05/02/2010 - 09:38

Hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu là góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới

Chiều 4-2, phát biểu tại Hội thảo công bố Báo cáo Phát triển Thế giới 2010 do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm giảm thiểu tác hại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, không chỉ giúp Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững trên toàn thế giới. Thứ trưởng xác nhận sự hiện hữu của tình trạng biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức đối với sự phát triển bền vững và công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam; khẳng định những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm ứng phó và giảm thiểu tác hại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đồng thời mong muốn các nước, các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Với chủ đề “Phát triển và Biến đổi khí hậu”, Báo cáo Phát triển Thế giới 2010 là một lời kêu gọi khẩn thiết, các nước cần hành động ngay, hành động cùng nhau, hành động khác với trước đây, bởi không một quốc gia nào có một mình ứng phó với những thách thức chằng chịt do biến đổi khí hậu gây ra, hợp tác quốc tế là cần thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển các công nghệ mới.

Báo cáo chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu đe dọa tất cả các quốc gia, nhưng các quốc gia đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt lớn, gánh chịu 75%-80% các chi phí thiệt hại do biến đổi khí hậu. Nhiều người ở những nước đang phát triển sống ở những nơi không có cơ sở vật chất bảo vệ, trong những điều kiện kinh tế bấp bênh và năng lực tài chính cũng như thiết chế rất hạn chế. Riêng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, 3 yếu tố chính khu vực này chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu là: số lượng dân cư sống dọc theo bờ biển và các đảo thấp rất lớn (riêng Việt Nam khoảng 40 triệu người), nền kinh tế các nước này còn phụ thuộc vào nông nghiệp và các nguồn thủy sản. Khi sức ép lên đất đai, nguồn nước và rừng gia tăng - hậu quả của tăng dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường do công nghiệp hóa quá nhanh, các nước này sẽ còn gặp nhiều vấn đề về quản lý hơn nữa vì khí hậu sẽ ngày càng khó lường và khắc nghiệt. Chẳng hạn ở đồng bằng sông Mê Công, mùa mưa sẽ có lượng mưa cao hơn trong khi mùa khô có thể kéo dài thêm 2 tháng. Khu vực Đông Nam Á cũng đang chịu nhiều sức ép từ ô nhiễm công nghiệp, phát triển ven biển, đánh bắt quá mức, thuốc trừ sâu nông nghiệp và dinh dưỡng bị cuốn trôi.

Theo Báo cáo này, Việt Nam nằm nhóm các nước đứng đầu thế giới về khả năng dễ bị tổn thương do các nguy cơ liên quan đến khí hậu, nhất là bão, lũ lụt, nước biển dâng.

Báo cáo kêu gọi các quốc gia hướng tới sử dụng năng lượng sạch; đầu tư vào những biện pháp thích ứng nhằm bảo vệ dân cư và sự phát triển khỏi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; mở rộng cung cấp tài chính cho biến đổi khí hậu; phát minh và phổ biến các công nghệ khôn ngoan với khí hậu. Theo đó, các nước thu nhập cao cần hành động nhanh chóng để giảm thải các-bon của mình và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng thay thế để góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

NGUYỄN THỊ SỰ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết