Phong Linh
Tôi nhận được email, chỉ một dòng của Thắng: “Người ta đã phá dỡ khu tập thể ấy rồi”. Trong giây phút đọc email ấy, tôi cảm giác về sự trống rỗng lan ra khắp người. Tôi đứng lên, mở cửa sổ và ngước nhìn lên bầu trời. Từ căn phòng nhỏ này, bầu trời thật xa vời.
Bố mẹ tôi là giáo viên. Chúng tôi đã sống ở căn phòng 40m2 ấy cho đến khi tôi mười tám tuổi, bố mẹ tôi về hưu và cả nhà tôi chuyển ra Hà Nội. Tất cả ký ức thời thơ ấu của tôi, gom góp trong khu nhà tập thể hình chữ U cũ kỹ ấy.
Nhà Thắng ở tầng trên. Tôi vẫn nhớ như in ngày chúng tôi gặp nhau. Hồi tôi học lớp 2, nhà Thắng vừa chuyển đến khu này. Thắng trông nhỏ nhắn, da trắng, đeo kính, khuôn mặt thư sinh, nhẹ nhàng. Ngày đầu tiên, Thắng cùng cha mẹ chào hỏi hàng xóm và mỉm cười rõ tươi khi nhìn thấy tôi. Đó là nụ cười hiếm khi tôi thấy sau này. Học chung lớp với tôi, Thắng ít nói, chỉ chú tâm vào chuyện học. Lúc ấy, lũ học trò tiểu học chúng tôi đều ngỡ ngàng nhìn Thắng ngày nào giờ ra chơi cùng ngồi đọc những cuốn sách rất dày.
Cả lớp chỉ có tôi và Thắng ở khu tập thể, nên chúng tôi đi bộ về cùng nhau. Hồi ấy thành phố còn vỉa hè rộng và vô vàn cây xanh rợp bóng. Thắng rủ tôi đếm những thân cây trên đường đi qua. Tôi ngước lên nhìn tán cây rộng, che khuất ánh nắng mặt trời, cảm giác xanh mướt êm dịu.
Trước khi Thắng đến, tôi chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ leo lên đến tầng thượng. Theo Thắng, tôi đã cùng trốn lên sân thượng. Thắng nắm tay tôi và bảo “Bầu trời thật rộng lớn, thật đẹp đẽ”. Năm ấy chúng tôi học năm cuối cấp hai. Ấy cũng là hôm Thắng bảo rằng cậu đã đỗ vào trường năng khiếu của thành phố, và cậu sẽ đi xe bus đến trường, chúng tôi sẽ không còn đi chung một con đường nữa. Nghe Thắng nói, bỗng dưng tôi bật khóc.
Sau lần ấy, Thắng nhập học ở trường năng khiếu và ở lại ký túc xá. Tôi vẫn học cấp ba ở trường gần nhà, làm quen với những người bạn mới. Thỉnh thoảng tôi một mình lên sân thượng. Tôi cứ nằm ngửa mặt nhìn bầu trời xa xăm ấy và nghĩ đến Thắng, nghe tiếng cậu cười trong gió thoảng. Thắng về nhà những ngày cuối tuần, nhưng chúng tôi không còn nói chuyện nhiều với nhau. Tôi cảm thấy Thắng muốn tránh mặt tôi. Khi đang học năm hai của trường trung học, bố mẹ Thắng chia tay. Mẹ Thắng đi theo người đàn ông khác. Còn Thắng, theo cha chuyển đi nơi khác. Thắng chỉ báo với tôi như vậy, không một lời tiễn biệt, không một lưu luyến. Tối hôm đó, tôi đứng trong bóng tối, nghe tiếng Thắng khóc nức nở trên sân thượng, giữa bầu trời đầy sao. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Thắng.
Từ ấy, tôi gần như không còn liên lạc với Thắng. Có dạo tôi nghe phong thanh Thắng đã đi du học ở Anh hay Mỹ gì đó. Chúng tôi có lẽ chỉ từng là những người hàng xóm của nhau, không hề có gì hơn thế. Tôi nghĩ Thắng đã đi xa quá cuộc sống của tôi rồi. Lần cuối cùng, ghim đầy trong tâm hồn thơ ngây của tôi một vết buồn.
***
Cho đến khi tôi nhận được email của Thắng. Email đột ngột, sau hơn mười năm. Tôi tưởng, tôi không còn dấu vết trong đời Thắng rồi. Tôi không trả lời email của Thắng ngay, suốt đêm qua ký ức đẩy tôi đi mãi về một miền rất xa, khiến tôi nhớ lại thuở mười lăm, mười sáu. Ngày ấy đã bao lần tôi muốn nắm tay Thắng và nói rằng thực sự rất thích cậu ấy. Nhưng tôi đã chẳng làm gì, và suốt mười năm, tôi vẫn chẳng làm gì.
“Chúng mình gặp nhau được không?”. Tôi gửi email vào sáng sớm, hồi hộp và rối bời.
Chúng tôi đã gặp nhau. Thắng ngồi trước mặt tôi, vẫn vẻ ngoài ngây thơ, dáng vẻ mảnh khảnh ấy. Khi tôi lo lắng, ngượng ngùng, bối rối thì Thắng hồn nhiên cười và nói liên tục. Thắng nói về bộ phim đang làm, về ngôi nhà tập thể đã bị phá đi, về những ngày sống bên Anh... Thắng không hỏi tôi gì cả, còn tôi bị cuốn vào trong thế giới đầy màu sắc của Thắng. Tôi cười suốt, và không biết phải nói gì. Gặp nhau sau chừng ấy năm, một buổi cà phê với nhau, có thể nói được gì đây.
“Tớ rất nhớ sân thượng của chúng mình. Tớ rất nhớ cậu”. Bất chợt Thắng im lặng, rồi nhìn thẳng vào mắt tôi, và chậm rãi nói những lời ấy. Mãi tôi mới cất tiếng được “Tớ cũng rất nhớ cậu”.
Rồi hai chúng tôi đều bật cười. Hình như câu nói ấy đã xóa nhòa quãng thời gian chúng tôi xa nhau. Tôi định sẽ hỏi, tại sao ngày ấy Thắng lại tránh mặt tôi, nhưng tôi nghĩ chuyện đó bây giờ không còn quan trọng nữa. Quan trọng là chúng tôi đã lại gặp nhau.
“Tớ làm bộ phim tài liệu về căn nhà tập thể của chúng mình. Quãng thời gian cùng cậu, ở đó, là thời gian hạnh phúc nhất”.
Thắng đặt lên bàn tấm vé mời. “Cậu hãy đến xem phim của tớ vì cậu chính là nguồn cảm hứng của tớ”. “Hãy cùng nhau về thăm lại nơi ấy”, tôi nói. “Dù nó đã thành một đống đổ nát”, Thắng nhìn tôi có chút ngỡ ngàng. “Ừ, dù nó chỉ còn là một đống đổ nát”, tôi gật đầu. “Sẽ cùng nhau đi dưới những hàng cây cũ nữa chứ?”. Tôi mỉm cười.
***
Trong không khí mùa xuân thật dịu dàng, chúng tôi đi bên nhau dưới hàng cây thuở xưa, những hàng cây tôi đã quen thuộc suốt bao mùa trổ lá. Đi dưới những hàng cây ấy, tâm tư dường như thật nhẹ nhõm. Khi ấy, tôi nhận ra, tay Thắng khẽ nắm lấy tay tôi, rất nhẹ nhàng, nhưng tôi cảm thấy hơi ấm thực rõ ràng.
Những ngày xuân, bao lâu rồi, tôi mới nhận thấy nắng ấm tuyệt diệu của mùa xuân.