04/08/2017 - 09:45

Hậu quả khi dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn 

Người chết hoặc bị thương nặng; người vướng vòng lao lý, chịu sự trừng phạt của pháp luật… Đó là hậu quả đau lòng khi dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn, xung đột phát sinh trong cuộc sống. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng  an ninh trật tự địa phương, còn để lại hậu quả nặng nề đối với gia đình và xã hội.

Chỉ vì ghen tuông mù quáng, Nguyễn Thanh Đông (SN 1980, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) vướng vòng lao lý.

Năm 2009, Đông và chị Võ Thị Kim Thắm kết hôn. Sau 7 năm chung sống, vợ chồng có 2 người con, nhưng hôn nhân không hạnh phúc, thường xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau.

Chị Thắm kể: “Gia đình tôi thường xuyên lục đục vì những chuyện không đâu. Sau nhiều lần đắn đo, cân nhắc, tôi quyết định ly hôn và được Tòa án chấp thuận”.

Tưởng vụ việc kết thúc, nào ngờ bi kịch tiếp diễn.

Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, các bị cáo Tuấn Anh, Giang, Thái và Để vướng vào tù tội, chịu sự trừng trị của pháp luật.

Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, các bị cáo Tuấn Anh, Giang, Thái và Để vướng vào tù tội, chịu sự trừng trị của pháp luật.  

Tối 14-2-2017, anh Dương Văn Kháng (là bạn trai của chị Thắm), chở chị Thắm đi chơi trên quốc lộ 1A (đoạn thuộc phường Ba Láng, quận Cái Răng). Đông nhìn thấy, liền chạy xe đuổi kịp đến khu vực 1 (phường An Bình, quận Ninh Kiều). Đông kiếm chuyện gây sự và đánh nhau với anh Kháng.

Trong lúc nóng giận, Đông dùng dao đâm anh Kháng, dẫn đến tử vong. Khi nghe tiếng kêu cứu, anh Nguyễn Thái Hoàng đến can ngăn, bị Đông dùng dao gây thương tích…

 Theo nhận định của Hội đồng xét xử, chỉ vì ghen tuông mù quáng, cộng với bản chất hung hăng, bị cáo Đông dùng dao đâm chết bị hại, dù không mâu thuẫn gì. Anh Hoàng có lòng tốt chạy ra can ngăn, để giảm bớt hậu quả cho bị cáo, nhưng bị cáo đã đâm anh Hoàng.

Hành vi ấy thể hiện bản chất côn đồ, bất chấp pháp luật, trực tiếp xâm hại tính mạng và sức khỏe nhiều người...

Hội đồng xét xử - Tòa án Nhân dân (TAND) TP Cần Thơ tuyên phạt bị cáo Đông mức án tù chung thân về tội giết người; 1 năm tù về tội cố ý gây thương tích; tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là tù chung thân.

Trong cuộc sống thường nhật, không tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn. Thay vì chọn cách nói chuyện, dàn xếp ổn thỏa, một bộ phận thanh, thiếu niên có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết. Như trường hợp của các bị cáo Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Trường Giang, Đặng Trần Trường Thái và Nguyễn Hiếu Để (cùng ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt) vừa bị TAND quận Thốt Nốt xét xử về tội cố ý gây thương tích.

Vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt. Anh Lê Hoàng Anh chạy xe gắn máy cùng chiều phía trước, sang đường nhưng không phát tín hiệu, nên giữa Tuấn Anh và Hoàng Anh xảy ra cự cãi.

Sau đó, Tuấn Anh gọi điện kêu Giang lấy 2 cây dao tự chế đi “tính sổ” với Hoàng Anh. Cùng đi với Giang có Thái và Để. Hai bên xảy ra ẩu đả, dẫn đến Hoàng Anh bị thương tích, với tỷ lệ thương tật 13%...

Hội đồng xét xử nhận định: Hành vi của các bị cáo là côn đồ, nguy hiểm, xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác được pháp luật bảo vệ… Hội đồng xét xử - TAND quận Thốt Nốt tuyên phạt các bị cáo: Tuấn Anh 3 năm tù; Giang 2 năm 3 tháng tù; Thái 2 năm 6 tháng tù và Để 2 năm tù…

Để giảm thiểu tình trạng cố ý gây thương tích, theo ông Phạm Phi Hùng, Trưởng Công an xã Đông Thuận (huyện Thới Lai), mỗi người cần có ý thức tuân thủ pháp luật, học cách ứng xử bình tĩnh, có văn hóa khi phát sinh mâu thuẫn, hướng tới xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.

Ngoài ra, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng ngừa.

Bên cạnh sự vào cuộc của ngành giáo dục và các ban, ngành, đoàn thể, sự quan tâm, yêu thương, dạy bảo sát sao của các bậc cha mẹ đối với con cái là yếu tố quan trọng, thiết thực,  giúp ngăn ngừa những thói hư, tật xấu trong giới trẻ… 

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết