27/04/2012 - 22:16

Hiến kế phát triển khoa học công nghệ ở Cần Thơ

Tác giả Hoàng Thanh Liêm, huyện Thới Lai (thứ 2 từ bên trái ) giới thiệu những sáng kiến, sáng chế phục vụ cho nông nghiệp. Ảnh: T. TRANG

Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 20-01-2003 của Bộ Chính trị đã xác định: “Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công; là trung tâm giáo dục - đào tạo, khoa học-công nghệ (KHCN)...”. Thế nhưng, lĩnh vực KHCN vẫn còn hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố. Làm thế nào để phát huy thế mạnh này là vấn đề nhiều đại biểu trăn trở, tại cuộc họp giữa Đoàn công tác liên ngành Trung ương khảo sát tình hình phát triển KHCN với lãnh đạo TP Cần Thơ, vào ngày 21-4.

* Ông Trần Thanh Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:
THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, GIÚP ĐỊA PHƯƠNG PHÁT TRIỂN KHCN

- Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo và Bộ KH&CN tổ chức đợt khảo sát thực tế tại Cần Thơ nhằm xây dựng đề án trình Hội nghị Trung ương lần 6 năm 2012, với nội dung phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Có thể nói, kinh tế - xã hội đất nước phát triển đều dựa vào KHCN, là nền tảng để phát triển và Cần Thơ không nằm ngoài quy luật này. Hiện nay, thu nhập bình quân trên đầu người của Cần Thơ cải thiện đáng kể (trên 2.000 USD/người/năm). TP Cần Thơ muốn phát triển hơn nữa thì việc ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực hết sức quan trọng.

Định hướng phát triển của Cần Thơ là chuyển dịch mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ và công nghệ, nhưng cần xác định sẽ phát triển ở lĩnh vực gì? Cần Thơ hiện có hơn 60% lao động sống nghề nông, nên phải định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cải tiến mẫu mã, cơ giới hóa nông nghiệp nhằm tăng năng suất lúa gạo, tăng dần tỷ lệ ứng dụng KHCN vào sản xuất để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến cơ sở hạ tầng, địa hình sông nước, chịu sự tác động của biến đổi khí hậu.

Hạn chế của Cần Thơ là tiềm lực về nhân lực, trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; năng lực KHCN chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Để phát triển KHCN cần có sự quan tâm đầu tư kinh phí cho các tổ chức khoa học, đảm bảo cơ sở có điều kiện hoạt động; khuyến khích, tận dụng nguồn nhân lực từ các trường Đại học, Viện trên địa bàn Cần Thơ, tạo điều kiện để họ cống hiến, an tâm làm việc...

* Ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch ubnd tp Cần Thơ:
PHẢI XÁC ĐỊNH TIỀM LỰC VÀ NHU CẦU KHCN ĐỊA PHƯƠNG

- Trong quá trình xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp, theo tôi, cần xác định tiềm lực phát triển và nhu cầu KHCN của thành phố, bởi hai vấn đề này có mối quan hệ với nhau. Khi KHCN thành phố không đáp ứng nhu cầu thì việc rót vốn nhiều hay ít không quan trọng. Nếu rót vốn nhiều nhưng khả năng tiêu thụ vốn của người thực hiện đề tài không tốt thì không đạt hiệu quả. Đây là thực trạng chung của ngành KHCN ở các tỉnh, thành, trong đó có Cần Thơ. Một thời gian dài, thành phố không sử dụng hết nguồn vốn KHCN.

Nhu cầu về phát triển KHCN TP Cần Thơ rất lớn, cụ thể nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng KHCN, cơ sở nghiên cứu cùng với đội ngũ cán bộ thì mới cho ra sản phẩm. Thời gian qua, vấn đề này có đầu tư nhưng chưa đạt yêu cầu, do khó khăn về vốn. Mặt khác, do tầm nhìn, kế hoạch của thành phố chưa theo sát với nhu cầu phát triển KHCN.

Bất cứ vấn đề gì cũng phải xuất phát từ thực tiễn, kể cả nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ. Trước hết, người sử dụng thành quả phải quan tâm vai trò của KHCN. Người làm công tác quản lý KHCN phải phát hiện nhu cầu từ thực tiễn để có thể hoạch định nhu cầu phát triển. Phát triển KHCN đòi hỏi cả 2 phía nhưng điều này thời gian qua chưa phát huy tốt. KHCN đòi hỏi phải có tiềm lực, mới đáp ứng được nhu cầu. Theo tôi, trước mắt tập trung đầu tư phát triển KHCN cho tuyến tỉnh, thành phố, sau đó mới đến cấp quận, huyện,nhất là cấp xã, phường.

* Ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ:
CẦN GẮN KẾT GIỮA NHÀ KHOA HỌC - VIỆN - TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP

- Từ năm 2009 đến nay, thành phố đã sử dụng hiệu quả kinh phí cấp cho đề tài nghiên cứu khoa học. Điều này cho thấy, hoạt động KHCN của TP Cần Thơ ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học tại địa phương. TP Cần Thơ có nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và đội ngũ làm công tác khoa học có trình độ, chuyên môn cao, đây là lợi thế để phát triển hoạt động KHCN. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động KHCN của thành phố chỉ tập trung ở một số lĩnh vực, chủ yếu về nông nghiệp. Sản phẩm KHCN có tăng hàng năm, nhưng chưa mang giá trị, lợi nhuận cao, chưa gắn với thực tiễn. Hoạt động KHCN chủ yếu tập trung ở viện nghiên cứu, trường học.

Nguyên nhân của những hạn chế này là do hoạt động KHCN thành phố chưa có sự gắn kết giữa các nhân tố có tiềm lực như: người làm khoa học, viện nghiên cứu, trường với doanh nghiệp. Mặc dù quỹ phát triển KHCN trong doanh nghiệp có quy định, nhưng doanh nghiệp ít quan tâm và thiếu hướng dẫn về quy định quản lý của các cơ quan Nhà nước đối với hoạt động quỹ. Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các sở, ngành liên quan chưa thống nhất về chính sách. Nguồn nhân lực trong hoạt động KHCN đang thiếu, đặc biệt cán bộ KHCN tuyến quận, huyện. Thêm vào đó, chưa có chính sách hỗ trợ cho cá nhân làm nghiên cứu, sáng kiến, sáng chế.

Để hoạt động KHCN của thành phố phát triển, đáp ứng nhu cầu xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp, hoạt động KHCN cần có bước chuyển biến hơn nữa, Trung ương cần có những chính sách, quy định thống nhất về lĩnh vực KHCN. Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường hoạt động KHCN trên nhiều lĩnh vực, thành phố tăng cường hỗ trợ đơn vị làm công tác nghiên cứu, nhà khoa học.

* Ông Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ:
ĐẦU TƯ MANG TÍNH CHẤT VÙNG ĐỂ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

- KHCN là lĩnh vực khá quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Nhất là TP Cần Thơ, trung tâm của ĐBSCL, nhưng mức đầu tư của Trung ương cho thành phố chưa tương xứng vị trí “đầu tàu” KHCN. Số lượng đơn vị thực hiện đề tài hạn chế, tập trung nhiều ở các đơn vị nhà nước, chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp. Đề án xây dựng trung tâm giống thủy sản kỹ thuật chất lượng cao tại Cần Thơ là một ví dụ để thể hiện rõ vai trò của thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Chúng tôi đã xây dựng được “trục tam giác”: Trường ĐH Cần Thơ - Viện Lúa ĐBSCL - Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, để phát triển KHCN lĩnh vực nông nghiệp.

Theo tôi, muốn KHCN thành phố phát triển cần có sự phân bổ kinh phí lớn hơn và phân quyền cho địa phương trong sử dụng kinh phí làm nghiên cứu; hoặc phân bổ kinh phí mang tính chất vùng và các đề tài thực hiện sẽ có qui mô chỉ sau đề tài cấp nhà nước, từ đó sẽ giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay của KHCN địa phương. Mặt khác, công tác xã hội hóa ở lĩnh vực KHCN chưa rõ ràng, nên ít nhiều khiến cá nhân, tổ chức chưa thật “mặn mà” tham gia nghiên cứu khoa học, trong khi đó kinh phí nghiên cứu khoa học chưa tương xứng với công sức đầu tư. Để khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu khoa học cần nghiên cứu chính sách khoán kinh phí cho đơn vị, cá nhân thực hiện đề tài. Định kỳ 6 tháng hay 1 năm thực hiện, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động này.

THẢO MỘC- BÍCH KIÊN (ghi)

Chia sẻ bài viết