16/03/2019 - 17:20

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hành động thiết thực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh là điều kiện quan trọng để đảm bảo sức hút và sự phát triển của nền kinh tế. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) chính là hành động thiết thực để thúc đẩy tiêu dùng. Từ đó đẩy mạnh sản xuất và phát triển kinh tế, đồng thời sẽ mang lại uy tín cho doanh nghiệp...

Thời gian qua, các ngành chức năng thành phố tăng cường phối hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: T. TRINH

Thời gian qua, các ngành chức năng thành phố tăng cường phối hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: T. TRINH

Tạo lập hành lang pháp lý

Thời gian qua, với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và những nỗ lực của các bên cùng chung tay bảo vệ quyền lợi NTD trên cả nước. Cụ thể, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của NTD, cũng như trách nhiệm của các bên liên quan trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi NTD. Tháng 7-2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1035/QĐ-TTg công nhận ngày 15-3 hằng năm là Ngày Quyền của NTD Việt Nam. Những năm qua, Bộ Công Thương phối hợp cùng UBND các tỉnh, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, cho biết: Tiếp nối các nỗ lực đã thực hiện, những ngày đầu năm 2019, công tác bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam đã đạt được một số kết quả. Trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả thực thi các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD. Cụ thể, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22-1-2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của NTD, nhấn mạnh nội dung: Bảo vệ quyền lợi NTD là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3793/QĐ-BCT ngày 12-10-2018 phê duyệt Kế hoạch xây dựng và triển khai Đề án Tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, triển khai thực hiện hai đề án, bao gồm: Đề án Xây dựng Tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD và Đề án Chương trình doanh nghiệp vì NTD. Cùng với đó, trong năm 2018 vừa qua, công tác bảo vệ quyền lợi NTD cũng ghi nhận một số kết quả tích cực, khi thành lập thêm 3 Hội Bảo vệ NTD Việt Nam, nâng tổng số các Hội Bảo vệ NTD trên cả nước lên 57 Hội.

Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, TP Cần Thơ đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức nỗ lực và tăng cường đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam, công tác bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn thành phố đã được các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai đồng bộ bằng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, gần gũi với NTD và doanh nghiệp. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền NTD, công tác tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết khiếu nại được tổ chức thường xuyên. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ của NTD, cũng như ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đối với việc bảo vệ quyền lợi của NTD.

Ông Lê Trung Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ Quyền lợi NTD TP Cần Thơ, cho biết: Hội Bảo vệ Quyền lợi NTD TP Cần Thơ thành lập từ năm 2011. Đến nay, Hội đã tiếp nhận tổng số 61 vụ khiếu nại với tổng giá trị hàng hóa hơn 3,7 tỉ đồng. Trong đó: 50 vụ hòa giải thành, 11 vụ chuyển các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh bị khiếu nại. Các vụ khiếu nại chủ yếu là chất lượng sản phẩm, giá cả, hàng giao không đúng chất lượng…

Trách nhiệm của toàn xã hội

Theo các ngành chức năng, công tác bảo vệ quyền lợi NTD vẫn tồn tại một số hạn chế như: nhận thức của các bên về bảo vệ quyền lợi NTD chưa đầy đủ; nguồn lực để thực hiện bảo vệ quyền lợi NTD còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tâm lý người dân còn e ngại khiếu nại khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo; các hành vi, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp. Ngoài ra với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử hiện nay, một số doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng kinh doanh những sản phẩm không đảm bảo chất lượng hàng hóa, quảng cáo sai sự thật... gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xác minh, xử lý.

Trước thực trạng trên, để công tác bảo vệ quyền lợi NTD hiệu quả cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Ông Hồ Tùng Bách, Phó Phòng Bảo vệ NTD, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD nhấn mạnh: Theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin sản phẩm một cách đầy đủ, chính xác, công khai tránh “mập mờ” gây hiểu lầm cho NTD. Cùng với đó, có trách nhiệm bảo hành sản phẩm; tiếp nhận, thương lượng khi NTD cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm…

Theo ông Lư Hớn Kia, Giám đốc Công ty TNHH Hakia, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp làm ăn chân chính kịp thời xử lý vụ việc bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Mặt khác, tuyên truyền rộng rãi hơn nữa cho NTD biết để phân biệt hàng thật hàng giả, phối hợp cơ quan chức năng ngăn chặn hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NTD.

Ông Lê Chánh Đạo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối tài chính và hỗ trợ Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, cho rằng: Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, NTD nên tìm hiểu, nắm vững pháp luật về quyền lợi của mình. Đồng thời, nâng cao kiến thức tiêu dùng để bảo vệ an toàn cho chính mình, cộng đồng và xã hội. NTD cần hợp tác, bày tỏ thái độ xây dựng góp ý doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho cả đôi bên: doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm, NTD mua được sản phẩm chất lượng…

Năm 2019, Bộ Công Thương quyết định lựa chọn chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, chia sẻ: Thông qua chủ đề này, một lần nữa, Bộ Công Thương nhấn mạnh và cam kết mạnh mẽ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, tiêu dùng thuận lợi và bền vững. Đồng thời, thông qua việc triển khai Đề án Chương trình doanh nghiệp vì NTD, Bộ Công Thương sẽ có những ghi nhận xứng đáng đối với những doanh nghiệp có hoạt động xuất sắc trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD.

 

T. TRINH

Chia sẻ bài viết