10/01/2022 - 08:10

“Người cha im lặng”

Hành trình tìm về nguồn cội 

“Người cha im lặng” (NXB Hội Nhà văn) là tự truyện của nữ nhà văn - nhà báo Ðoàn Bùi, người Pháp gốc Việt. Tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, đoạt giải Amerigo - Vespucci và giải Porte Dorée, được dịch giả Thuận chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Tác giả là con gái lớn trong gia đình có 5 anh chị em. Cha mẹ cô là người Việt đến Pháp học tập và định cư từ năm 1960 cho đến nay. Năm 2005, cha cô bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người, mất luôn tiếng nói. Kể từ đó, không khí gia đình bao trùm sự nặng nề và lặng lẽ. Nhiều vấn đề xảy ra khiến Ðoàn Bùi quyết định tìm hiểu về quá khứ, con người của cha, điều mà trước đây cô không hề quan tâm. Càng lần theo những manh mối, hồ sơ, cô càng phát hiện nhiều điều bất ngờ về cha mình, thậm chí biết được bí mật mà cha mẹ, dòng họ giấu kín.

Không quá nhiều tình tiết éo le hay giật gân nhưng “Người cha im lặng” lại khiến người đọc ấn tượng sâu sắc bởi cách chuyển tải vấn đề của tác giả. Ðằng sau một gia đình người Việt được xem là thành công trên đất khách khi cha là bác sĩ, mẹ là một người giỏi giang, các con đều thành đạt lại là một bi kịch khó diễn tả bằng lời. Tác giả từng bước lật mở vấn đề về những khúc mắc giữa 2 thế hệ trong gia đình, những mâu thuẫn nội tâm, những nỗi lòng của người nhập cư và tâm sự của những đứa trẻ bị kỳ thị bởi sắc tộc.

Ở đó, có một người cha cố gắng hòa mình với lối sống và văn hóa mới, nhưng luôn đau đáu về nguồn cội; có những đứa con người Việt luôn cố gắng chứng tỏ mình là người Pháp. Một thế hệ mà theo tác giả là “những đứa trẻ “chuối”: vàng bên ngoài nhưng trắng bên trong” để tránh sự chú ý, kỳ thị của bạn bè, xã hội. Nhất là khi cô tâm sự rằng mình thấy xấu hổ khi không biết nói tiếng Việt trong khi là người Việt Nam; xấu hổ khi là nhà báo viết rất nhiều đề tài về người nhập cư, về di dân của các nước nhưng lại thờ ơ và không đoái hoài gì đến nỗi lòng của cha mẹ mình. Bởi sự bất đồng về suy nghĩ, lối sống đã đẩy 2 thế hệ ngày càng cách xa nhau. Chỉ đến khi người cha không thể nói được nữa, chỉ đến khi ý nghĩ thôi thúc cô đi tìm lời giải về quá khứ của cha được thực hiện, mọi thứ mới được hóa giải…

Từ những hồ sơ lưu trữ ở Pháp đến những chuyến đi về Việt Nam gặp gỡ người thân, họ hàng; những cuộc tiếp xúc với bạn bè của cha, những bức email… tác giả đã khám phá ra nhiều bí mật về gia tộc, con người và suy nghĩ của cha. Ðặc biệt là tìm được anh chị em cùng cha khác mẹ với mình. Cứ ngỡ như mọi thứ sẽ “bùng nổ” bởi bí mật được che giấu suốt mấy chục năm, nhưng cuối cùng, chị em cô lại chọn cách cư xử văn minh, tiếp nhận thêm người thân một cách nhẹ nhàng, yên bình. Bởi cô nhận ra, khoảng cách giữa con cái và cha mẹ đã được lấp đầy khi họ hiểu về nhau, cảm thông cho nhau.

Riêng Ðoàn Bùi, cô quyết định làm một việc ý nghĩa: đưa cha mẹ và con cái của cô cùng trở về Việt Nam để thăm lại quê hương xứ sở. Nụ cười và niềm vui của họ cùng sự háo hức của những đứa trẻ đã khiến chuyến đi ấy như một liều thuốc làm lành với quá khứ và làm cầu nối tương lai cho thế hệ sau của cô. Hành trình tìm về nguồn cội của cô và gia đình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết