02/05/2020 - 11:14

Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình 

Các phong trào phụ nữ trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, không ngừng phát triển theo mục tiêu 6 chương trình trọng tâm và phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Hội đề ra “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình đạt nhiều kết quả thiết thực.

Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn nhiều hội viên phụ nữ ở huyện Vĩnh Thạnh tự tạo được việc làm và cho thu nhập ổn định. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi dê của hội viên phụ nữ xã Thạnh Quới.

Theo chị Trần Thị Nguyệt Quế, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Vĩnh Thạnh, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và trở thành việc làm thường xuyên của phong trào Hội. Trong đó, tiết kiệm là hoạt động được chị em hội viên thực hiện có hiệu quả, nhằm tích lũy nguồn vốn giúp đỡ nhau phát triển sản xuất. Hiện nay, toàn huyện có 25 Tổ Phụ nữ tiết kiệm với 549 thành viên, số tiền tiết kiệm được 193,4 triệu đồng; duy trì hoạt động 38 tổ hùn vốn với 606 thành viên, số tiền 146,1 triệu đồng. Trong năm 2019 và những tháng đầu năm nay, có 661 chị được giúp bổ sung nguồn vốn để chăn nuôi, buôn bán. Cùng với đó, Hội quản lý 10 chương trình vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với 100 tổ vay vốn, có 6.351 hộ vay, tổng dư nợ hơn 116,8 triệu đồng.

Để quản lý tốt các nguồn vốn, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cấp Hội cơ sở thường xuyên sinh hoạt cùng các tổ vay vốn, đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Chị Lê Thị Tuyết Trinh, ở ấp F2, xã Thạnh An là một trong những điển hình sử dụng đồng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Chị Trinh cho biết: “Gia đình tôi có 1,5ha đất sản xuất. Tôi tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ và được giới thiệu vay vốn, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Tôi đã áp dụng mô hình trồng lúa kết hợp với chăn nuôi heo sinh sản và heo thịt. Nhờ được tập huấn, nắm bắt kỹ thuật và kiểm soát tốt dịch bệnh nên mỗi năm gia đình tôi thu nhập hàng trăm triệu đồng…”.

Chị Nguyễn Ngọc Quý, ở ấp Qui Lân 5, xã Thạnh Quới, trước đây từng là hộ nghèo. Nhờ được Hội Phụ nữ giới thiệu vay 22 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, vợ chồng chị tổ chức thu mua phế liệu, hằng ngày sau khi phân loại và cân cho chủ vựa, lời khoảng 300.000 đồng. Chị bộc bạch: “Nhờ có đồng vốn lãi suất thấp, vợ chồng tôi mua bán, tạo nguồn thu nhập hằng ngày, cuộc sống dần ổn định. Hiện nay, gia đình tôi không chỉ thoát được nghèo mà còn cất được căn nhà kín mưa kín nắng”. Chị Nguyễn Thị Bích Chi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Qui Lân 5, cho biết: “Ấp có 116 hội viên phụ nữ. Nhằm giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, tôi đã tích cực khai thác nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và vận động được 28 chị em tham gia vào Tổ Tiết kiệm tín dụng tại Chi hội. Hằng tháng, mỗi chị góp 100.000 đồng. Mỗi năm, Tổ Tiết kiệm được hơn 33 triệu đồng dành hỗ trợ hội viên nghèo với lãi suất thấp. Ngoài ra, bản thân tôi cũng thường xuyên đến nhà những hội viên nghèo nắm bắt hoàn cảnh, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để có hướng hỗ trợ kịp thời.”

Cùng với việc hỗ trợ nguồn vốn, các cấp Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh còn phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm…; phối hợp mở 4 lớp dạy nghề: nấu ăn, đan dây nhựa và trồng hoa kiểng cho 139 chị. Kết quả, đến nay có 130 chị tạo được việc làm tại chỗ cho thu nhập ổn định. Ngoài ra, Hội còn giới thiệu cho 566 chị tìm được việc làm ổn định tại các cơ sở, công ty, doanh nghiệp,… Các cấp Hội tổ chức xây dựng 5 mái ấp tình thương, trị giá 290 triệu đồng; sửa chữa 12 căn nhà cho hội viên khó khăn về nhà ở với số tiền 191,5 triệu đồng. Với nhiều biện pháp, hỗ trợ, giúp đỡ cho chị em hội viên, tính đến cuối năm 2019 qua bình xét có 135/229 hộ do phụ nữ làm chủ, thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều.

Với đặc thù là vùng nông thôn, các mô hình giảm nghèo của các cấp Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Chị Trần Thị Nguyệt Quế, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh, trăn trở: “Bên cạnh diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh, vấn đề liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa chặt chẽ, nhiều mặt hàng nông sản thiếu sức cạnh tranh, thu nhập của phụ nữ chưa tương xứng với công sức lao động; đời sống phụ nữ nông thôn còn nhiều khó khăn. Đây chính là những thách thức đòi hỏi các cấp Hội phải không ngừng nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên. Hội LHPN huyện và các cơ sở Hội sẽ tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chị em; đồng thời, nhân rộng, tạo điều kiện để phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần khẳng định vai trò của phụ nữ trong giai đoạn mới”.

Bài, ảnh: Minh Hải

Chia sẻ bài viết