20/11/2015 - 13:56

Học cách kiểm soát tài chính

Quản lý tài chính hiệu quả là kỹ năng cần thiết đối với các bạn trẻ nhằm kiểm soát việc chi tiêu trong cuộc sống. Tuy nhiên, qua các lớp tập huấn triển khai Dự án Giáo dục tài chính cho sinh viên do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế và Thành đoàn Cần Thơ phối hợp thực hiện từ năm 2013 đến tháng 7-2015 (tính đến giai đoạn 2), cho thấy một số thanh niên chưa biết cách kiểm soát "túi tiền" hiệu quả. Một bộ phận bạn trẻ còn tiêu xài hoang phí, thiếu kỹ năng lập kế hoạch chi tiêu và không biết lập bảng theo dõi ngân sách cá nhân, từ đó thường rơi vào tình trạng "cháy túi".

Tốt nghiệp ngành Kế toán, Hữu Nghị (quận Bình Thủy) xin được việc làm trong một công ty xây dựng với mức khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, Nghị hùn vốn kinh doanh quán cà phê với bạn bè, từ đó đạt tổng thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng. Để tiết kiệm chi phí, Nghị ở trọ ghép với bạn bè, nếu tính cả chi phí điện, nước mỗi tháng anh cũng tốn khoảng 600.000 đồng. Vì ở ghép với bạn bè và sự hỗ trợ của công ty nên chi phí ăn uống mỗi tháng dao động khoảng 3,5 triệu đồng. Như vậy, tính ra mỗi tháng anh dư khoảng 4 triệu đồng. Thế nhưng, do chi tiêu không kế hoạch, thiếu kiểm soát nên hầu như cuối tháng anh Nghị đều rơi vào tình trạng "cháy túi". Một người bạn của Nghị kể rằng, nếu như trong sinh hoạt hằng ngày, Nghị dè xẻn từng đồng, thì những khoản tiệc tùng với bạn bè, mua sắm sản phẩm thời trang anh không tiếc tiền. Hơn nữa, trong ăn mặc anh khá cầu kỳ, điện thoại, quần áo, giầy dép toàn thương hiệu nổi tiếng, đắt tiền. Dĩ nhiên, trong các cuộc vui Nghị đều vun tay chi trả như một cách thể hiện sự hào hiệp, sự thành đạt của mình với bạn bè đồng trang lứa. Vì tiêu xài thiếu kiểm soát, đôi lúc Nghị phải xin viện trợ từ gia đình mới đảm bảo chi tiêu…

Các bạn trẻ thảo luận trong lớp tập huấn về quản lý tài chính thuộc Dự án "Giáo dục tài chính cho sinh viên TP Cần Thơ" do Thành đoàn Cần Thơ và tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế phối hợp thực hiện.

Hay như trường hợp của Khang – quản lý một quán ăn ở quận Ninh Kiều cũng thường hay than vãn về chuyện chi tiêu không hợp lý khiến anh phải mượn tiền bạn bè. Công việc quản lý quán ăn với mức lương 3 triệu đồng/tháng, cộng với thu nhập từ nghề buôn bán hải sản khoảng 7 triệu đồng, giúp anh có thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Dù vậy, thói quen chi tiêu hoang phí khiến anh thường xuyên nhờ vả cha mẹ và vay mượn tiền từ bạn bè. Mỗi khi bạn bè rủ rê tiệc tùng hoặc la cà nhậu nhẹt, Khang đều nhận lời tham gia, và khi đã say xỉn anh lại tụ tập mọi người đi karaoke đến khuya. Không đủ tiền mặt, anh thanh toán bằng thẻ ngân hàng. Khang tâm sự: "Nhìn lại hóa đơn thanh toán với số tiền gần một tháng lương mình cũng cảm thấy hối tiếc và tự hứa sẽ không tiêu xài hoang phí nữa, nhưng chỉ được vài tuần rồi mọi chuyện đâu lại vào đấy". Thói quen vung tiền quá trán khiến anh mượn tiền bạn bè gần 20 triệu đồng, đến nay vẫn chưa trả xong. Mới đây, người em trai trúng tuyển đại học cần mua xe máy để làm phương tiện đi lại, Khang cũng phải vay tiền bạn bè để mua xe cho em.

Không riêng Nghị và Khang, nhiều bạn trẻ cũng đang rơi vào tình cảnh mất kiểm soát trong chi tiêu. Vì vậy, nhiều bạn dù đã tốt nghiệp đại học, có công việc tốt, thu nhập cao nhưng luôn là… con nợ. Thanh Lâm – nhân viên bán hàng ở quận Ninh Kiều, tâm sự: "Trước đây, mình chi tiêu dè xẻn vì hoàn cảnh khó khăn. Giờ có tiền, mình lo cho thân sướng tí cũng để nở mặt với bạn bè". Cứ thế, Lâm chi tiền hoang phí, rồi mượn và thiếu nợ bạn bè quá nhiều. Mượn mãi, ai cũng sợ, cũng lánh xa, gây mất tình cảm với mọi người. Lâm bắt đầu nhận ra 4 năm xài hoang phí, anh mất hơn 2 năm dè xẻn từng đồng để trả nợ. Lâm chia sẻ: "Những lúc ấy tôi mới thấy quý đồng tiền và cũng thấm thía cái giá của việc chi tiêu không kiểm soát"…

Hồng Thị Hải Yên – báo cáo viên Dự án Giáo dục tài chính cho sinh viên TP Cần Thơ cho rằng, qua khảo sát có khoảng 90% sinh viên tham gia các lớp tập huấn chưa có kỹ năng kiểm soát tài chính hiệu quả, đồng thời hầu như không biết cách lập bảng theo dõi ngân sách cá nhân sao cho khoa học, hiệu quả. Theo Hải Yến, đa số các bạn trẻ đều nghĩ rằng tiền tiết kiệm là khoản tiền dôi dư sau khi tiêu xài mà quên rằng khoản tiền tiết kiệm cần được trích ra trước khi lập kế hoạch chi tiêu. Bên cạnh đó, khi lập kế hoạch chi tiêu, các bạn trẻ cần xác định các khoản chi tiêu hợp lý. Việc thực hiện tiết kiệm cũng có thể thực hiện qua nhiều kênh, từ nuôi heo đất, gửi cha mẹ, đến gửi tiết kiệm sinh lãi… Những công việc trên tưởng chừng đơn giản, nhưng cần một quá trình rèn luyện để hình thành thói quen tiết kiệm của các bạn trẻ. Sắp tới, Thành đoàn Cần Thơ phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tiếp tục triển khai Dự án Giáo dục tài chính cho sinh viên TP Cần Thơ (giai đoạn 3). Thông qua các buổi tập huấn, truyền thông về giáo dục tài chính, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố sẽ được các báo cáo viên trang bị phương pháp quản lý tài chính hiệu quả; cách lập bảng theo dõi ngân sách cá nhân; cách tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại; cách xác định giữa nhu cầu và mục đích… Qua đó, đẩy mạnh tuyên tuyền và nâng cao ý thức tiết kiệm và lối sống lành mạnh cho sinh viên.

Bài, ảnh: TÂN LONG

Chia sẻ bài viết