22/04/2019 - 08:46

Ông Nguyễn Minh Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ:

Hiệu ứng tốt từ mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn 

Qua 3 năm triển khai xây dựng mô hình các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (theo Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20-7-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chi cục Quản lý Chất lượng (QLCL) Nông Lâm sản và Thủy sản Cần Thơ đã xây dựng được 28 mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Trong đó có 16 chuỗi nông sản, 12 chuỗi thủy sản. Chi cục đã tiến hành lấy mẫu giám sát và xác nhận 97 sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Ông Nguyễn Minh Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết:

- Đa số các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp (DN) ý thức được việc xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn là nhà sản xuất phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tuân thủ quy định về hội nhập quốc tế, gia tăng xuất khẩu, an sinh xã hội, cơ sở để thực hiện hiệu lực, hiệu quả, luật pháp về ATTP; đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng. Quá trình sản xuất, các sản phẩm trong chuỗi đều phải kiểm soát ATTP suốt quy trình từ sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) đến khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản, phân phối đến khi ra thị trường phải đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về chất lượng ATTP. Sản phẩm đáp ứng đầy đủ thông tin, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.

Từ kết quả thông qua công tác quảng bá, xúc tiến liên kết sản xuất- tiêu thụ, đến nay các sản phẩm trong chuỗi đã tìm kiếm và mở rộng thị trường, đã có nhiều DN ký kết được các hợp đồng phân phối sản phẩm với hệ thống các cửa hàng, siêu thị, đại lý và DN chuyên cung ứng thực phẩm. Hiện đã có một số DN lên kế hoạch định hướng xuất khẩu. Đó là hiệu ứng tích cực, thuận lợi khi mở rộng mô hình.

* Kinh nghiệm quá trình xây dựng chuỗi sản xuất, muốn nâng chất cần phải làm gì, thưa ông?

- Điều rút ra từ công tác tuyên truyền, hướng dẫn các DN chủ động xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm phải kiểm soát từ khâu sản xuất ban đầu đến khi ra sản phẩm sau cùng đến tay người tiêu dùng là các DN phải chủ động xây dựng vùng nguyên liệu hoặc có hợp đồng liên kết, bao tiêu các sản phẩm an toàn. Nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Hơn nữa nhờ cộng hưởng từ các chương trình liên kết trao đổi sản phẩm nông sản đặc trưng các vùng miền, đã hỗ trợ liên kết sản xuất- tiêu thụ các sản phẩm được xác nhận sản phẩm an toàn. Kết quả 100% sản phẩm trong chuỗi đều ký kết được các hợp đồng phân phối với các đại lý, cửa hàng và hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Hiện đã có một số chuỗi cung ứng thực phẩm tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng như: Sản phẩm từ cá thát lát của Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa; Chuỗi khô cá nước ngọt của Công ty TNHH TMDV Minh Đức Thành; Chuỗi mắm cá tra của Cơ sở Út Anh; Chuỗi các sản phẩm từ cá nước ngọt của HTX Nhất Tâm; Chuỗi gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An…

Nông sản sạch từ trang trại đến bàn ăn. Ảnh: Hữu Đức

Mặt khác, trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về ATTP và truy xuất nguồn gốc, trong năm qua (2018) Chi cục đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa và HTX Nhất Tâm ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc điện tử (QR code) đối với các sản phẩm thủy sản, đảm bảo truy xuất minh bạch thông tin toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm.

* Ngoài những kết quả nêu trên, còn tồn tại những vấn đề nào gây trở ngại trong công tác quản lý nâng cao chất lượng ngành hàng nông lâm thủy sản, thưa ông?

- Hiện còn một số trở ngại như: Vốn đầu tư ban đầu để xây dựng, nâng cấp điều kiện, quy trình sản xuất cho các tác nhân tham gia mô hình liên kết chuỗi; Giá trị pháp lý, tính bền vững của hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân và DN; Nâng cao ý thức, tập quán lựa chọn sản phẩm an toàn của người tiêu dùng... Để tháo gỡ các trở ngại trên, vừa qua Chi cục QLCL nông lâm thủy sản đã xây dựng dự thảo “Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm hỗ trợ DN vừa và nhỏ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2019-2020, trên địa bàn TP Cần Thơ”. Mục tiêu chính là triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN theo quy định tại Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ; nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng… Theo kế hoạch sẽ hỗ trợ các hoạt động đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, chiến lược phát triển sản phẩm theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Cung cấp thông tin về nhu cầu kết nối, sản xuất kinh doanh của các DN vừa và nhỏ tham gia cụm liên kết ngành; Hỗ trợ phát triển thương hiệu…

* Xin cám ơn ông!

HỮU ĐỨC  (thực hiện)

Chia sẻ bài viết