20/04/2024 - 07:52

Hoạch định chiến lược giúp doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử 

Trong thời đại công nghệ bùng nổ, cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), doanh nghiệp (DN) ngày càng quan tâm, tiếp cận, cập nhật với những xu hướng mới, tham gia vào hoạt động TMĐT để tiếp cận khách hàng hiệu quả cũng như gia tăng doanh số bán hàng. Tuy nhiên, TMĐT phát triển mạnh mẽ cũng đồng nghĩa với việc DN sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh cao hơn, cũng như phải am hiểu những quy định liên quan đến hoạt động TMĐT, sẵn sàng chuyển đổi số, xây dựng đội ngũ tiên phong để vượt qua những rào cản khi thực hiện các hoạt động kinh doanh TMĐT.

Xu thế tất yếu

Theo báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2023 của Bộ Công Thương, quy mô TMĐT bán lẻ tại Việt Nam có xu hướng tăng cao, bình quân 20-25%/năm. Năm 2018 doanh thu bán lẻ của TMĐT tại Việt Nam hơn 8 tỉ USD thì đến 2023 đạt hơn 20,5 tỉ USD. Doanh thu này tập trung trên 5 sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, TikTok, Tiki, Sen Đỏ. Ước tính, năm 2018 có khoảng 39,9 triệu người dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến và đến năm 2023 đã tăng lên 61 triệu người. Giá trị mua sắm trung bình của mỗi cá nhân mua hàng trên mạng qua kênh thương mại điện tử đến năm 2023 khoảng 336 USD/năm. Theo các chuyên gia, TMĐT không chỉ là một xu hướng mà còn là sức mạnh tác động sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Việc bỏ lỡ cơ hội tham gia vào các hoạt động TMĐT hiện nay sẽ đặt DN vào tình thế bất lợi, những DN không đủ linh hoạt để thích nghi với thị trường mới có thể sẽ bị đào thải bởi các đối thủ cạnh tranh thông minh hơn, dẫn đến mất mát về thị phần, lợi nhuận, mất đi sự kết nối với khách hàng.

Nhân viên một cửa hàng kinh doanh điện máy hỗ trợ khách hàng quét mã thanh toán sau khi mua hàng.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Trưởng Bộ môn Thương mại điện tử, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, chia sẻ: Thời gian qua khung pháp lý về TMĐT tại Việt Nam đã được sửa đổi và dần hoàn thiện. Ứng dụng trong TMĐT ở Việt Nam có tốc độ phát triển cao và liên thông với quốc tế hình thành hệ thống TMĐT xuyên biên giới. Hệ thống sàn giao dịch TMĐT tương đối đồng bộ, tập trung vào các sàn TMĐT lớn, các sàn TMĐT bán lẻ. Làn sóng sáp nhập các sàn TMĐT nhỏ thành các sàn TMĐT lớn ngày càng lan rộng. Các sàn TMĐT nước ngoài cũng có xu hướng hợp nhất, đầu tư vào sàn TMĐT có tiềm năng tại Việt Nam. Xu hướng hội tụ số được tăng cường thông qua việc đa dạng hóa tiện ích trong ứng dụng góp phần tăng trải nghiệm cho người dùng và phục vụ khách hàng tốt hơn. Bên cạnh đó, hạ tầng cho TMĐT tương đối đồng bộ và ổn định.

Theo ông Lê Thanh Tín, Giám đốc Marketing Online Shopee Việt Nam, đối với một DN kinh doanh TMĐT sẽ cần nhận biết các kênh bán hàng hiệu quả để tập trung vào những kênh nào phù hợp. Có rất nhiều kênh bán hàng qua các sàn TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada… hay kênh mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Instagram, các kênh offline. DN tham gia vào hoạt động TMĐT và chuyển đổi thành một DN số sẽ có từng cấp phát triển khác nhau cũng như cần có những cấu phần cần thiết để hình thành nên một DN số trong tương lai. Theo lộ trình phát triển, DN số cần phải có kênh bán hàng TMĐT dành để tạo ra nguồn thu cho DN. Tuy nhiên, khi đã phát triển kênh với kích cỡ tương đối lớn, DN phải nghĩ đến câu chuyện đầu tư vào những hạ tầng nào để tăng trưởng doanh số, đầu tư cho hạ tầng quản lý khách hàng, quản lý các nguồn lực, các công cụ để đo lường được hiệu quả hoạt động của DN. DN phải xác định rõ mô hình kinh doanh là thuần online hay chuyển đổi mô hình từ offline sang online. Cần phân lại vai trò của từng kênh bán hàng. Mỗi kênh sẽ có vai trò cụ thể. Ví dụ Tiktok shop có tác dụng đẩy mạnh giới thiệu thương hiệu, các sàn TMĐT như Shopee, Lazada là kênh bán hàng chủ lực, app và website là cầu nối giữa hoạt động bán hàng online và offline. Các giải pháp marketing cần có sự phối hợp ăn ý giữa các kênh bán hàng này. Bên cạnh đó, DN nên tận dụng những kênh quảng cáo online, mạng xã hội để len lỏi vào từng tệp khách hàng khác nhau. 

Hoạch định chiến lược phù hợp

Theo các chuyên gia, giải pháp bán hàng, chiến dịch bán hàng trên các sàn TMĐT của DN là hành trình làm thế nào để khách hàng tiếp cận và dành sự quan tâm cho sản phẩm, tiến tới mua sắm và trở thành khách hàng trung thành của nhãn hàng. Các sàn TMĐT sẽ có các công cụ khác nhau để DN đạt được hiệu quả bán hàng cao nhất. Vấn đề là làm sao để DN mới bước chân lên sàn TMĐT được khách hàng biết đến sự có mặt của mình trên sàn TMĐT đó và có những sản phẩm tốt để thu hút khách hàng chú ý và quyết định mua sắm.

Theo ông Lê Thanh Tín, hoạt động kinh doanh sàn TMĐT bao gồm 3 yếu tố chính. Về sản phẩm, các thương hiệu phải tập trung tối đa cho chất lượng sản phẩm; về marketing phải làm sao thu hút được khách hàng đến với sản phẩm, với gian hàng của mình; khi có sản phẩm tốt, có người quan tâm thì làm sao kích cầu được khách hàng để họ có thể mua được sản phẩm của DN. Chiến lược tăng trưởng trên sàn TMĐT cần bắt đầu từ mục tiêu kinh doanh của DN, ví dụ DN quan tâm đến doanh thu và tệp khách hàng mới. DN cần có các trụ cột chiến lược, phân vai rõ kênh nào là kênh thu hút khách hàng mới, kênh nào là kênh bán hàng trọng điểm, đâu là kênh để giữ chân khách hàng. Cần xác định dòng sản phẩm nào tập trung bán hàng online để làm việc sâu với sàn TMĐT nhằm đưa các sản phẩm chiến lược có khả năng tăng trưởng, bán chạy nhất khi đưa lên sàn. Cần có các nền tảng phù hợp để hỗ trợ việc bán hàng, các công nghệ số, cách thức quản trị dòng tiền, quản trị hàng tồn kho… mới đảm bảo tăng trưởng bền vững hạn chế câu chuyện ko có hàng để bán hoặc hàng tồn kho quá nhiều. Đặc biệt, để phát triển bền vững trên sàn TMĐT cần nhất là yếu tố con người. Trước tiên là sự quan tâm của đội ngũ lãnh đạo là quan trọng nhất để sắp xếp, bố trí nhân lực, đưa ra chiến lược đúng đắn dành cho toàn bộ đội ngũ. Cần cải thiện năng lực của đội ngũ vận hành, nếu không các đầu tư trước đó sẽ không hiệu quả.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, trong thời đại TMĐT phát triển, xu hướng hành vi của khách hàng cũng thay đổi nhanh chóng, góp phần tạo ra nhóm khách hàng trực tuyến, các kênh phân phối trực tuyến, các hình thức quảng cáo bán hàng trực tuyến. Các hình thức marketing liên kết cũng ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều nhóm ngành hàng, sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn. Vấn đề là DN cần quan tâm thực thi pháp luật về giao dịch điện tử khi kinh doanh trên nền tảng online. Khi tham gia kinh doanh trên nền tảng online cần tuân thủ các quy định về nộp thuế. Chủ sở hữu sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT… Bên cạnh đó lưu ý các vấn đề về xử lý vi phạm, phòng chống gian lận thương mại trong kinh doanh trực tuyến, vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT như bảo hộ nhãn hiệu và tên miền, bảo vệ bản quyền trên môi trường trực tuyến, bảo vệ tài sản ảo, bảo hộ tài sản trí tuệ từ AI...

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết