26/12/2010 - 11:09

Hòa Ninh, chan chứa tình đất, tình người !

Người dân Vĩnh Long thường ví von 4 xã cù lao: Hòa Ninh, An Bình, Bình Hòa Phước và Đồng Phú của địa phương mình như một con rồng nhỏ nằm trên dòng sông Cổ Chiên hiền hòa để chờ đợi cơ hội bay cao. Thật vậy, trong những ngày cuối năm 2010, tôi đã có dịp về thăm lại Hòa Ninh, lòng chứa chan thật nhiều cảm xúc về tình đất, tình người...

Đặt chân lên mảnh đất Hòa Ninh, ấn tượng đầu tiên đối với tôi là hình ảnh của một xứ vườn trù phú. Tuy nhiên, chuyện khai hoang, mở đất, ngăn chặn triều cường, nếm trải bao vất vả nhọc nhằn để mưu sinh chỉ mới là một phần trong cuộc sống của người dân đất cù lao. Bởi, sau mấy mươi năm, Hòa Ninh bây giờ còn là vùng đất hiếu học. Ở đất cù lao này, từng gia đình gần như đều có những người cha, người mẹ hết lòng hy sinh để chăm lo cho con mình ăn học nên người. Chơn chất, lam lũ, họ yêu từng tất đất quê hương và cũng vô cùng kính thầy, trọng chữ. Thầy Nguyễn Phước Điền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Ninh, kể: “Nhà tôi ở xã Bình Hòa Phước, học đến lớp 9 thì ở 4 xã cù lao không có trường cấp 3, định ở nhà làm vườn như các bạn nhưng ba mẹ mong muốn anh em tôi phải học hành thành đạt. Vì vậy, mới 16 tuổi, tôi phải qua TP Vĩnh Long trọ học. Nhớ nhà, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ có lúc tôi muốn bỏ cuộc. Thế nhưng, nhớ lại ước mơ của cha mẹ nên anh em tôi phấn đấu học tập”. Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán (Trường Đại học Cần Thơ), thầy Điền nhận công tác giảng dạy ở Trường THPT Lưu Văn Liệt, Vĩnh Long. Ngay sau khi Trường THPT Hòa Ninh xây dựng, thầy xin chuyển về dạy tại địa phương. Thầy Điền chia sẻ: “Có được một trường cấp 3 ở cụm 4 xã cù lao là mơ ước của nhiều thế hệ người dân cù lao quê tôi. Vì vậy, trường hoàn thành, tôi thấy có trách nhiệm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của quê hương mình. Nhiều người khuyên ở lại trường thành phố có tương lai hơn, nhưng tôi vẫn quyết tâm về với quê nhà”. Thầy Điền chỉ là một trong những người mong muốn được làm nền tảng để nâng cao tri thức cho người dân vốn đã bao đời sống gắn bó với từng thớ đất phù sa, những vườn cây luôn trĩu quả...

Một góc Trường THPT Hòa Ninh.
 

Ở Hòa Ninh muốn hỏi về chuyện học hành nhất định phải gặp ông Sáu Thường- Lê Tấn Thường- người có hơn 30 năm gắn bó với Hòa Ninh- cựu Chủ tịch Hội Khuyến học xã. Không phải là người sinh ra và lớn lên ở Hòa Ninh, nhưng trong một lần đến đây vào năm 1976, ông chợt thấy yêu mến nên đã quyết định gắn bó với mảnh đất phù sa này đến bây giờ. Khởi nghiệp của ông bắt đầu bằng căn nhà tạm bợ và 1,5 công đất mới được phù sa bồi đắp. Nhìn 7 người con đang tuổi ăn, tuổi lớn, ông Sáu đêm đêm chạnh lòng lo lắng. Ông nhớ lại: “Hai vợ chồng tui không có vốn liếng, không nhiều đất đai thì sau này con cái lớn lên lấy gì dựng vợ, gả chồng? Chẳng lẽ lại để các con vất vả khổ sở như mình. Nghĩ đi nghĩ lại vợ chồng tôi thấy chỉ có lo cho con ăn học thì tương lai mới tươi sáng”. Không đầu hàng với cái khó, vợ chồng ông Sáu Thường thuê chiếc ghe nhỏ rồi chèo chống vào các xóm, ấp để mua dừa về bán. Ông Sáu kể: “Nhiều cây dừa cao quá leo lên rồi không dám nhìn xuống vì sợ chóng mặt mà buông tay. Có cây thì kiến vàng cắn đau điếng đến nổi thành ghẻ làm da cứ sần sùi lên”. Hái được một ghe dừa, lại chèo ngược, chèo xuôi cả ngày lẫn đêm đến chợ Thiên Hộ tận Đồng Tháp bán để cho có lời nhiều. Hết mùa dừa, hai vợ chồng ông lại lấy cà rem, bánh mì đi bộ khắp cù lao để bán.

Cây lành cho trái ngọt. Các con ông sáu thấy cha mẹ vất vả nên đều cố gắng học hành thật chăm chỉ. Trong 7 người con của ông Sáu thì có 4 người tốt nghiệp đại học, 3 người tốt nghiệp cao đẳng. Hiện nay, có 5 người làm việc ở TP Hồ Chí Minh và 2 người dạy học ở tỉnh Trà Vinh. Con cái học hành thành đạt, ông Sáu lại xin làm công tác khuyến học. Ông nói: “Mình đã trải qua khó khăn để con cái học hành tới nơi, tới chốn, có việc làm ổn định, nên mình muốn mọi người cũng thay đổi nhận thức, xem trọng việc học”. Hòa Ninh, không chỉ có gia đình thầy Điền, ông Sáu Thường nổi tiếng hiếu học mà nhiều người còn nhắc đến ông Hai Cồn lam lũ cả đời để lo việc học tập cho 9 người con của mình. Vợ ông Hai Cồn mất sớm, thân gà trống một mình làm nghề chài lưới để nuôi con. Hiện các con ông có người đã là tiến sĩ, giám đốc, bác sĩ... Ông Sáu Thường cho biết toàn xã Hòa Ninh có đến hơn 200 gia đình được công nhận danh hiệu gia đình hiếu học, trong đó, có đến 19 gia đình được công nhận gia đình hiếu học cấp tỉnh.

 Học sinh Trường THPT Hòa Ninh
trong giờ tin học. Ảnh: L.G

Giờ đây, người dân ở Hòa Ninh không còn lo sợ cảnh không có nơi học, không có đường đến trường... Chẳng những vậy, với sự đầu tư đồng bộ, các trường trên địa bàn cù lao đều có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Thầy Nguyễn Phước Điền cho biết: “Hầu hết giáo viên của trường đều là giáo viên trẻ, giỏi tin học, mong muốn học tập cao hơn nên phong trào ứng dụng công nghệ thông tin, đưa thiết bị vào giảng dạy rất tốt. Đặc biệt, có khoảng 50% giáo viên của trường là con em của vùng quê 4 xã cù lao này. Ai cũng nhiệt tâm đóng góp phục vụ quê hương”.

Hòa Ninh những ngày này thật thơ mộng, mát mẻ với những con đường len giữa hàng cây nhãn da bò đang kỳ cho thu hoạch. Những tuyến đường đan nối từ nhà này qua nhà khác, vườn trái cây này đến các vườn trái cây khác kết liền nhau. Trên đường đi, bạn có thể đưa tay hái một chùm nhãn chín thơm nồng, một chùm chôm chôm đỏ rực... Trường THPT Hòa Ninh nằm giữa một “rừng” cây nhãn, mận, chôm chôm... Ngồi vào các phòng học, hương nhãn chín, mùi hoa bưởi thoang thoảng thơm làm cho mọi người có cảm giác thật nhẹ nhàng, dễ chịu. Thầy Nguyễn Phước Điền cho biết: “Trường THPT Hòa Ninh có tổng diện tích gần 2ha đất, trước đây là vườn chôm chôm rồi được ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long đầu tư gần 20 tỉ đồng để xây dựng mới. Hiện nay, trường có đầy đủ các phòng học và phòng chức năng, phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại”. Sau khi trường được đưa vào sử dụng, học sinh lớp 10, lớp 11 là con em của cụm cù lao 4 xã đang học ở bên kia sông đều được chuyển về trường để học hành thuận lợi hơn. Vì vậy, toàn Trường THPT Hòa Ninh hiện có hơn 700 học sinh đều là cư dân của các xã cù lao.

Ông Lưu Thành Công, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Ngành giáo dục tỉnh luôn trăn trở về việc học hành của học sinh cụm 4 xã cù lao này. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, không có điều kiện vào “đất liền” để trọ học nên thường bỏ học”. Nhìn từ Vĩnh Long, khoảng cách từ đất liền ra đến cụm 4 xã cù lao không xa. Tuy nhiên, thực tế để đến trường nhiều học sinh phải vượt sông. Bình thường, dòng sông hiền hòa nhưng mùa mưa, mùa nước nổi, sông luôn dữ dội. Những học sinh nhà ở cách xa bến phà thường vượt sông bằng những chiếc ghe nhỏ nên rất nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Hòa, nhà ấp Hòa Lợi, xã Hòa Ninh, nói: “Nhà tôi khó khăn không thể cho con ở trọ tại TP Vĩnh Long nên đành cho cháu nghỉ học”. Trước đây, rất nhiều học sinh ở Hòa Ninh nói riêng và các xã còn lại ở cụm cù lao 4 xã nói chung phải bỏ học vì nguyên nhân này. Vì vậy, khi Trường THPT Hòa Ninh được đưa vào sử dụng, niềm hân hoan lan tỏa khắp các xóm, ấp của 4 xã cù lao. Tính thêm Trường THPT Hòa Ninh thì toàn bộ 4 xã cù lao hiện nay đều có mạng lưới trường học ổn định ở các cấp học. Tại các xã, đều có trường mầm non đến tiểu học, THCS với hàng ngàn học sinh theo học.

***

Chia tay Hòa Ninh, trở về đất liền trên chuyến phà Đình Khao, vùng cù lao xanh rờn dần dần xa tầm mắt lòng tôi dạt dào cảm xúc. Đất chẳng phụ người... Tin rằng, những ngày vui sẽ đến với Hòa Ninh nhiều hơn, bởi những người dân nơi đây đã sống thủy chung, chan chứa tình cảm với đất.

Ghi chép * LY GIANG

Chia sẻ bài viết