23/09/2021 - 06:06

Hỗ trợ nhiều hơn để người dân tiêu thụ nông sản 

Hiện nay ngành chức năng tại các địa phương vùng ĐBSCL đang tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nhờ nỗ lực và hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành Trung ương, một lượng lớn nông sản của người dân tại vùng ĐBSCL đã được thu hoạch kịp thời và tìm được đầu ra…

Hỗ trợ người dân

Nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ chăm sóc vườn rau.

Nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ chăm sóc vườn rau.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết, từ ngày 21-7 đến 7-9-2021, thành phố đã hỗ trợ người dân tiêu thụ được 18.962 tấn nông, thủy sản các loại. Trong đó, có 5.600 tấn được kết nối tiêu thụ thông qua Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, số còn lại do nông dân chủ động bán cho các thương lái và tiêu thụ thông qua sự hỗ trợ kết nối giữa Sở NN&PTNT với Sở Công Thương để cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn, các điểm bán hàng bình ổn giá, chợ 0 đồng. Thành phố cũng triển khai chương trình túi combo hàng hóa của Tổ công tác 970, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, kết quả có 2 hợp tác xã (HTX) tham gia thực hiện và đã cung ứng được 8.000 túi combo. Đặc biệt, UBND thành phố đã kịp thời chỉ đạo Sở NN&PTNT thành lập Tổ hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 cấp thành phố và cấp quận, huyện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Qua đó, đã chủ động rà soát, cập nhật sản lượng các vùng nguyên liệu sản xuất hằng ngày và thường xuyên cập nhật thông tin về diện tích, sản lượng nông sản đến kỳ thu hoạch để kết nối cung cầu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua nhiều hình thức. 

Nhờ sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, nhất là Tổ công tác 970 và 19 tỉnh, thành phía Nam, tỉnh An Giang đã kịp thời tiếp cận những thông tin về thị trường tiêu thụ để hỗ trợ người dân tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản. Đến ngày 9-9, tỉnh An Giang đã tổ chức sản xuất và tiêu thụ thành công vụ hè thu 2021 trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, với sản lượng cả vụ gần 1,32 triệu tấn lúa, nếp và gần 400.000 tấn rau màu và gần 80.000 tấn cây ăn trái các loại. Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, điểm nổi bật trong chỉ đạo điều hành, hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản thời gian qua là toàn tỉnh đã thành lập được 161 tổ phản ứng nhanh gồm 1 ở cấp tỉnh, 11 cấp huyện và 149 tổ cấp xã. Các tổ này có vai trò trong việc tiếp cận nhanh để hỗ trợ người dân trong sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Thời gian qua, Tổ công tác 970 đã thực hiện kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho ĐBSCL và nhiều tỉnh, thành vùng Nam bộ và hiện đã kết nối trên 1.400 đầu mối để tiêu thụ nông sản. Tổ đã tổ chức vận hành trang web kết nối cung cầu sản phẩm tại địa chỉ https://htx.cooplink.com.vn nhằm đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm cần mua và cần bán trên trang web. Kết quả, tổ đã kết nối cung cầu, tiêu thụ thành công các loại nông sản với sản lượng 300-400 tấn/ngày, cao điểm có ngày trên 1.000 tấn nông sản.

Vẫn còn gặp khó

Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và nhiều địa phương phải tiếp tục hạn chế đi lại nên đầu ra nhiều loại nông sản đã và đang chuẩn bị tới lứa thu hoạch vẫn còn gặp trở ngại. Các địa phương rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong kết nối cung cầu, tháo gỡ các khó khăn trong việc đi lại của lực lượng lao động, thương lái và doanh nghiệp để thu hoạch, lưu thông nông sản hàng hóa thông suốt.

Tại TP Cần Thơ, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản. Việc tiêu thụ nông sản có cải thiện thông qua các kênh hỗ trợ nhưng hiện vẫn còn một số nông, thủy sản đang vào vụ thu hoạch tại các địa phương tiêu thụ vẫn còn chậm. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đầu năm đến nay thành phố đã gieo trồng được 14.841ha rau màu các loại và đã thu hoạch được 10.887ha. Nhìn chung, phần lớn các loại rau màu đã được tiêu thụ nhưng vẫn còn tồn đọng hơn 9 tấn rau ăn lá các loại tại các quận, huyện do tiêu thụ chậm. Thành phố cũng còn sản lượng trái cây cần tiêu thụ khoảng 137 tấn. Đối với cây trồng chủ lực là lúa, thành phố đã thu hoạch dứt điểm lúa hè thu từ giữa tháng 7 nên vụ này không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, lúa thu đông 2021 tại thành phố với tổng diện tích 69.995ha bước vào thu hoạch nên tới đây có một lượng lớn lúa cần tiêu thụ. Dự kiến, diện tích lúa thu đông tại thành phố được thu hoạch từ ngày 1 đến 15-9 là hơn 6.500ha, từ ngày 15 đến 30-9 hơn 35.150ha và trong tháng 10 khoảng 28.000ha. Riêng cá tra, hiện còn tồn đọng hơn 38.500 tấn đã tới cỡ thu hoạch nhưng phải chờ các nhà máy chế biến hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương để gỡ khó cho việc tiêu thụ nông sản, các địa phương rất cần Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu. Đặc biệt, cần duy trì và phát triển phần mềm kết nối cung cầu nông sản mà Tổ công tác 970 đã xây dựng thành một kênh thương mại phổ biến của Việt Nam và vươn tầm ra thị trường thế giới. Đồng thời, cần ưu tiên tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 cho lực lượng lao động trong tất cả các khâu của chuỗi sản xuất nông, thủy sản và có chính sách hỗ trợ cho nông dân. Có như vậy mới nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực và nguồn hàng hóa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.  

TP Cần Thơ cùng tỉnh An Giang và các tỉnh vùng ĐBSCL đã kiến nghị Tổ công tác 970 và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ tìm các đầu mối giúp nông dân tiêu thụ lúa gạo, nhiều loại rau màu, trái cây, thủy sản đang và chuẩn bị thu hoạch. Đồng thời, kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ ưu tiên phân bổ vaccine để tiêm chủng cho người trực tiếp tham gia trong chuỗi sản xuất, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ nông sản. Kịp thời có biện pháp bình ổn giá vật tư, thức ăn chăn nuôi, giúp giảm chi phí, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất.

Hiện nay, việc thu hoạch và tiêu thụ nông sản ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có liên kết giữa nhà máy, vùng chế biến, vùng nguyên liệu, kể cả máy móc, thiết bị và lực lượng lao động giữa các địa phương trong vùng. Tuy nhiên, các địa phương áp dụng mức độ giãn cách khác nhau và có sự thay đổi liên tục tùy theo tình hình. Do vậy, để tạo thuận lợi trong thu hoạch và tiêu thụ nông sản, tới đây các địa phương trong vùng cần phối hợp chặt chẽ với nhau. Qua đó, kịp thời chia sẻ thông tin và tạo thuận lợi cho việc di chuyển lực lượng lao động, máy móc phục vụ thu hoạch, thiêu thụ và vận chuyển nông sản giữa các địa phương.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết