18/12/2019 - 15:14

Hỗ trợ nông dân sản xuất 

Các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) giúp nông dân nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình"cánh đồng lớn" gắn với thực hiện kinh tế hợp tác… Nhờ vậy, nhiều nông dân vươn lên khá giả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Tại ấp Thạnh Quới 2, xã Thạnh Lộc, từ cuối năm 2017, nhiều nông dân đã liên kết hình thành mô hình "Cánh đồng lớn". Chú Võ Phước Đầy, Tổ trưởng Tổ hợp tác số 6, chia sẻ: "Hiện nay, tổ hợp tác có 45 thành viên tham gia, với diện tích 87ha. Từ khi tham gia mô hình, bà con có điều kiện ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, được liên kết trong khâu bơm, xạ nên giảm chi phí sản xuất. Ước tính, chi phí khi liên kết các khâu sản xuất giảm được 20% so với làm ăn riêng lẻ". Hiện nay, các thành viên đang trồng giống lúa chủ lực là Đài Thơm 8, mỗi vụ đều có thương lái thu mua đồng loạt, thu nhập bình quân đạt 20-50 triệu đồng/ha/năm.

Lãnh đạo HND huyện Vĩnh Thạnh đến thăm hỏi tình hình hoạt động của các hộ nông dân được hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp trên địa bàn. 

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch HND huyện Vĩnh Thạnh, từ năm 2011, mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" đã được triển khai xây dựng với quy mô ban đầu chỉ 400ha tại huyện Vĩnh Thạnh. Đến nay, toàn huyện có 94 cánh đồng lớn, có 9.739 hộ tham gia với tổng diện tích 15.107,94ha. Cách làm này không chỉ giúp nông dân thuận tiện áp dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất mà còn giúp giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Các cấp HND huyện cũng đã tổ chức hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân trong việc ký kết cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp để tiêu thụ lúa cho nông dân với tổng diện tích 2.640ha.

Để hỗ trợ nông dân sản xuất, HND huyện còn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa phục vụ sản xuất, giúp giải quyết tình trạng thiếu nhân công trong điều kiện sản xuất lúa tập trung và đồng loạt. Đến nay, toàn huyện có 257 máy gặt đập liên hợp, 176 lò sấy lúa, đáp ứng khâu thu hoạch, sấy lúa cho trên 90% diện tích 3 vụ lúa hằng năm. Ông Nguyễn Văn Thắng, ngụ tại ấp Thạnh Quới 2, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: "Tôi vừa được hỗ trợ mua máy khoảng 4 tháng nay, trong thời gian 2,5 năm đầu không tính lãi suất vay. Cũng nhờ có máy gặt, qua mỗi vụ lúa, tôi có thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Tôi thấy hoạt động này rất thiết thực, không chỉ hỗ trợ những người vay mua máy mà còn giúp nông dân trồng lúa hưởng lợi gián tiếp khi tiết giảm chi phí thuê mướn công lao động, giảm giá thành sản xuất. Trung bình, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp tốn 260.000 đồng/công, còn mướn nhân công thu hoạch, nông dân phải tốn chi phí gấp
3 lần".

Song song đó, các cấp HND huyện còn phối hợp triển khai tập huấn, hỗ trợ nông dân ứng dụng KHKT mới vào sản xuất. Trong 10 năm qua, các cấp HND huyện đã phối hợp tổ chức 1.551 cuộc tập huấn chuyển giao KHKT cho 55.392 lượt nông dân tham dự; tổ chức 71 cuộc hội thảo đầu bờ và học tập kinh nghiệm cho hơn 1.546 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Các cấp HND huyện cũng phối hợp tổ chức 21 lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sử dụng phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp; tổ chức 19 cuộc tham quan học tập các mô hình làm ăn có hiệu quả cho hội viên nông dân… Bên cạnh đó, HND các cấp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh còn tích cực giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất để hội viên có vốn đầu tư công nghệ, thiết bị, con giống, vật nuôi... HND huyện đang duy trì hoạt động của 103 tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp 5.227 hộ vay với tổng số dư nợ trên 117 tỉ đồng; phối hợp liên tịch với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải ngân cho chương trình dự án nông dân, nông thôn vay để phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 706  tỉ đồng, giúp 2.017 lượt hộ vay phát triển sản xuất.

Thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, các cấp HND huyện Vĩnh Thạnh đã và đang phát huy tốt vai trò nòng cốt, giúp hội viên sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo động lực để nông dân trong huyện hăng hái tham gia lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại
địa phương.

Bài, ảnh: Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
nông dân