14/07/2019 - 11:47

Hãy theo đuổi đam mê! 

Ðó là điều mà tôi đã được nghe rất nhiều lần từ em Kiều Văn Tuấn Cảnh, sinh viên ngành biểu diễn nhạc cụ ghi-ta, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ. Bởi với em, được học đàn ghi-ta là bước ngoặt cuộc đời.

Tuấn Cảnh ôm ghi-ta hòa tấu cùng một bạn thổi sáo.

Tôi tình cờ biết được Tuấn Cảnh qua một người bạn đang học đàn ghi-ta do Cảnh dạy. Chàng trai còm nhom, lãng tử với cây đàn ghi-ta trên vai, đạp xe đạp đến chỗ hẹn khiến tôi ấn tượng. Cảnh hiền lành, nhỏ nhẹ và lễ phép vậy nhưng trong câu chuyện em kể, tôi nhận ra nghị lực và sự quyết đoán.

Cảnh năm nay 25 tuổi, quê ở Thạnh Phú, Bến Tre, từng là sinh viên ngành Kỹ thuật cơ khí, Trường Đại học Cần Thơ. “Các bạn em vừa mới ra trường cách đây vài tuần”, tôi bất ngờ trước câu nói ấy và hỏi: “Còn em?”. Cảnh bình thản rằng, em đã nghỉ học cách đây 1 năm rưỡi. Vậy rồi em kể về khoảng thời gian học lớp 12 ở Bến Tre, băn khoăn trước dự tính tương lai, rồi nghe tên ngành “Kỹ thuật cơ khí” sao “đẹp quá”, mà học ra làm kỹ sư thì cũng hay nên em đăng ký thi. Vậy là em trở thành sinh viên khóa 41 của Trường Đại học Cần Thơ.

Nhưng rồi năm này qua tháng nọ, Tuấn Cảnh học và nhận ra ngành học này dường như không dành cho em. Em không đam mê, học “cho có”. Em bị áp lực tinh thần nặng nề trong mỗi giờ học. Vốn học lóm thổi sáo trúc, Tuấn Cảnh giải tỏa căng thẳng bằng âm nhạc. Sau đó, từ cây đàn ghi-ta của người cậu tặng, Cảnh mày mò học từ bạn bè, trên mạng và đam mê từ lúc nào không hay. Càng đàn, Cảnh lại cảm thấy mình thuộc về thế giới âm nhạc. Đêm này qua đêm nọ, Tuấn Cảnh trằn trọc nghĩ suy và rồi quyết định, dừng học ngành Kỹ thuật cơ khí để đăng ký thi tuyển vào Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ.

“Đó là điều rất khó khăn với em. Em nghĩ tới cha mẹ, nghĩ tới kỳ vọng của gia đình, nghĩ tới điều tiếng từ xóm làng… Nhưng lại nghĩ, em cần được sống với đam mê và sở trường của mình”, Tuấn Cảnh nhớ lại. Bây giờ, Cảnh nói rằng, em đã tìm lại được chính mình, cuộc sống với em thật thi vị và tràn đầy năng lượng. Cảnh đã học xong năm Nhất và đã mở một lớp dạy ghi-ta, đi dạy ghi-ta cho nhiều học viên tại nhà, biểu diễn ở các sân khấu ca nhạc. Hơn 1 năm qua, Cảnh đã có thể tự lập, kiếm được tiền phụ giúp lại gia đình. Vậy nên, Cảnh thấy rằng quyết định của mình là đúng.

Thể loại Tuấn Cảnh chọn theo đuổi là ghi-ta cổ điển. Theo em, đàn được ghi-ta không khó nhưng làm sao để có thể đọc được bản nhạc và đàn bằng cảm nhận cuộc sống mới là điều khó. Kỹ thuật trong đàn ghi-ta là điều ai cũng có thể học hỏi, trau dồi nhưng người đàn hơn nhau là ở “ý nhạc”. Nghĩa là, điều mà người đàn ghi-ta gửi gắm trong những tiếng nhạc, phím đàn truyền tải được đến người nghe, người nghe hiểu và thấu cảm với người đàn. Bây giờ, Tuấn Cảnh tự tin đã làm chủ được ghi-ta, ngoài kỹ thuật căn bản em còn luyến láy, móc nhịp, tạo âm thanh từ thùng đàn… rất điêu luyện. Trong chuyện dạy học trò, Cảnh không chấp nhận chuyện dạy một bài, nghĩa là người học thích bài hát nào thì học bài đó thôi để “đàn lấy oai”. Cảnh chỉ dạy những người học từ căn bản, đọc bản nhạc được rồi tiến dần lên.

Cảnh nâng niu từng tiếng đàn như nâng niu những điều em có được như ngày hôm nay. “Ghi-ta cho em một cuộc đời mới”, Cảnh nói vậy.

Bài, ảnh: Duy Khôi

Chia sẻ bài viết