17/03/2024 - 07:14

Hạnh phúc là một thói quen? 

Theo nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Higher Education, hạnh phúc thực sự là điều có thể học được, bằng cách áp dụng những thói quen đã được chứng minh giúp mang lại sự khỏe mạnh và hạnh phúc - bao gồm thể hiện lòng biết ơn, tập thể dục, thiền và viết nhật ký, nhưng quan trọng là phải duy trì chúng trong thời gian dài.

Phát hiện nói trên được các chuyên gia đưa ra sau khi tập trung nghiên cứu hiệu quả của khóa học “Khoa học về Hạnh phúc” tại Đại học Bristol (Anh). 

Được mở vào năm 2018, Khóa học “Khoa học Hạnh phúc” (Science of Happiness) của Đại học Bristol lấy cảm hứng từ một khóa học thành công trước đó của Đại học Yale (Mỹ) có tên “Tâm lý học và Cuộc sống tốt đẹp” (Psychology and the Good Life) - được thiết kế để nâng cao sức khỏe tâm thần thông qua lăng kính nghiên cứu khoa học. Khóa học “Khoa học Hạnh phúc” tập trung truyền đạt cho sinh viên kiến thức mà các nghiên cứu về tâm lý học và thần kinh học đã đúc kết về “bản chất của hạnh phúc”. 

Bày tỏ lòng biết ơn là một trong những thói quen giúp nâng cao mức độ hạnh phúc. Ảnh: Loversify

Với nội dung học tập đa dạng - từ các yếu tố sinh học và môi trường quyết định hạnh phúc cho đến lời khuyên thiết thực về việc nuôi dưỡng sức khỏe tâm thần, khóa học “Khoa học Hạnh phúc” còn khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động được chứng minh có tác dụng cải thiện sự hạnh phúc, còn gọi là “bí quyết hạnh phúc”. Đó là bày tỏ lòng biết ơn, thiền, vận động thể chất thường xuyên, viết nhật ký hoặc làm việc tốt. Cách tiếp cận này không chỉ nhằm mục đích giáo dục, mà còn trang bị cho sinh viên những công cụ để họ chủ động nâng cao sức khỏe tâm thần của mình.

“Phần lớn những gì chúng tôi dạy xoay quanh các biện pháp can thiệp tâm lý tích cực giúp bạn chuyển sự chú ý ra khỏi bản thân bằng cách giúp đỡ người khác, ở bên bạn bè, bày tỏ lòng biết ơn hoặc thiền định. Vô số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thoát khỏi sự chú ý vào bản thân cũng giúp chúng ta thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực - vốn có thể là nền tảng của rất nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần” - Giáo sư tâm lý học Bruce Hood, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích. 

“Bí quyết hạnh phúc” phải được thực hành thường xuyên

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng các khóa học giáo dục tâm lý có thể nâng cao sức khỏe tâm thần trong thời gian ngắn, nhưng không rõ điều đó có tồn tại lâu dài hay không. Vì vậy, trong nghiên cứu mới, các chuyên gia muốn tìm hiểu xem liệu một chương trình giáo dục như khóa học “Khoa học Hạnh phúc” có thể mang lại một phương pháp cải thiện sức khỏe tâm thần bền vững hay không. Cụ thể, họ thu thập dữ liệu từ những sinh viên đã tham gia khóa học này và tiến hành thêm một số khảo sát theo dõi dài hạn, trong khoảng 12-29 tháng sau khi khóa học kết thúc.

Để đánh giá mức độ hạnh phúc của sinh viên, nhóm nghiên cứu sử dụng một số công cụ hiệu quả và đáng tin cậy. Trong đó, Thang đo sức khỏe tâm thần Warwick-Edinburgh - được dùng để đánh giá sức khỏe tâm thần nói chung, Bảng câu hỏi sàng lọc rối loạn lo âu (GAD-7) dùng đánh giá chứng lo âu và Thang đo mức độ cô đơn của Đại học California-Los Angeles (UCLA Loneliness Scale 3-item version). 

Kết quả phân tích ban đầu cho thấy, những sinh viên tham gia khóa học đã cải thiện đáng kể mức độ hạnh phúc nói chung, khi điểm số của họ theo Thang đo Warwick-Edinburgh tăng từ 10-15%. Điều đó chứng tỏ khóa học có hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao sức khỏe tâm thần trong thời gian ngắn. Nghiên cứu ghi nhận có 50,67% sinh viên vẫn duy trì thực hiện ít nhất một trong các phương pháp nâng cao hạnh phúc được giới thiệu trong khóa học - như bày tỏ lòng biết ơn, thiền, vận động thể chất thường xuyên, viết nhật ký hoặc làm việc tốt - mỗi ngày. Trong đó, bày tỏ lòng biết ơn là thói quen được thực hành thường xuyên nhất.

Đáng chú ý, khoảng 29 tháng sau khi khóa học “Khoa học Hạnh phúc” kết thúc, nhóm nghiên cứu đánh giá lại và phát hiện tác dụng cải thiện mức độ hạnh phúc không kéo dài đối với tất cả người tham gia. Theo đó, chỉ những sinh viên tiếp tục thực hành các “bí quyết hạnh phúc” mới có thể duy trì mức độ cải thiện hạnh phúc trong thời gian dài.

Giáo sư Bruce Hood của Đại học Bristol nhận định nghiên cứu mới cho thấy rằng tham gia một khóa học - dù là ở phòng tập thể dục, một khóa thiền hay một khóa học về hạnh phúc - chỉ là bước khởi đầu để nâng cao mức độ hạnh phúc. “Để duy trì điều đó, bạn phải cam kết thực hành những gì bạn đã học được một cách thường xuyên và dài lâu” - Giáo sư Hood kết luận.

AN NHIÊN (Theo PsyPost.com)

Chia sẻ bài viết