01/05/2008 - 10:17

Hoàn thiện pháp luật về khiếu nại tố cáo để bảo vệ lợi ích nhân dân và đảm bảo trật tự kỷ cương

Phát biểu sau 2 ngày giám sát tại TP Hồ Chí Minh về việc thi hành pháp luật đối với công tác giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC), ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị TP Hồ Chí Minh tập hợp và phân tích hệ thống số liệu sát thực hơn về tình hình giải quyết KNTC trên địa bàn. Từ đây, đưa ra những phân tích, đánh giá khách quan và đóng góp cụ thể đối với Chính phủ về tổ chức điều hành công tác giải quyết KNTC, chuẩn bị cho việc xây dựng 2 dự án luật khiếu nại và luật tố cáo, đảm bảo mục tiêu cao nhất là giảm KNTC, giải quyết nhanh các vụ việc KNTC, đảm bảo lợi ích của người dân và kỷ cương trật tự của đất nước.

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi năm, toàn thành phố giải quyết trên 10.000 đơn thư KNTC thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ gần 90%). Trong 3 năm (2005-2007), thành phố đã giải quyết trên 10.000 đơn trong tổng số trên 12.000 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, xử lý 1648 đơn trong tổng số trên 1800 đơn tố cáo phải giải quyết.

Một trong những cách làm riêng của UBND TP Hồ Chí Minh là áp dụng việc trưng tập một số quận, huyện có lượng đơn thư KNTC lớn phối hợp Thanh tra thành phố để giải quyết, hạn chế tình trạng khiếu nại đông người phát sinh từ các dự án, giảm mức độ gay gắt cũng như thời hạn giải quyết hồ sơ KNTC. Tuy nhiên, tình hình KNTC của công dân tại đây vẫn diễn biến phức tạp.

Do thực tế công dân luôn gửi đơn thư cùng lúc cho nhiều cấp về cùng một nội dung và thiếu sự kết nối số liệu giữa các cơ quan, theo Công an TP Hồ Chí Minh, rất khó xác định chính xác số lượng vụ việc KNTC ở thành phố. Kết quả giải quyết KNTC, lượng đơn thư KNTC đúng sự thật, đúng một phần và sai hoàn toàn... cũng chưa được thống kê, phân tích rõ. “Điều này ảnh hưởng đến việc xác định tính chất KNTC, tình hình KNTC tập trung ở cấp hành chính nào, lĩnh vực nào, do vậy khó giúp ích cho việc xây dựng chính sách, hệ thống pháp luật hay ưu tiên tăng cường năng lực cán bộ...”, ông Trần Thế Vượng nhận xét. Điều này cũng gây khó khăn cho việc tìm ra nguyên nhân đích thực của tình trạng KNTC kéo dài, đột xuất, vượt cấp đang gia tăng hiện nay.

Ngoài kiến nghị tách Luật KNTC làm hai luật riêng biệt, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị có hướng dẫn thống nhất về việc áp dụng pháp luật liên quan KNTC của công dân, xem xét sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2003 và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính về giải quyết khiếu nại phù hợp Luật KNTC. Ngoài ra, thành phố xin bổ sung chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong KNTC đông người, ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KNTC để có cơ sở xử lý những trường hợp lợi dụng quyền KNTC để gây rối, vu khống, làm mất an ninh trật tự xã hội, kể cả với cán bộ công chức nhà nước vi phạm các quy định pháp luật về khiếu nại.

Chia sẻ bài viết