15/11/2009 - 21:46

Hãy giúp bà Tư Lanh bớt nhọc nhằn ở tuổi xế chiều

Bà Tư Lanh và đứa cháu họ mồ côi, khờ khạo.

Ở tuổi ngoài 70 đáng lẽ người ta đã được sống an nhàn bên con cháu, nhưng bà Lê Thị Lanh (bà Tư Lanh) ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, hàng ngày vẫn phải mò cua, bắc ốc, làm cỏ mướn kiếm tiền đong gạo. Nhiều hôm, cả gạo cũng không có để mà ăn. Cảnh nhà túng bấn, bà còn phải cưu mang thêm đứa cháu mồ côi, khờ khạo...

Qua cầu Bà Bộ, quẹo vào hẻm Rạch Bà Bộ, đi tiếp khoảng 3-4km trên con đường đất, đá lởm chởm, vừa đi vừa hỏi thăm, chúng tôi mới tìm thấy nhà bà Tư Lanh. Lúc chúng tôi đến đã gần 17 giờ, bà Tư đang chuẩn bị bữa cơm chiều, còn đứa cháu đang bửa củi trước nhà. Căn nhà bằng gạch đã cũ, chỉ khoảng 20 m2, ngay tại cửa ra vào là bếp. Bếp kê trên vài cục gạch, trên bếp là cái nồi đen nhẻm, không có nắp cũng chẳng có quai, trong nồi chỉ vỏn vẹn có nước sôi và 2 quả cà chua xanh lè. Bữa tối của hai bà cháu chỉ có vậy. Bà Tư cười móm mém khoe “Của mấy bà ở chợ Cầu Ván cho đó”. Theo lời kể của những người hàng xóm, bữa cơm của hai bà cháu thường trực là cơm chan với nước mắm, bữa nào khá hơn thì có ít rau xanh do hàng xóm hoặc những tiểu thương ở chợ Cầu Ván thương tình cho, họa hoằn lắm bữa cơm mới có ít thịt hoặc cá vụn, đó là những ngày bà Tư may mắn được người ta mướn làm cỏ, hay bắt được nhiều cua, ốc.

Gạo ăn còn chạy từng bữa nên trong nhà không có đồ đạc gì có giá trị. Nhìn quanh nhà chỉ độc chiếc giường cây, cái tủ bằng tôn cũ đã xiêu vẹo, hai cái nồi, vài cái chén, một ít quần áo cũ. Bà Tư năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng cuộc đời không có ngày nào sung sướng. Từ nhỏ, bà bị dị tật bẩm sinh, lưỡi bị đớt, nói chuyện rất khó khăn, hỏi một câu, bà mất 5-7 phút mới trả lời được 1 lời, chính vì thế bà không được đến trường, chỉ quanh quẩn ở nhà làm cỏ, bắt cua, ốc. Bà lập gia đình trễ, sinh được một người con gái thì chồng bỏ đi, bà một thân một mình nuôi con khôn lớn. Người con gái lớn lên lập gia đình. Hai vợ chồng con gái bà làm thuê, ở xa lại đông con, quanh năm nghèo túng, chẳng phụ giúp gì được cho bà.

Nuôi con gái xong, những tưởng bà Tư đã rảnh rang lo cho mình, thì bà lại tiếp tục nuôi đứa cháu họ xa mồ côi. Đứa cháu lớn lên, ai cũng nghĩ là bà đã có nơi nương tựa lúc về già, nào ngờ đứa trẻ khờ khạo, ngày ngày chỉ biết quanh quẩn phụ bà làm cỏ, bửa củi, mò cua, bắt ốc. Bà càng lớn tuổi, hay bị nhức đầu, chóng mặt nên ít người mướn. Mỗi ngày làm cỏ mướn được 20.000-30.000 đồng, nếu không làm, bà lại đi mò cua, bắt ốc đem ra chợ bán kiếm tiền mua gạo ăn.

Trời nhá nhem tối, trong căn nhà nhỏ lụp xụp, mọi thứ càng tối hơn, tôi hỏi bà Tư sao không mở đèn. Bà vừa hối đứa cháu đi mua dầu lửa vừa phân trần: “Nhà không có điện, cũng may chị bán tạp hóa tốt bụng bán dầu lửa thiếu, khi nào bắt được nhiều cua, ốc bán lấy tiền thì trả”.

Ông Diệp Hoàng Cường, Trưởng khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa, cho biết: “Bà Tư rất hiền lành, nhà nghèo. Địa phương cũng cất nhà tình thương cho bà Tư (cất trên đất mượn), tặng gạo, quà... nhân các ngày lễ, Tết nhưng sự giúp đỡ cũng chỉ có hạn vì trong phường cũng còn nhiều người khó khăn. Chúng tôi mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để cuộc sống bà Tư bớt nhọc nhằn ở tuổi xế chiều”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết