20/08/2013 - 21:28

Bến Tre

Hỗ trợ nhau làm kinh tế

Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong sáu nhiệm vụ công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN). Bà Võ Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre cho biết, hội tạo điều kiện để chị em tiếp thu kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, phát động phong trào cùng chia sẻ, giúp nhau phát triển kinh tế, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế hộ.

Theo khảo sát của Hội LHPN tỉnh, đến cuối năm 2012, Bến Tre có 17.082 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ (chiếm 40,74% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Từ đó đến nay, các cấp Hội Phụ nữ thực hiện kế hoạch giúp trên 95% số hộ nghèo này (do 2.632 hộ không có khả năng thoát nghèo). Từ nhiều nguồn, Hội tổ chức dạy nghề xe chỉ xơ dừa, đan đát giỏ lục bình, dệt thảm, kỹ thuật thú y, trồng nấm, may công nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi, cắm hoa, nấu ăn… Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình được duy trì, phát triển thông qua nhiều hình thức như: cho mượn con giống, vật tư nông nghiệp, tiền, vàng, nguyên liệu, ngày công lao động… Ngoài ra, Hội Phụ nữ các cấp nhận vốn ủy thác từ nhiều nguồn. Dư nợ tín dụng của Hội LHPN Bến Tre tính đến cuối tháng 5-2013 gần 672 tỉ đồng, với 2.188 tổ phụ nữ tín dụng tiết kiệm và có 82.144 phụ nữ được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Trong nguồn vốn này, ngoài nguồn vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, các nguồn vốn tài trợ khác được Hội khai thác theo cách riêng, như: nguồn vốn ủy thác từ Terre des Hommes Thụy Sĩ, Tập đoàn Unilever, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế IFAD…

   Nghề bó chổi giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ.

Từ các nguồn vốn ủy thác, những người làm công tác Hội rất tự hào vì nguồn vốn quay vòng (tính từ năm 2007 đến nay) lên đến trên 53 tỉ đồng, với 17.055 lượt thành viên được vay vốn, tỷ lệ nợ quá hạn không quá 0,019%. Phương thức giải ngân theo tín chấp nhóm, vốn vay từ thấp đến cao và được chia đều vốn, lãi để trả hằng tháng, nên phù hợp với phần lớn chị em sản xuất, kinh doanh nhỏ. Đối tượng được vay vốn là phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có thu nhập thấp, chưa có hoặc ít có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Với khoản vay từ 2,1-4,8 triệu đồng/chu kỳ vay, cùng với sản phẩm đầu tư mang lại như tiếp thêm sức mạnh cho chị em vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo.

Chị Nguyễn Thị Hòa, ở xã An Ngãi Tây, huyện Ba Tri, cho biết: “Khởi nghiệp từ 2,4 triệu đồng, vay từ nguồn vốn ủy thác của Hội Phụ nữ, tôi mua bồ câu về nuôi. Sau 1 năm, số tiền vốn ban đầu tăng lên 3 triệu đồng. Hằng tháng, tôi tích cóp thu nhập từ mảnh vườn quanh nhà, trả vốn và lãi trong năm đầu là 22.000 đồng/tháng, năm 2 là 25.000 đồng/tháng. Nhờ vậy, tiền bán bồ câu con dành dụm được và cùng với một số khoản thu nhập khác của gia đình, tôi đã sửa sang lại căn nhà khang trang hơn”. Chị Nguyễn Thị Nhanh, ở xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm hào hứng khi nói về chuyện vay vốn từ Hội Phụ nữ. Đến nay, chị đã vay được 2 vòng vốn để nuôi heo. Số tiền vay dù chỉ 3 triệu đồng, nhưng đã giúp cho chị tiết kiệm được một khoản và con số này đang dần lớn theo sự phát triển chăn nuôi của chị.

Vay theo nhóm, trả vốn lãi cũng theo nhóm nên còn mang lại ý nghĩa thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm và cả việc nâng uy tín của chị em với nhau. Số tiền vay khởi đầu không nhiều, nhưng số tiền ấy được bắt đầu bằng niềm tin – vay tín chấp và được sử dụng đúng mục đích, nên giá trị mang lại không nhỏ. Trên cơ sở kết quả đạt được, ngày 28-6-2013, UBND tỉnh Bến Tre chính thức ra quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trực thuộc Hội LHPN tỉnh. Đây là niềm vui không chỉ với phụ nữ nghèo, thiếu vốn sản xuất mà còn là niềm vui của những người làm công tác Hội. Theo bà Võ Thị Thủy, nguồn vay phát vốn trên cơ sở nhóm hợp tác là thêm cơ hội để Hội Phụ nữ các cấp tập hợp chị em, hình thành thói quen sinh hoạt, sản xuất kinh doanh theo phương thức kinh tế tập thể - điều kiện cần trong quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng vị thế phụ nữ trong gia đình và xã hội.

     Bài, ảnh: Phương Yến

 

Chia sẻ bài viết