10/09/2012 - 20:38

Hậu kiểm doanh nghiệp còn nhiều bất cập

Lãnh đạo TP Cần Thơ luôn quan tâm đến tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn.
Ảnh: MINH HUYỀN
 

Từ năm 2008 đến nay, tác động của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong nước. Hàng chục ngàn DN phá sản, ngưng hoạt động, đình trệ sản xuất ngoài nguyên nhân yếu kém nội tại của DN, còn phải kể đến công tác hậu kiểm DN của cơ quan quản lý nhà nước còn lỏng lẻo và chưa kịp thời để có thể hỗ trợ, phân loại những DN yếu kém.

Công tác hậu kiểm thiếu chặt chẽ

Theo số liệu thống kê của các sở, ngành chức năng TP Cần Thơ, tính đến ngày 31-12-2011, TP Cần Thơ còn tồn tại 6.560 DN, trong đó DN ngoài quốc doanh là 6.483 đơn vị, 43 DN nhà nước, 34 DN vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, số DN hoạt động thực tế chỉ 4.978 đơn vị (gồm 4.912 DN ngoài quốc doanh, 43 DN nhà nước và 23 DN nước ngoài). Cộng thêm với số 232/357 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động thì tính đến cuối năm 2011, TP Cần Thơ có 5.210 DN và HTX đang hoạt động. Song, cuối tháng 8-2012, Cục Thống kê TP Cần Thơ công bố kết quả sơ bộ điều tra cơ sở kinh tế trên địa bàn thì chỉ tìm thấy 4.506 DN, HTX, số còn lại không tìm thấy, giải thể và chuyển địa phương khác...

Rõ ràng số lượng DN hoạt động kém hiệu quả, giải thể đang gia tăng trên địa bàn thành phố. Theo Cục thuế TP Cần Thơ, chỉ riêng quý I/2012, thành phố đã có 500 DN không phát sinh số thuế phải nộp và số lượng DN nợ thuế kéo dài nhiều năm đang tăng. Và con số 13,5% DN, HTX không tìm thấy, hoặc giải thể năm 2011, giải thể các tháng đầu năm 2012, chuyển đi nơi khác, đăng ký nhưng không hoạt động mà Cục Thống kê TP Cần Thơ vừa công bố cho thấy việc kiểm tra, minh bạch hóa thông tin của các DN còn nhiều bất cập. Mặc dù từ năm 2000, cơ chế tiền đăng- hậu kiểm DN sau khi đăng ký kinh doanh đã khởi động (khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ năm 1999), nhưng các công cụ đảm bảo cho sự vận hành của cơ chế này chưa được hoàn thiện. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, hậu kiểm DN sau đăng ký kinh doanh của nhiều địa phương thời gian qua. Có nhiều DN đăng ký hoạt động đa ngành nghề, một người đứng tên đăng ký thành lập nhiều DN... làm cho các cơ quan quản lý khó thực hiện hậu kiểm, hoặc DN không hợp tác, thiếu thiện chí cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Việc phân công, phân cấp trong hậu kiểm DN còn lúng túng, chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nên công tác phối hợp thiếu chặt chẽ.

Hiện nay, tiếp xúc thường xuyên với DN là cơ quan thuế, nhưng cơ quan thuế chỉ quản lý các khoản thuế chứ khó mà quản lý DN. Và con số DN phá sản, ngưng hoạt động, giải thể giữa cơ quan thuế và cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh đôi khi không trùng khớp. Tại cuộc họp về tình hình thu nợ thuế và biện pháp thu nợ thuế các tháng cuối năm vào đầu tháng 8-2012, ông Võ Kim Hoàng, Cục trưởng Cục thuế TP Cần Thơ cho rằng, bên cạnh các DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế nhà nước thì vẫn còn một số DN chưa chấp hành tốt, để nợ thuế kéo dài nhiều năm, tính đến cuối tháng 7-2012, tổng số nợ thuế còn phải thu của toàn ngành thuế là 554 tỉ đồng. Ngoài những nguyên nhân khách quan từ khó khăn chung của nền kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, chính sách thay đổi... thì có DN đã được ngành thuế nhắc nhở nhiều lần, nhưng vẫn cố tình dây dưa nợ thuế. Theo ông Hoàng, ngoài nguyên nhân từ phía DN còn do cơ chế chính sách chưa đồng bộ, nên khi thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đạt kết quả chưa cao; xử lý thiếu kiên quyết, công tác phối hợp giữa các cơ quan thuế và ngoài ngành thuế trong quản lý thu chưa đồng bộ...

Nâng chất hậu kiểm, loại bỏ DN “ma”

Hậu kiểm DN lỏng lẻo thời gian qua đã phát sinh rất nhiều hệ lụy. TP Cần Thơ có đến 8 khu công nghiệp (KCN) tập trung để mời gọi DN đến đầu tư, nhưng đến nay chỉ có KCN Thốt Nốt đang trong giai đoạn khởi công nhà máy xử lý nước thải, còn lại vẫn đang tìm nhà đầu tư! Đó là chưa kể đến tình trạng nhà đầu tư thứ cấp trong KCN vẫn chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải nội bộ, hoặc có xây dựng nhưng không vận hành. Để nhanh chóng lấp đầy diện tích đất công nghiệp, một số địa phương còn lơ là hậu kiểm DN, hoặc cho DN “nợ” báo cáo đánh giá tác động môi trường. Có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài khi đăng ký kinh doanh đã cam kết lộ trình giải ngân vốn, nhưng khi đi vào hoạt động lại trì hoãn, hoặc báo cáo lỗ để không nộp thuế. Đã có trường hợp DN vi phạm Luật Doanh nghiệp, nợ bảo hiểm xã hội của công nhân, không thành lập tổ chức công đoàn... đến khi gây hậu quả nghiêm trọng, sự việc được phát hiện thì đã vỡ lở.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, công tác hậu kiểm của nhà nước về hoạt động kinh doanh của DN sau thành lập có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài việc giám sát DN hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, hậu kiểm còn giúp DN tạo ý tưởng kinh doanh, kiểm tra chất lượng, dịch vụ mà DN cung cấp ra thị trường và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay, phần lớn công tác hậu kiểm của các địa phương chủ yếu kiểm tra sự tồn tại của DN, mà chưa hỗ trợ nhiều cho DN trong việc phát triển ý tưởng kinh doanh, mở rộng thị trường. Những bất cập trong công tác hậu kiểm được các bộ, ngành Trung ương nhìn thấy và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đổi mới quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 419/QĐ-TTg, ngày 11-4-2012) ban hành đã nêu hàng loạt các nhóm giải pháp nhằm giải quyết tình trạng lỏng lẻo trong hậu kiểm. Đề án tập trung vào mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước đối với DN sau thành lập, nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng DN vi phạm pháp luật. Song, để làm được việc này thì phân cấp quản lý phải gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và thống nhất trong hành động. Khi công tác hậu kiểm DN được thực hiện chặt chẽ sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh năng động; đồng thời loại bỏ những DN “ma” và cơ chế “xin- cho”.

Tham dự cuộc họp sơ kết điều tra cơ sở kinh tế trên địa bàn thành phố cuối tháng 8-2012, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống yêu cầu Ban Chỉ đạo cuộc điều tra cần rà soát lại các số liệu DN, HTX để báo cáo chính xác số liệu về Trung ương; đồng thời đây còn là cơ sở giúp công tác quản lý, hậu kiểm của các cơ quan chức năng thành phố sau này đạt hiệu quả cao. Biết được tình trạng hoạt động, sức khỏe của DN sẽ dễ quản lý và kịp thời phát hiện những vi phạm, cũng như có giải pháp hỗ trợ DN.

GIA BẢO- MINH HUYỀN

Lãnh đạo TP Cần Thơ luôn quan tâm đến tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn. Ảnh: MINH HUYỀN 

Chia sẻ bài viết