03/03/2020 - 07:04

“Viên đạn về trời”

Học cách buông bỏ hận thù 

Nhà văn miền Tây sông nước Võ Diệu Thanh vừa thử nghiệm cách viết mới qua tiểu thuyết: “Viên đạn về trời” (NXB Trẻ). Câu chuyện gần như không có cốt truyện mà là một cuộc đấu tranh nội tâm dai dẳng của một cô giáo về hận thù trong quá khứ và tình yêu của hiện tại.

Độc giả vốn quen thuộc với cách viết trong sáng, nhẹ nhàng của Võ Diệu Thanh hẳn sẽ bất ngờ khi đọc tiểu thuyết mới nhất của chị. Bởi “Viên đạn về trời” mang tính tự sự, pha chút liêu trai, huyền bí. Từ đầu đến cuối là tâm trạng, suy nghĩ, dằn vặt của nhân vật chính, mọi thứ chỉ dần hiện rõ ở nửa phần sau của tác phẩm, khi quá khứ được kể lại đan xen.

Nhân vật chính của câu chuyện là một cô giáo mang nỗi ám ảnh về một viên đạn. Mồ côi cha mẹ khi còn rất nhỏ, cô lớn lên trong vòng tay của bà nội. Bà và những người xung quanh thường kể cô nghe về cái chết của ông nội, ba và chú Út trong chiến tranh. Mọi chuyện không có gì ghê gớm cho đến khi cô gặp Ân, một người theo đạo và cuốn hút cô bằng cách sống an lạc, tịnh tâm, những triết lý về sự vô thường. Cô đã có người yêu là Việt và yêu anh bằng con tim; nhưng quý mến và tín nhiệm Ân bằng lý trí và những cảm xúc không rõ ràng. Việt ghen tuông và nhiều lần kê súng muốn bắn cô; nhưng điều cô sợ nhất là những ân oán của hai thế hệ bởi cha của Ân là người đã giết ông nội cô một cách dã man nhất. Tâm hồn yếu đuối của cô luôn bị những cơn ác mộng và những ám ảnh quá khứ quấy nhiễu; bị Việt và người chú của Ân chất vấn, nghi ngờ. Rồi đến lúc, cô tự thoát ra, mang theo một ước lệ về ranh giới giữa tình yêu và thù hận, trở về với trạng thái buông bỏ, quên lãng…

Ở phần đầu, độc giả có phần bối rối với cách dẫn chuyện đi sâu vào nội tâm nhân vật. Nhưng càng về sau, câu chuyện càng lôi cuốn và khiến người đọc chiêm nghiệm: con người phải đối mặt như thế nào với tàn dư của chiến tranh, hận thù trong quá khứ? Để thấy rằng, lựa chọn buông bỏ của nhân vật chính sau bao nhiêu ngày tháng trăn trở, khổ sở thật không dễ dàng. Dù muộn nhưng vẫn còn kịp để cô thay đổi cách sống, thoát ra khỏi sự ám ảnh, trì trệ níu kéo bao năm qua, để tương lai không bị hủy hoại bởi quá khứ và những ân oán đời trước.

Võ Diệu Thanh đã dẫn dắt độc giả vào tâm tưởng của nhân vật chính từ lúc còn là cô bé mộng mơ đến khi trở thành người phụ nữ qua một đời chồng. Từ cảm giác tôn sùng đến yêu đương với Việt; từ lòng biết ơn đến sự vội vàng khi lấy chồng; từ những hoang mang, sợ hãi đến lúc bình thản, nhẹ nhàng bước ra khỏi vòng luẩn quẩn của tình yêu và thù hận… Được lặp đi lặp lại trong tác phẩm và trở thành ám ảnh của nhân vật chính là hình ảnh nòng súng của Việt, người đàn ông quay về từ chiến tranh, gìn giữ khẩu súng như kỷ vật, cùng với hình ảnh cuốn sách cũ mà cô không dám đọc. Đó như những rào cản và thách thức mà nhân vật chính phải vượt qua để tâm hồn thanh thản.

Đây có thể xem là một thử nghiệm liều lĩnh nhưng khá thành công của Võ Diệu Thanh.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết