27/01/2011 - 20:20

Học gương Bác, sáng đời ta

 

Sau 4 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo những chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của nhiều cán bộ, đảng viên. Sự chuyển biến ấy thể hiện trong lối sống, lời nói, hành động, việc làm của từng cán bộ, đảng viên và đều được quần chúng, nhân dân ghi nhận. Những đảng viên mà chúng tôi giới thiệu là những con người hết sức bình dị ở cơ sở, qua những cống hiến âm thầm, đầy ý nghĩa của mỗi người, giúp chúng ta nhận rõ hơn một điều: Học tập và làm theo gương Bác không hẳn phải làm việc gì to tát, cao xa mà bắt đầu từ những công việc bình thường nhất và trước hết là làm thật tốt chức trách, nhiệm vụ của mình...

Nguyễn Đức Chinh - "lo cái lo của dân"

Theo chân ông Nguyễn Đức Chinh, Bí thư Đảng bộ bộ phận khu vực 4, phường An Thới, quận Bình Thủy, đi thăm các gia đình chính sách, hộ nghèo vào cuối năm, càng thấy rõ sự quý mến, kính trọng của nhân dân dành cho người cán bộ hưu trí gần 50 tuổi Đảng giàu tâm huyết này.

Ông Nguyễn Đức Chinh (người thứ nhất, bên trái) cùng cán bộ khu vực thường xuyên đến thăm hỏi các gia đình chính sách trên địa bàn. Ảnh: H. THU 

Sau hàng chục năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, trong đó nhiều năm tham gia chiến đấu trên các chiến trường từ Bắc vào Nam, năm 1995, khi nghỉ hưu về sinh hoạt Đảng tại địa phương, ông cũng không ngờ mình lại tiếp tục những công việc không kém nặng nề và phức tạp, rồi gánh vác trách nhiệm của người đứng đầu một đảng bộ bộ phận có gần 200 đảng viên sinh hoạt tại 7 chi bộ. Không ít lần người thân, bạn bè khuyên ông nên nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, nhưng trách nhiệm của người đảng viên đối với sự phát triển lớn mạnh của tổ chức đảng, đối với nhân dân đã thôi thúc ông tiếp tục dấn thân. Học tập gương Bác, ông càng tâm đắc điều Bác dạy: Đảng phải lo cái lo của dân, vui cái vui của dân, đi sát dân, nắm tâm tư, nguyện vọng của dân, từ việc lớn đến việc nhỏ đều không thể làm ngơ... Và việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ, ông cũng gắng sức làm...

Cùng ông đi một vòng qua một số con hẻm trên địa bàn khu vực 4, tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi mới nhanh chóng của bộ mặt khu dân cư. Nhiều nơi, trước đây đường sá, nhà cửa còn xập xệ, nay các con hẻm đã được nâng cấp mở rộng khang trang, lắp đặt hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cảnh quan môi trường sạch đẹp, hai bên đường có hàng rào cây xanh được cắt tỉa đẹp mắt. Nghe tôi nói có lẽ đây là một trong những khu vực văn hóa có diện mạo đẹp của thành phố, ánh mắt ông lấp lánh niềm vui. Hơn chục năm qua, ông cùng bao cán bộ, đảng viên , các đoàn thể trong khu vực đã dồn bao tâm huyết vận động, thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào, công trình, phần việc thiết thực... góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống người dân và bộ mặt của khu dân cư. Nhiều việc làm thiết thực của ông được đảng viên và nhân dân trong khu vực kể với sự trân trọng. Đồng chí Đặng Văn Minh, Bí thư Chi bộ 7, nói với vẻ khâm phục: “Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng anh Hai Chinh là một tấm gương về tinh thần tận tụy, tiền phong gương mẫu, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước tập thể. Anh cùng với Đảng ủy đã lãnh đạo các chi bộ, khu vực, các đoàn thể tập trung vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện nhiều công trình nâng cấp lộ, hẻm, tạo diện mạo mới cho khu vực”. Chị Dương Thị Thảo, người dân ở khu vực, cũng tấm tắc: “Thấy ông Bí thư nhiệt tình, tâm huyết, lãnh đạo khu vực làm nhiều việc trúng với nguyện vọng của nhân dân... nên chúng tôi rất đồng tình hưởng ứng...”. Sự tin tưởng, ủng hộ đó là kết quả nhiều năm ông cùng các đảng viên, cán bộ khu vực thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, mọi việc có đến dân đều phải bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bất kỳ công trình lớn hay nhỏ, ông đều chỉ đạo cho các chi bộ, tổ nhân dân tự quản tổ chức họp dân, lấy ý kiến, tạo sự thống nhất cao trong dân. Trong đó, có nhiều công trình ông cùng ban vận động đến từng hộ dân giải thích, thuyết phục. Nổi bật như công trình vận động nhân dân tổ 12 và 13 làm đường thoát nước vào năm 2007. Nhận thấy nhiều hộ dân tổ 12 và 13 xả nước thải tràn lan do đường thoát nước quá cũ, thường ngập nghẹt và một số hộ xây cất lấn chiếm, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, ông Hai Chinh đề xuất và chỉ đạo Chi bộ 3 vận động nhân dân thực hiện. Khi họp dân triển khai, đa số các hộ đồng tình, nhưng vẫn còn một số người cho là mức đóng quá cao, nhất là một số hộ xây cất lấn chiếm đường thoát nước phản đối không chịu tháo dỡ tường rào... Ông Hai Chinh kết hợp cùng với các đảng viên, cán bộ khu vực tới vận động, thuyết phục từng gia đình cho đến khi đạt được sự thống nhất cao. Khi công trình khởi công, ông sắp xếp việc nhà, đến phụ giúp bà con và tham gia giám sát công trình...

Còn rất nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực khác của cán bộ, đảng viên dưới sự lãnh đạo của ông đã được nhân dân ghi nhận. Rẽ vào một con hẻm nhỏ trên đường Trần Quang Diệu thăm gia đình anh Nguyễn Văn Lộc, thương binh hạng 4/4, vừa được địa phương và các mạnh thường quân hỗ trợ sửa lại căn nhà tình nghĩa, chị Nguyễn Hoàng Ka - vợ anh Lộc - hồ hởi khoe: “ Cũng nhờ cán bộ địa phương, khu vực quan tâm giúp đỡ, vận động hỗ trợ, năm nay gia đình tôi có căn nhà khang trang đón Tết... Không riêng nhà tôi đâu, những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đều được khu vực vận động giúp đỡ để có cái Tết vui vẻ...”. Đi đến đâu, ông cũng được bà con niềm nở đón tiếp, hỏi han, hoặc báo cho ông hay việc này, việc khác mới xảy ra trong khu dân cư. Nhiều bà con phấn khởi khoe rằng con em họ thường xuyên được khu vực giúp đỡ, tạo điều kiện học hành. Bà Trần Hoàng Mỹ, mẹ của em Phan Hoàng Giang, một học sinh nghèo hiếu học ở khu vực 4, xúc động kể: “Tôi có hai đứa con trai, nhưng do vợ chồng đều làm mướn kiếm sống, thu nhập bấp bênh nên đứa lớn phải nghỉ học sớm. Còn lại cháu Giang đang học lớp 8. Những lúc túng thiếu, tôi hay nghĩ quẫn định cho cháu Giang nghỉ học, nhưng chú Chinh và các chú trong chi hội, tổ khuyến học nhiều lần đến nhà vận động cho cháu đến trường. 8 năm học qua, các chú luôn quan tâm hỗ trợ khó khăn đột xuất, trao học bổng, tặng tập sách, quần áo, xác nhận đơn xin nhà trường giảm học phí... Nhờ vậy con tôi mới có đủ điều kiện đến trường...”. Nhiều năm qua, ông Hai Chinh đã lãnh đạo Chi hội khuyến học xây dựng nhiều chương trình, hoạt động giúp học sinh nghèo. Với sự vận động của ông, 100% đảng viên trong Đảng bộ đều tham gia Chi hội khuyến học. Chỉ tính riêng trong 4 năm qua, Chi hội khuyến học đã vận động được trên 650 triệu đồng, qua đó hỗ trợ tiền, tập sách cho nhiều học sinh nghèo... Việc làm đó xuất phát từ tình thương, trách nhiệm đối với thế hệ tương lai của đất nước, như ông tâm sự: “Tuổi thơ chúng tôi vì chiến tranh, vì ly loạn mà học hành dang dở. Suốt mấy mươi năm vào Nam ra Bắc cầm súng chiến đấu, tôi chỉ ước mơ ngày đất nước hòa bình, thế hệ con cháu mình được đến trường, học hành đến nơi đến chốn. Vì vậy, có khó khăn đến mấy, năm nào chúng tôi cũng cố gắng vận động để hỗ trợ cho các cháu vững bước đến trường”.

Với sự lãnh đạo của người Bí thư đảng bộ bộ phận hơn 70 tuổi đời đầy tâm huyết ấy, nhiều năm liền, khu vực 4 luôn giữ vững danh hiệu khu vực văn hóa, 5 năm liền Đảng bộ bộ phận Khu vực 4 đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Riêng ông Nguyễn Đức Chinh vinh dự là một trong những đảng viên tiêu biểu của quận được nhận Huy hiệu Bác Hồ trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

S. KHANG

Nguyễn Thị Minh Châu - Hết lòng vì sự nghiệp trồng người

Cô Nguyễn Thị Minh Châu, giáo viên Trường THCS Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh - một trong những gương mặt tiêu biểu của ngành giáo dục huyện Vĩnh Thạnh được tặng Huy hiệu Bác Hồ trước mắt tôi với vẻ trẻ trung, năng động và giọng cười trong trẻo, đầy sức sống. Dường như với cô gái hơn 6 năm đứng trên bục giảng này, tình yêu và nỗi trăn trở lớn nhất của cô vẫn là những học trò vùng ngoại thành còn nhiều khó khăn, thiệt thòi. Đó cũng là lý do khiến cô quyết định gắn bó và dồn bao tâm huyết để truyền thụ cho học sinh những kiến thức cơ bản nhất và tốt nhất mà mình có được.

Trong nhiều kỷ niệm, những câu chuyện buồn vui của nghiệp “trồng người”, cô nhớ nhất là khoảng thời gian cô mới tốt nghiệp cao đẳng sư phạm về trường công tác. Thoạt nhìn ngôi trường cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ; nhân lực cũng thiếu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đa phần đều mới, tâm trạng của cô có phần ngỡ ngàng, lo lắng. Nhưng nhìn những học trò nhỏ quần áo lem luốc, ngoài giờ học phải cùng gia đình bươn chải kiếm sống... trong lòng cô càng xốn xang và thấy nơi đây các em cần mình hơn bất cứ nơi nào khác. Từ đó, cô cố gắng vượt mọi khó khăn, gắn bó cùng tập thể góp phần xây dựng trường ngày càng phát triển.

Là giáo viên dạy môn sinh, cô luôn dành thời gian sưu tầm, tìm kiếm tư liệu, đổi mới phương pháp giảng dạy để cho những tiết học luôn sinh động, giúp học sinh tiếp thu bài tốt hơn. Khi Ban Giám hiệu và Công đoàn trường phát động phong trào làm đồ dùng dạy học, cô tận dụng những vật liệu như: lịch cũ, các mẫu cây ép khô, giấy kiếng, giá đỡ... làm “tập bách thảo” với hơn 50 loài. Trong “tập bách thảo”, từng bộ phận của cây, những chiếc lá, cánh hoa được ép tỉ mỉ, khéo léo và đẹp mắt, phù hợp với các bài giảng về cấu tạo ngoài của rễ, thân, lá... trong chương trình sinh học lớp 6. Đồ dùng dạy học do cô làm rất gọn, nhẹ, dễ dàng mang đến từng lớp học, hỗ trợ thiết thực cho bài giảng của giáo viên, nhất là khi không có mẫu thật hoặc những mẫu không có ở địa phương... Công trình “tập bách thảo” của Minh Châu đã đạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo - Triển lãm đồ dùng dạy học tự làm cấp thành phố.

 Cô Nguyễn Thị Minh Châu, giáo viên Trường THCS Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, hướng dẫn học sinh thực hành môn sinh vật. Ảnh: NGỌC QUYÊN

Với vai trò Chủ tịch Công đoàn trường, bên cạnh phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, cô Minh Châu còn tham mưu cho chi bộ phối hợp cùng Ban Giám hiệu phát động phong trào mỗi giáo viên nhận đỡ đầu tối thiểu 2 học sinh trong năm học. Với phong trào ấy, hằng năm trung bình có khoảng 60 học sinh của trường được các giáo viên hỗ trợ bằng nhiều hình thức như mua bảo hiểm, tặng sách, áo trắng, tập, viết, cặp... Riêng cô, mỗi năm đều nhận đỡ đầu 4 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhắc đến cô Minh Châu, em Nguyễn Thị Thu Thủy, lớp 6A3, xúc động kể: “Ba em làm nghề chạy xe honda ôm, còn mẹ em bán bánh mì ở chợ xã nhưng kiếm không đủ tiền nuôi 3 chị em em, cuộc sống rất vất vả. Cô Châu luôn quan tâm động viên, tận tình dạy bảo giúp em học tốt, cô còn đóng tiền mua bảo hiểm cho em...”. Không chỉ giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô Minh Châu còn dành bao tâm huyết để bồi dưỡng cho các em học giỏi. Nhiều năm liên tiếp, các học sinh do cô bồi dưỡng đều đạt giải, được công nhận học sinh giỏi cấp huyện, thành phố. Em Trương Thị Kim Chi, lớp 9A1, một trong những học sinh đang được cô Minh Châu hướng dẫn, cho biết: “Cô Minh Châu rất tận tình giảng dạy cho chúng em. Ngoài giờ học ở lớp, mỗi ngày cô đều dành gần 2 giờ để dạy thêm cho chúng em ở nhà mà không nhận thù lao”.

Nghiên cứu, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, cô Minh Châu càng thấm thía lời Bác dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” và ra sức cùng với các thầy cô giáo thực hiện tốt nội dung Cuộc vận động đề ra từng năm. Cô tâm sự: “Mỗi giáo viên, hằng ngày, hằng giờ qua những bài giảng, qua những hành động của mình đang góp phần bồi dưỡng nhân cách cho học trò. Vì thế, mỗi thầy giáo, cô giáo chúng tôi cần phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Sự nỗ lực trong từng việc làm, hành động hằng ngày của cô được tập thể ghi nhận. Theo một số giáo viên, cô Minh Châu sống giản dị, chân thành, tác phong làm việc nghiêm túc, năng động, xử lý công việc có tình, có lý và luôn quan tâm chăm lo cho đời sống cho đội ngũ giáo viên của trường. Không chỉ thường xuyên nhắc nhở mọi người, cô luôn gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chú ý giữ gìn, tiết kiệm của công, tắt đèn, quạt trước khi ra khỏi phòng và chỉ sử dụng các thiết bị điện khi thật cần thiết... Thầy Võ Thanh Lịch, Bí thư Chi bộ kiêm Phó Hiệu trưởng trường, cho biết: “Minh Châu là một giáo viên, đảng viên trẻ, năng nổ, nhiệt tình, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cô sống giản dị, hòa đồng và đi đầu trong các phong trào”.

Với lòng yêu nghề, tâm huyết và quá trình phấn đấu liên tục, cô Minh Châu vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ vào năm 2008 và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trong năm học vừa qua. Cô còn rất nhiều dự định tốt đẹp với mong muốn góp phần giúp những học trò vùng sâu của mình có điều kiện học tập thật tốt, có nền tảng kiến thức vững vàng để vững bước vào đời.

THANH THY

Bác sĩ Lê Đức Trọng - tận tụy phục vụ nhân dân

Một sáng cuối năm, tôi đến tìm bác sĩ Lê Đức Trọng, Trưởng trạm Y tế phường Tân Hưng (quận Thốt Nốt) đúng lúc anh đang tất bật khám bệnh cho hàng chục bệnh nhân. Với bệnh nhân nào anh cũng niềm nở, khám cẩn thận, hỏi han kỹ và ân cần dặn dò cách uống thuốc, phòng bệnh. Vừa nghỉ tay, thấy tôi đứng ngắm nhiều bằng khen, giấy khen của tập thể Trạm treo trang trọng trong phòng làm việc, anh Trọng cười giải thích: “Bây giờ nhiều bà con đã tin tưởng “tay nghề” của anh em ở trạm nên mỗi ngày có 40 - 50 bệnh nhân tới khám bệnh, tôi và 5 y sĩ làm cật lực mà có lúc phục vụ bà con không xuể”.

Nhìn nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của người Trưởng trạm y tế, ít ai biết rằng để có được sự tin cậy của bà con như hôm nay, anh Trọng cùng tập thể trạm y tế đã dành bao tâm huyết để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ. Riêng với Bác sĩ Trọng, đó còn là ước mơ anh ấp ủ và quyết tâm thực hiện suốt 15 năm qua. Năm 1995, tốt nghiệp Trường Trung học Y dược Dân tộc TP Hồ Chí Minh, chàng y sĩ trẻ Lê Đức Trọng được nhận về công tác tại Trạm Y tế xã Thuận Hưng (nay là phường Thuận Hưng - PV). Nhiều năm công tác, anh không chỉ trăn trở trước điều kiện cơ sở vật chất của trạm còn nhiều khó khăn thiếu thốn mà rất đau lòng mỗi khi chứng kiến nhiều ca bệnh không nặng lắm, nhưng do Trạm không có bác sĩ nên phải chuyển bệnh nhân về bệnh viện tuyến trên. Anh tâm sự: “ Những lúc đó, tôi cứ ước ao phải chi mình là bác sĩ để người dân quê mình đỡ vất vả!”. Với ước mơ đó, năm 2003, được Trạm Y tế xã tạo điều kiện, anh Trọng quyết định đi học để trở thành bác sĩ. Trong hơn 4 năm khăn gói đi học tại Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Kim Thoa, giáo viên mầm non của Trường Mẫu giáo Thuận Hưng 1 ngày đó lương mỗi tháng chưa đầy 1 triệu đồng, vừa nuôi hai con nhỏ, vừa lo chắt chiu từng đồng để gửi lên “tiếp sức” cho chồng ăn học. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, đầu năm 2008, anh đã được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Hưng (nay là phường Tân Hưng) và được đảng viên Trạm tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ Trạm.

Bác sĩ Lê Đức Trọng, Trưởng trạm Y tế Tân Hưng đang cân, đo kiểm tra sức khỏe cho trẻ em. Ảnh: ANH DŨNG 

Ba năm qua, dưới sự lãnh đạo của anh, Trạm y tế phường Tân Hưng luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và được nhân dân trong phường tin tưởng. Chú Tư Hùng, ở ấp Tân Lợi 1, bị bệnh cao huyết áp, thường xuyên đến khám bệnh tại trạm, nói: “Các bác sĩ, y sĩ của trạm rất nhiệt tình, gần gũi, lịch sự, khám bệnh kỹ lưỡng và luôn cố gắng sắp xếp không để dân phải chờ đợi lâu...”. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, nữ Hộ sinh Trung học của trạm, quả quyết: “Trạm có được những thành tích như hôm nay, có công lao rất lớn của anh Trọng. Chúng tôi rất khâm phục anh Trọng ở lòng nhiệt tình, tận tụy, chịu khó. Anh xem bệnh nhân như chính người thân của mình...”. Trước khi đến trạm, tôi đã nghe nhiều câu chuyện thú vị về người bác sĩ tận tâm này. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Ba ở khu vực Tân Quới được người nhà đưa đến Trạm trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, khó thở. Nhận được tin báo, anh Trọng vội bỏ bữa cơm trưa chạy đến trạm khám cho bà Ba. Phát hiện huyết áp của bà Ba tăng quá cao, nguy cơ xảy ra tai biến mạch máu não, anh nhanh chóng dùng thuốc sơ cứu rồi cùng lên xe cấp cứu đưa bà Ba đến Bệnh viện Đa khoa quận. Nhắc chuyện cũ, bà Ba cười vui: “Nếu không được bác sĩ Trọng cứu chữa tận tình chắc là má “đi” rồi! Từ hôm xuất viện về nhà, bác sĩ Trọng thường xuyên tới lui khám bệnh mà không bao giờ chịu nhận tiền bồi dưỡng. Người như vậy thiệt hiếm gặp!”. Nghe nhắc đến bác sĩ Trọng, chị Lê Thị Liên, ở cạnh nhà bà Ba, ẵm con gái sang góp vui. Chị bồi hồi nhắc chuyện hơn 2 tháng trước, thấy con bị sốt, chị đưa đến Trạm Y tế phường khám, may nhờ bác sĩ Trọng sớm phát hiện cháu mắc sốt xuất huyết, tận tình giúp chị nhanh chóng đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ chữa trị. Ngay sau khi phát hiện có trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn, anh Trọng huy động thêm các y sĩ của trạm đến khám sức khoẻ cho các cháu nhỏ và phát hiện thêm 14 cháu bị sốt xuất huyết, kịp thời chuyển về Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ điều trị. Sau đó, anh Trọng đã bám địa bàn này hơn hai tháng trời để vận động bà con vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi, không cho dịch lây lan.

Người Bí thư Chi bộ, Trưởng trạm y tế ấy không chỉ gương mẫu trong từng lời nói, việc làm, mà anh còn được nhiều người kính trọng bởi tấm lòng yêu thương con người hết mực. Theo các đồng nghiệp ở Trạm kể lại, cuối năm 2009, khi cháu bé Trần Thị Thanh Ngân, 2 tuổi, ở khu vực Tân Lợi 2 được mẹ đem đến Trạm khám bệnh trong tình trạng rất xanh xao, da bọc xương... suy dinh dưỡng độ 3, anh Trọng rất đau lòng. Anh hỏi han thật kỹ hoàn cảnh, biết ba mẹ bé Ngân không có ruộng, quanh năm làm mướn kiếm sống, không có điều kiện chăm sóc cháu, anh liền bàn với các y sĩ Trạm hằng tháng xuất một phần quỹ hỗ trợ điều trị cho bé Ngân. Mỗi tháng, anh còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ cho bé Ngân từ 1-2 hộp sữa. Hôm chúng tôi đến nhà, bé Ngân đi học chưa về. Chị Huỳnh Thị Thúy Oanh, mẹ của bé Ngân cứ sụt sùi kể: “Cháu bây giờ rất khỏe mạnh, lớn hơn năm ngoái nhiều, hiện đang học lớp mầm. Nếu không nhờ bác sĩ Trọng và các y sĩ ở Trạm Y tế phường giúp đỡ, tôi không biết bây giờ nó ra sao nữa... Nhìn chị ngồi khóc ngon lành, tôi không khỏi xúc động khi nghĩ đến niềm vui của hàng chục gia đình khó khăn khác trong phường, cũng có con bị suy dinh dưỡng, đã được anh Trọng và các y sĩ Trạm dành một phần quỹ thu lãi tiền thuốc hỗ trợ trong suốt 3 năm qua...

Trên đường đến trạm, tôi cũng nghe nhiều bà con cho biết mấy năm qua Trạm Y tế phường còn tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo. Thấy tôi thắc mắc với kinh phí eo hẹp, vì sao trạm làm được như vậy, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, cười hồn hậu: “Từ năm 2008 đến nay, bác sĩ Trọng đã vận động mạnh thường quân ủng hộ được gần 30 triệu đồng, tổ chức 5 đợt khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho 1.500 lượt bệnh nhân nghèo, nên đi đâu bà con trong phường cũng nhắc...”. Những câu chuyện góp nhặt từ nhiều người càng giúp tôi hiểu hơn vì sao người bác sĩ chất phác ấy được nhiều cán bộ, bà con quý mến đến như vậy. Đồng chí Nguyễn Hoàng Bá, Thường trực Đảng ủy phường Tân Hưng, cũng tấm tắc: “Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Trạm Y tế phường, trong đó vai trò đầu tàu là đồng chí Trọng, Trưởng trạm, đã đóng góp cho lĩnh vực y tế của phường. 3 năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt rất cao, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm đáng kể; các bệnh dịch xảy ra trên địa bàn từng bước được khống chế, ngăn chặn kịp thời...”.

Với những nỗ lực đó, hằng năm, anh Trọng luôn được tập thể bình chọn là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được UBND quận Thốt Nốt tặng giấy khen. Mới đây, anh được Sở Y tế tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chia tay tôi, người Trưởng trạm Y tế tận tụy ấy vẫn chưa thôi trăn trở việc làm thế nào để nâng cao hơn nữa năng lực khám, chữa bệnh của đội ngũ, để phục vụ cho nhân dân tốt hơn. Như anh cho biết, bên cạnh động viên, tạo điều kiện cho các y sĩ của Trạm học tập nâng cao trình độ, bản thân anh cũng không ngừng học tập, nghiên cứu, bổ sung kiến thức mới, để luôn xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.

PHƯƠNG NAM

Chia sẻ bài viết