10/10/2024 - 07:54

Hỗ trợ chủ thể OCOP làm thương hiệu sản phẩm 

TP Cần Thơ hiện có 153 sản phẩm được công nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 đến 4 sao. Không chỉ đảm bảo giữ được chất lượng theo “sao” được công nhận, thành phố còn nỗ lực hoàn thiện và cải tiến để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường. Và một trong những giải pháp được thành phố chú trọng là việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm OCOP. Hướng đi này được hầu hết chủ thể và kênh phân phối sản phẩm OCOP đồng tình hưởng ứng và đã mang lại kết quả bước đầu.

Sản phẩm OCOP “Sầu riêng chị Thảo” (huyện Cờ Ðỏ) đã được đăng ký chứng nhận độc quyền.

Kết quả bước đầu

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng mang lại lợi ích cho nhiều phía. Trong đó, đối với nhà sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu sẽ giúp bảo vệ chống các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh; gia tăng giá trị cho sản phẩm; hoàn thiện quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm, từ đó tăng doanh thu, lợi nhuận. Về phía người tiêu dùng có thể mua được các sản phẩm chất lượng, đáng tin cậy và có thể truy ra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.  Ngoài ra, sản phẩm OCOP được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể tạo được niềm tin, cam kết trách nhiệm của nhà sản xuất đối với hàng hóa được phân phối, từ đó tạo tính kết nối, hướng đến làm ăn lâu dài.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, ngành Nông nghiệp tham mưu UBND thành phố triển khai Ðề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản TP Cần Thơ giai đoạn 2015-2020 và Kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Cần Thơ giai đoạn 2022-2025. Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Ðề án “Xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc chương trình OCOP”. Với nỗ lực trên, thành phố đã có những sản phẩm OCOP có nhãn hiệu như Sầu riêng Tân Thới, nấm Ðông trùng hạ thảo Giọt Phù Sa (huyện Phong Ðiền); Mắm cá tra Út Anh (quận Thốt Nốt); na Trường Thắng (huyện Thới Lai); nhãn IDO Ðịnh Môn (huyện Thới Lai)…

Ngoài nỗ lực của ngành chức năng, bản thân các chủ thể OCOP cũng dần có ý thức phát triển thương hiệu cho sản phẩm của mình. Ông Mạc Chí Hải, Giám đốc Công ty TNHH Yến Sào Tịnh Hoằng, cho biết: Từ khi thành lập (năm 2020), công ty bắt tay vào đăng ký thương hiệu độc quyền “Yến sào Tịnh Hoằng”. Cùng với xây dựng thương hiệu, công ty còn chú trọng đầu tư cho vùng nguyên liệu, nhà xưởng, quy trình sản xuất để đạt chuẩn HACCP và còn được thành phố chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Hiện công ty có 3 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao: yến sào Phụng Hoàng, yến sào Quý Phi, yến chưng đường phèn. Như vậy, sau 4 năm có mặt trên thị trường, chúng tôi đã chủ động từng bước xây dựng những “mảnh ghép” bảo chứng cho chất lượng, thương hiệu Yến sào Tịnh Hoằng”.

Tiếp thêm động lực

Mặc dù có nhiều nỗ lực và đạt được thành quả bước đầu, song trên thực tế việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP còn nhiều hạn chế. Ða phần sản phẩm OCOP được trồng, sản xuất, kinh doanh ở quy mô nhỏ, manh mún; quy trình trồng trọt, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến... chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thói quen. Chính vì vậy, chất lượng của sản phẩm OCOP thường không đồng đều, thiếu ổn định và dẫn đến ảnh hưởng uy tín, tác động xấu đến thương hiệu chung của đặc sản địa phương. Mặt khác, vấn đề khai thác phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu vẫn còn khá mới mẻ, chủ thể OCOP, doanh nghiệp, hợp tác xã đa số eo hẹp về nguồn vốn, chưa hiểu hết về ý nghĩa, giá trị của thương hiệu sản phẩm nên thiếu sự quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu. Ở góc độ quản lý, mô hình xây dựng, quản lý, khai thác, phát triển thương hiệu các sản phẩm OCOP vẫn chưa có sự thống nhất và phù hợp với các địa phương. Ðiều này làm các nhà quản lý lẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP cũng đang khá lúng túng khi áp dụng và triển khai để đem lại hiệu quả trên thực tế.

Theo bà Ðoàn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hygie&Panacee, các sản phẩm trà hòa tan rau om tía, diếp cá, gừng mật ong, gừng chanh sả, đinh lăng… của công ty đã được chứng nhận OCOP.  Tất cả sản phẩm và ấn phẩm của công ty đều sử dụng logo và hình ảnh đã được đăng ký. Thời gian qua, Hygie&Panacee nhận được nhiều sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, sở ban ngành thông qua hoạt động kết nối tại các sự kiện, hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ từ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của TP Cần Thơ… Sắp tới, công ty dự kiến đăng ký sở hữu trí tuệ tại nước ngoài: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Canada và châu Âu. Vì vậy, công ty mong muốn tiếp tục nhận được hướng dẫn, hỗ trợ trong vấn đề bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ để Hygie&Panacee có thể vươn mình lớn mạnh, góp phần tiêu thụ nông sản cho bà con, đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố tiếp tục chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các chủ thể, đặc biệt là thông qua các câu chuyện thành công, điển hình từ thực tiễn. Qua đó, truyền tải, tạo động lực, nhiệt huyết, niềm tự hào của mỗi chủ thể về sản phẩm, đặc biệt là phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng để phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có liên quan cần tăng cường hỗ trợ máy móc, trang thiết bị sản xuất; phát triển liên kết chuỗi, vùng nguyên liệu; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP. Từ đó, đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và tăng lợi nhuận cho các chủ thể.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết