04/10/2008 - 08:46

Ho ra máu - Xử lý trễ, dễ tử vong

 BS TRẦN MẠNH HỒNG
(Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ)

Ho ra máu là tình trạng máu từ đường hô hấp dưới (vùng dưới thanh môn) được ho, khạc, trào, ọc ra ngoài qua đường mũi, miệng. Những trường hợp này khác với tình trạng khạc ra máu từ đường hô hấp trên do tổn thương chảy máu mũi, họng, răng, miệng và ói ra ngoài. Bài viết này tập trung đề cập đến những trường hợp đã và đang mắc bệnh lao phổi, có triệu chứng ho ra máu.


Khoảng tháng 4-2008, ông Lê Văn Năm, 71 tuổi, ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, bị ho ra máu nặng, được gia đình chuyển đến Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Cần Thơ bằng ghe. Trên đường đi, ông bị nghẹt thở do máu cục tụ lại trong cuống họng. Tại bệnh viện, các bác sĩ phải cấp cứu nhanh bằng cách đặt ông nằm úp xuống, dùng tay vỗ mạnh vào lưng cho cục máu ở cuống họng văng ra. Sau đó, các bác sĩ chẩn đoán xem bệnh nhân bị tổn thương ở phổi bên nào rồi dùng máy hút máu để thông đường thở và cho ông uống thuốc... Khoảng 1 tuần lễ sau, ông bình phục, có thể xuất viện. Trước khi bị ho ra máu, ông Năm từng mắc bệnh lao và đã được điều trị.

Tương tự, khoảng tháng 7-2008, ông Đoàn Văn Minh, 56 tuổi, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ và ông Nguyễn Thanh Bình, 46 tuổi, ở tỉnh Kiên Giang, được đưa vào Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Cần Thơ, trong tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp do ho ra máu nặng. Nhờ phát hiện sớm, xử trí kịp thời, sức khỏe của ông Minh và ông Bình phục hồi sau 10-15 ngày điều trị ở bệnh viện. Trước đó, cả 2 ông đều đã từng điều trị bệnh lao nhiều lần.

Có thể nói, những ca trên đều là bệnh khó, nếu các bác sĩ không xử trí kịp thời, bệnh nhân dễ bị tử vong do tắc nghẽn đường hô hấp. Ngoài những bệnh nhân lao ho ra máu được cấp cứu thành công, cũng có một vài trường hợp tử vong. Với những trường hợp này, thông thường người bệnh và thân nhân chủ quan, thấy ho ra máu ít nên tự mua thuốc uống; đến khi ho ra máu nhiều hơn mới đưa đến bệnh viện thì đã quá trễ. Cũng có trường hợp tử vong trên đường đi cấp cứu do máu tụ lại, gây tắc nghẽn đường hô hấp.

Hằng năm, số bệnh nhân mắc bệnh lao có triệu chứng ho ra máu chiếm từ 30-35% tổng số bệnh nhân lao nhập viện Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Cần Thơ. Thông thường bệnh nhân ho ra máu nặng đã từng điều trị bệnh lao hoặc điều trị bệnh lao chưa dứt điểm. Cũng có trường hợp bệnh nhân đã điều trị dứt bệnh lao nhưng ho ra máu kéo dài, dai dẳng do bệnh lý giãn phế quản. Muốn điều trị dứt hẳn, bệnh nhân phải cắt bỏ một đoạn phế quản.

Để đánh giá và điều trị hiệu quả triệu chứng ho ra máu, phải xác định bệnh nhân ho ra máu ở mức độ nào. Ở mức độ nhẹ, trong 24 giờ, người bệnh ho ra máu từ vài ml đến dưới 50ml. Ở mức độ trung bình, trong 24 giờ, người bệnh ho ra máu từ 50-200ml. Ở mức độ nặng, trong 24 giờ, bệnh nhân ho ra máu trên 200ml. Đối với mức độ trung bình và nặng, lượng máu đủ làm tắc nghẽn đường hô hấp. Ngoài ra cũng cần phải đánh giá tình trạng hô hấp, tinh thần... của bệnh nhân. Các bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm, như: chụp X-quang lồng ngực, thử đàm tìm vi trùng lao, thử phản ứng nhiễm lao (IOR) công thức máu, nhóm máu, urê huyết, đường huyết, ion đồ...

Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ khám bệnh và tư vấn cho người bệnh lao phổi tại Khoa khám bệnh.
Ảnh: B.NG 

Những trường hợp ho ra máu ở mức độ vừa và nặng, bệnh nhân phải được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa lao- bệnh phổi để điều trị. Còn những trường hợp ho ra máu ở mức độ nhẹ có thể điều trị và dự phòng, như sau:

- Tránh không để bệnh nhân bị suy hô hấp tuần hoàn do ho ra máu; cấp cứu và hồi sức kịp thời khi ho ra máu làm tắc nghẽn và suy hô hấp.

- Để bệnh nhân nằm nghỉ ở nơi yên tĩnh, tránh vận động và đi lại.

- Cho bệnh nhân ăn lỏng (sữa, súp) hoặc nửa lỏng (cháo); uống nước mát, lạnh.

- Có thể dùng một số loại thuốc để điều trị, như:

+ Toplexil: 1-2 viên/ lần, ngày uống 3 lần

Người bệnh ho ra máu được xử trí và cấp cứu kịp thời sẽ qua cơn nguy hiểm; ngược lại, nếu thiếu hiểu biết, chủ quan... bệnh sẽ càng nặng hơn và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

+ Adoma 30mg (1 viên/ lần, ngày uống 3 lần) hoặc Adrenoxyl 10mg (1 viên/ lần, ngày uống 3 lần) hoặc Transamine 25mg (1 viên/ lần, ngày uống 3 lần). Sử dụng kết hợp với thuốc kháng Histamine và thuốc an thần.

+ Chelopheniramine 4mg: 1 viên/ lần, ngày uống 2 lần

+ Drazepanmg: uống 1 viên vào buổi tối.

Những bệnh nhân lao phổi bị ho ra máu đã được điều trị khỏi, khi về nhà, thân nhân nên cho người bệnh nằm nghỉ ngơi, thư giãn, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, tránh ồn ào, tránh xúc động quá mức,...

******

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ho ra máu, như: bệnh lý về phổi, bệnh phổi không phải do lao (viêm phổi, áp-xe phổi, nấm phổi, ung thư phổi...) bệnh phế quản (viêm phế quản cấp và mãn, giãn phế quản, hen phế quản, do mắc dị vật ở phế quản...). Ngoài ra, các bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân cao huyết áp, bệnh lý tắc nghẽn động mạch phổi... cũng có thể làm cho bệnh nhân ho ra máu. Dù do nguyên nhân nào nhưng một khi đã ho ra máu, bệnh nhân phải được chẩn đoán, điều trị sớm, để tránh những di chứng hoặc hậu quả xấu.

BÍCH NGỌC (ghi)

Chia sẻ bài viết