 |
Sự quan tâm chăm sóc của chồng, con là phương thuốc kỳ diệu giúp chị Thúy lạc quan hơn để chống chọi với bệnh tật... |
Trong nắng tháng 4 oi ả, tôi tìm một gia đình hoàn cảnh khó khăn, có người thân bệnh nan y, theo lời hướng dẫn trên mẩu giấy nhỏ: “Xuống dốc cầu Đầu Sấu, quẹo nhánh bên trái cầu, rẽ vào khu vực 1, phường An Bình, quận Ninh Kiều, hỏi nhà anh Tuấn - chị Thúy ở gần chùa...”, cùng vài chi tiết khác về gia cảnh, kèm theo số điện thoại. Quả thật, tôi vừa dừng xe, hỏi thăm 2 phụ nữ đứng tuổi đang trò chuyện bên đường... thì được các chị nhiệt tình hướng dẫn đến tận nhà...
Nghèo nhưng hạnh phúc
Gian nhà nhỏ, bề ngang hơn 2 mét, mái lợp tôn, vừa kê đủ chiếc giường, tủ và bàn cũ kỹ... là nơi trú ngụ của gia đình anh Huỳnh Quốc Tuấn, chị Nguyễn Thị Hồng Thúy và 3 cô con gái: Bảo Ngọc (sinh viên năm thứ hai ngành Thông tin Thư viện, Trường Đại học Cần Thơ), Như Ngọc (học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng) và Thanh Ngọc (học sinh lớp 8, Trường THCS Trần Ngọc Quế) xinh đẹp, ngoan hiền. Sinh trưởng trong gia đình giáo chức ở phường An Cư, quận Ninh Kiều, có 4 chị em và anh Tuấn là con trai duy nhất. Cha mất lúc anh mới 8 tuổi, với đồng lương giáo viên, mẹ trầy trật nuôi chị em anh học hành tử tế. Vào những năm 80 thời bao cấp, gia cảnh anh Tuấn rất chật vật. Vì vậy, khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm ngành Toán - Kỹ thuật, anh Tuấn không đi dạy mà phải “rẽ” sang làm nhân viên cửa hàng ăn uống giải khát ở chợ Cần Thơ để có điều kiện phụng dưỡng mẹ. Thời gian này, anh Tuấn gặp và quen với chị Hồng Thúy, ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, phụ bán quán cơm bình dân. Ở xóm lao động nghèo, hết lớp 6, chị Thúy phải nghỉ học, đi làm thuê nhiều nghề để mưu sinh. Siêng năng, chịu khó, chị Thúy được nhiều người trong xóm thương mến vì sự tháo vát, giỏi giắn và hay giúp đỡ người khác. Nhiều người cao tuổi trong xóm còn nhắc việc chị Thúy hì hục cùng mẹ xẻ gỗ làm thớt, chở đem bán ở các chợ và tranh thủ phụ bán quán cơm kiếm thêm thu nhập giúp mẹ và thường lấy gương của chị để dạy dỗ con cái.
Năm 1990, sau thời gian tìm hiểu và yêu nhau, lễ kết hôn của anh Tuấn và chị Thúy diễn ra đơn giản nhưng ấm cúng. Anh Tuấn về ở rể nhà vợ, cùng chị Thúy cần cù làm ăn, tích lũy để vun vén gia đình, chăm lo việc học hành của các con. Với số tiền dành dụm, anh Tuấn mua chiếc xe máy cũ hành nghề xe ôm chở khách. Nhờ vui tính, hoạt bát, anh Tuấn có rất nhiều mối chở hàng nên thu nhập khá ổn định, đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình và lo việc học tập cho các con. Mấy năm liền, cứ 2 giờ sáng, anh Tuấn chở báo từ Cần Thơ đi giao ở Rạch Giá (Kiên Giang). Anh Tuấn bộc bạch: “Nhận được hợp đồng giao báo, tôi rất mừng vì có thêm tiền để lo cho vợ con. Nhiều ngày, lúc đi, lạnh thấu xương, khi về, nắng cháy da, nhưng tôi không cảm thấy mệt mỏi, phiền hà gì”. Một thời gian sau, anh Tuấn mua thêm chiếc xe máy cũ để chị Thúy nhận đưa rước con em các gia đình trong xóm đi học mỗi ngày, tích lũy thêm ngân quỹ gia đình.
Lớn lên trong gia đình thiếu thốn vật chất nhưng dư dả tình thương, 3 chị em Bảo Ngọc rất hiếu thảo với cha mẹ. Rất duyên dáng với mái tóc dài đen mượt và 2 lúm đồng tiền, Bảo Ngọc bày tỏ: “Thấy cha mẹ vất vả làm lụng kiếm tiền, chị em con thương cha mẹ lắm. Chị em con cố gắng học hành và phân công nhau đỡ đần việc nhà cho cha mẹ an tâm”. Ba chị em Bảo Ngọc đều là học sinh giỏi nhiều năm liền, được thầy cô, bạn bè quý mến.
Chống chọi với bệnh tật
Hơn 3 năm trước, đang mạnh khỏe làm ăn, chị Thúy cảm thấy cơ thể suy kiệt, tay chân yếu dần, lúc nào cũng như hụt hơi. Sau đó, chị Thúy liên tục té ngã... nhưng lại không biết đau, tay chân run rẩy, không thể cầm nắm, bấu víu... Sợ chồng con lo lắng, chị Thúy giấu bệnh tình. Đến khi bệnh nặng dần, anh Tuấn đưa chị đi khám và điều trị ở các bệnh viện tại Cần Thơ nhưng bác sĩ chẩn đoán không chính xác bệnh trạng. Cuối cùng, khi chị Thúy lâm cảnh thập tử nhất sinh, anh Tuấn tức tốc đưa chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) điều trị. Bác sĩ đã làm các xét nghiệm cần thiết và kết luận chị bị nhược cơ hô hấp. Chị Thúy phải nằm viện 20 ngày để phẫu thuật cổ họng, đặt ống bơm hơi từ ngoài vào.
Chị Thúy nằm trên giường, hơi thở mệt nhọc, nặng nề theo từng đợt hơi từ ống thở do con gái Thanh Ngọc bơm đều vào cổ họng chị. Nhẹ nhàng lau mặt, vuốt tóc chị Thúy, anh Tuấn cho biết: “Máy thở tự động rất đắt tiền, cha con tôi không còn đủ khả năng. Hơn nửa năm nay, tôi và các con phải luân phiên ngày đêm để bơm hơi; tiếp sức chăm lo việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cho Thúy. Đồng thời, mỗi ngày, tôi tranh thủ tập vật lý trị liệu cho Thúy, hy vọng vợ tôi có thể đi lại được”.
Tuy chị Thúy có thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo, bà con trong xóm đóng góp hỗ trợ thêm chi phí, nhưng tất cả tiền dành dụm bao năm qua cùng một số vật dụng giá trị trong nhà cũng đã bán để điều trị bệnh cho chị Thúy. Bảo Ngọc phải xin nghỉ học 1 năm, lo chăm sóc mẹ. Hiện nay, Bảo Ngọc đã đi học lại và nhận dạy kèm cho các học sinh cấp 1 gần nhà, kiếm tiền phụ lo chi phí học tập cho hai em. Mỗi đêm, anh Tuấn chạy hon-đa chở khách từ 12 giờ khuya đến 3 giờ sáng (kiếm được 60.000 đồng), rồi quầy quả về nhà chăm sóc chị Thúy để các con ngủ yên giấc, ngày mai tỉnh táo đến trường. Anh Tuấn bày tỏ: “Tôi không ngại khó, chỉ mong có đủ sức khỏe để làm được nhiều việc hơn nữa cho vợ con. Niềm hạnh phúc duy nhất của tôi là Thúy dần hồi phục để có thể đồng hành với tôi đến hết cuộc đời, chứng kiến sự trưởng thành của các con...”.
Suốt buổi trò chuyện, chị Thúy luôn cười tươi trước những câu nói pha trò hóm hỉnh của chồng, dường như để những người thân an tâm và cũng là tự động viên mình. Chị Thúy cười lạc quan: “Tôi hạnh phúc khi mỗi ngày được thấy chồng, con tươi cười và kể toàn chuyện vui; cảm thấy mình như được hồi sinh và ước nguyện một phép mầu để có thể sống lâu hơn bên họ...”.
Tuy chị Thúy đã qua cơn nguy hiểm nhưng sức khỏe rất yếu và luôn phải dựa vào sự chăm sóc, hỗ trợ của người thân. Chặng đường phía trước của gia đình anh Tuấn còn nhiều khó khăn và tấm lòng hảo tâm của bạn đọc gần, xa sẽ là nguồn khích lệ, động viên lớn lao để anh Tuấn vơi đi phần nào vất vả, tạo điều kiện cho 3 cô con gái được tiếp tục đến trường, hoàn thành tâm nguyện của mẹ cha.
Bài, ảnh: KỲ PHƯƠNG