 10 năm hỗ trợ cho Thư viện Cần Thơ, hằng năm, Quỹ Châu Á và Góc Thông tin của WB đều đến đánh giá hiệu quả hoạt động. Không chỉ nghe báo cáo, họ kiểm tra lịch sử bạn đọc mượn tài liệu trên máy tính, tiếp xúc trực tiếp với bạn đọc từng mượn tài liệu và trao đổi với độc giả thư viện để đánh giá nhu cầu… Chỉ tính riêng Góc Thông tin WB, trung bình mỗi năm đã phục vụ gần 4 ngàn lượt người đến đọc tài liệu và tra cứu thông tin.

Thư viện Cần Thơ có nhiều cách để quảng bá kho sách ngoại văn và Góc Thông tin WB. Bên cạnh kết hợp triển lãm, tổ chức sự kiện, thư viện còn giới thiệu qua hệ thống truyền thanh thư viện và tạo chuyên mục trên trang web của thư viện tại địa chỉ: http://www.cantholib.org.vn/. Bạn đọc có thể lựa chọn trực tiếp trong kho sách và mượn về. Chị Nguyễn Thị Thu, một bạn đọc ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, nhận xét: “Phần lớn tài liệu ở Góc Thông tin này bằng ngoại ngữ nhưng thư viện đều có tóm tắt nội dung cuốn sách bằng tiếng Việt, giới thiệu những chủ đề có liên quan đến Cần Thơ… nên rất dễ tìm. Tài liệu này rất quý, không thể tìm ở bất cứ nhà sách nào”. Bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc Thư viện Cần Thơ, nói: “Sự hỗ trợ này giúp thư viện nâng cao nguồn lực thông tin để thu hút bạn đọc. Chúng tôi tìm nhiều cách tiếp cận bạn đọc với mục tiêu càng nhiều người đến với thư viện càng tốt”.

Là một địa phương đang phát triển du lịch nhất nhì Cần Thơ, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, đã được trợ lực nhờ ý nghĩa của dự án “du lịch trách nhiệm”. Người làm du lịch có trách nhiệm với du khách, địa phương và môi trường. Sau lớp tập huấn do Dự án EU tổ chức, xã Mỹ Khánh đã vận dụng khá tốt để hình thành nét đẹp văn hóa trong tiểu thương, hộ kinh doanh du lịch: không nói thách, vui vẻ, hòa nhã với khách, giữ gìn vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan thiên nhiên… Từ số máy, trang thiết bị mà EU tài trợ cho nhà văn hóa cũng như qua lớp tập huấn, UBND xã Mỹ Khánh sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng trong nhân dân, tạo thành nếp nghĩ, nếp làm của bà con.

* * *

Sự hỗ trợ, tăng cường năng lực cho hoạt động văn hóa Cần Thơ từ các tổ chức quốc tế cũng là biểu hiện cụ thể sự nhạy bén hội nhập của Cần Thơ. Đó cũng là định hướng căn bản và lâu dài được khẳng định trong Nghị quyết 22 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, ngày 10-4-2013 về “Hội nhập Quốc tế”: “Tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, tiếp thu tri thức, nhất là tri thức về quản lý khoa học công nghệ, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết