26/05/2011 - 13:53

Đọc “Yêu bằng tai”

Hãy đồng cảm với những người thiệt thòi

“Yêu bằng tai” là tập truyện ngắn gồm 14 truyện của Nguyên Hương viết về những tình cảm, nỗ lực, ước mơ… của các bạn trẻ khuyết tật. Những câu chuyện cảm động về tình thầy trò, tình bạn, tình yêu được viết bằng văn phong giản dị nhưng nồng ấm quen thuộc. Sách do NXB Trẻ phát hành năm 2011.

Tên “Yêu bằng tai” nghe như tập truyện sẽ thiên về chủ đề tình yêu lãng mạn dành cho phái nữ, nhưng tình yêu nam nữ trong tập truyện rất khác biệt. Chẳng hạn như truyện “Chuyện tình yêu” đã nói về mối tình của những người khiếm thị. Tình yêu của những bạn trẻ ấy không có những phút giây hẹn hò lãng mạn. Họ không nhìn thấy nhau, nhưng cảm nhận được sự hiện hữu của nhau qua giọng nói và tình cảm chân thành. “Huy và Lan Anh lần mò bước giữa khoảng không lờ mờ đó, bằng tiếng chân giẫm lên cành khô gãy, hai đứa đã cảm nhận được sự có mặt của nhau. Giọng Huy thì thào “Lan Anh”... Tay của Lan Anh nắm chặt vạt áo”(trang 70). Hạnh phúc lứa đôi được vun vén bằng sự đồng cảm, bằng những rung động giản dị: “Chị Hậu hát nghêu ngao như chưa từng giận hờn. Tiếng hát khiến anh Thành thôi không kiếm cớ đi ra ngoài một mình nữa, còn nhịp nhịp tay cứ như mặt bàn là mặt trống... Niềm vui khó tả khi chỉ mình mình biết được bí mật của đất trời” (trang 110).

Các truyện “Tiếng chuông”, “Chạm tay vào kỷ lục thế giới”, “Tôi sẽ chọn động từ chia sẻ”, “Chạy nhanh lên Mêlusa”, “Ngày ngắn”, “Tại sao con khóc”, “Cá vàng ơi”, “Kết thúc có hậu” là những câu chuyện cảm động về tình thầy trò. Người đọc sẽ nao lòng trước một thầy giáo trẻ vốn cứng rắn, kiên quyết đã vượt qua định kiến, giúp các em khiếm thị được chơi thể thao, nhưng anh lại bật khóc khi xoa đầu gối bị thương của cậu học trò. Hay niềm vui của cô giáo trẻ giúp các em khuyết tật thực hiện ước mơ: chạm tay vào chiếc cốc khổng lồ, trưng bày trong lễ hội. Sự trăn trở của những giáo viên trước điều kiện học tập thiếu thốn của lớp khiếm thị, trước những thùng hàng trợ cấp quá hạn...

Tập truyện toát lên nghị lực của những thanh niên khuyết tật. Như trong truyện “Lo mình không có gì” - Thuận, một thanh niên bị tật ở chân, có tài đàn rất giỏi, được những người bạn giúp đỡ, Thuận học nhạc và trở thành thầy dạy nhạc hay. Một thanh niên vượt qua khó khăn, mặc cảm, ôm đàn hát: “Quanh Thuận là những em bé mù đang lắng nghe Thuận hát về một dòng sông dưng dửng cuốn trôi tất cả mọi thứ mà tất cả dòng chảy lạnh lùng của nó đi qua... Tiếng hát khiến tôi nhận ra Thuận đã cố gắng thế nào để có thể nhoẻn miệng cười” (trang 140). Ở truyện “Cửa hàng đồ chơi”, cô chủ tiệm đã giữ bí mật về đôi chân tật nguyền bằng một chỗ ngồi kín đáo. Nhưng khi thấy một cậu bé bị ám ảnh bởi bệnh tật, chán nản cuộc sống, cô đã can đảm rời khỏi chỗ ngồi, đến bên cậu bé. Sự đồng cảm trở thành sức mạnh, đưa những cuộc đời không may vượt qua ngưỡng cửa sợ hãi, để biết yêu cuộc sống của chính mình.

“Yêu bằng tai” là một tác phẩm giàu ý nghĩa, tình người và ngôn ngữ truyện giàu cảm xúc, giản dị qua từng trang viết.

Hà Dương

Chia sẻ bài viết