04/10/2009 - 21:03

Đồng bằng sông Cửu Long

Hàng Việt về làng

Đưa hàng Việt về nông thôn ở
Vĩnh Long.

Những phiên chợ hàng Việt về vùng nông thôn nghèo ở miền Tây chỉ vỏn vẹn trong hai ngày, nhưng thật bất ngờ trước sự đón nhận nồng nhiệt của người tiêu dùng. Tại chợ, nhà sản xuất đã nhận diện cận cảnh hàng Việt mạnh yếu ra sao trên thị trường nội địa và đâu là những khoảng trống...?

TÍN HIỆU MỚI

Nhiều doanh nghiệp (DN) nhìn nhận, sức tiêu dùng chiếm 70% thuộc về thị trường nông thôn rộng lớn. Song hiện thời còn bỏ ngỏ, thế nên hàng kém chất lượng, hàng không nhãn mác, hàng ngoại giá rẻ vẫn len lỏi theo những ghe hàng hay chợ xa ở những vùng nông thôn. Ở đó hệ thống kênh phân phối hàng Việt chưa vươn tới hoặc có khi hàng Việt mải lo tập trung nhắm vào thị trường xuất khẩu mà chưa thật sự chú trọng thị trường nông thôn. Mặt khác, hàng Việt không phải không có khiếm khuyết nội tại của một số nhà sản xuất, thái độ chủ quan chưa khắc phục hoặc chậm chạp trong việc chuyển đổi phương thức cạnh tranh để ứng phó trước làn sóng hàng giá rẻ, hàng kém phẩm ùa về làm mưa làm gió, móc túi người dân miền quê.

Bằng một cách tiếp cận với người tiêu dùng, đến tận vùng nông thôn xa thay vì những hội chợ lớn ở thành phố nông dân không có điều kiện tới được - phiên chợ 2 ngày cuối tuần vừa qua tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, là chuỗi những phiên chợ cổ vũ cho hàng Việt. Có 44 DN chở hàng về tới tận nơi. Kết quả, sức hút phiên chợ bất ngờ với 12.000 lượt người đến mua hàng, tổng doanh số đạt 860 triệu đồng. Cách tổ chức chợ phiên bắt đầu thu hút sự chú ý của người dân với hàng Việt, đội ngũ DN tham gia theo chợ phiên ngày càng đông thêm.

Từ hồi đầu tháng 6-2009, bước thăm dò đầu tiên là phiên chợ ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang). Từ sáng sớm cả đoàn xe tải 13 chiếc của 13 doanh nghiệp đã chọn điểm bán hàng gần chợ xã, bày hàng ngay xuống một bãi đất trống. Đơn giản chỉ có vậy, nhưng qua thông tin từ vài hôm trước trên loa truyền thanh xã, người dân kéo đến xem chọn hàng như đi hội. Chủ yếu là hàng tiêu dùng thường ngày đủ loại, từ nước rửa chén Mỹ Hảo, nồi nhôm Inox Kim Hằng, nhựa Duy Tân, mũ bảo hiểm Chí Thành Việt Nam, trứng gà sạch Ba Huân, Dược Hậu Giang, Traphaco, hệ thống siêu thị Vinatex... toàn là những thương hiệu hàng Việt mà người tiêu dùng quen thuộc.

Giám đốc một DN trực tiếp sản xuất và mang hàng bán theo chợ phiên cho rằng, khoan nói tới lời lãi, vì mục đích DN là muốn khảo sát thăm dò, nhận diện lại nhu cầu tiêu dùng ở vùng nông thôn. DN trực tiếp trao đổi với người tiêu dùng, tìm hiểu đâu là trở ngại lớn nhất mà hàng Việt chưa tới được miền quê. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao, nói: “Hàng Việt về nông thôn là chương trình xúc tiến hàng Việt về thị trường nội địa. Hàng chính hãng sản xuất giới thiệu về nông thôn. Thông qua chợ phiên là sự kết nối giữa nhà sản xuất với nhà phân phối và người bán lẻ địa phương. Làm sao sau phiên chợ, nhà sản xuất sẽ thiết lập được kênh phân phối lâu dài”.

CỔ SÚY HÀNG VIỆT

Miền Tây được xem là lãnh địa của một vùng sản xuất nông thủy sản hàng hóa lớn nhất nước. Thực tế cho đến bây giờ đa số hàng nông sản, thủy sản nội vùng dù là hàng tươi sống hay qua chế biến vẫn chiếm lĩnh thị trường “sân nhà” và chưa hề có chuyện hàng ngoại nhập cùng loại lấn sân. Còn hàng tiêu dùng, công nghệ thực phẩm chủ yếu từ TP Hồ Chí Minh đưa về. Tuy nhiên, gần đây xu hướng tiêu dùng đang manh nha có sự thay đổi từ các đô thị lớn trong vùng. Sức mua hàng thực phẩm chế biến chất lượng cao của một số DN trong nước, từng là hàng xuất khẩu sang nhiều nước và gần đây đưa vào siêu thị trong nước như các loại rau quả đóng hộp: chôm chôm, khóm (dứa), nước cốt dừa, nấm rơm, bắp non... Sản phẩm loại nào cũng bán được, nhà hàng - khách sạn tiêu thụ mạnh nhất, vì đáp ứng yêu cầu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lợi thế thực phẩm chế biến thương hiệu Việt được sản xuất từ nguyên liệu tươi ngon nên không ngại cạnh tranh trước làn sóng hàng cùng loại sản xuất từ Trung Quốc bán sang. Dù vậy, bắt đầu có những lời khuyên của giới chuyên gia thị trường, không thể tự mãn trước dấu hiệu cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản thực phẩm từ nước láng giềng mạnh về công nghệ chế biến là Thái Lan.

Chị Lê Kim Loan, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Miền Tây (West Food) tại Cần Thơ, nhận xét: “Nhiều năm qua hàng thực phẩm chế biến đóng hộp West Food chủ yếu nhắm vào thị trường xuất khẩu và chưa mấy chú trọng tới thị trường nội địa. Nhưng bắt đầu từ đầu năm 2009 đến nay, khi quay về thiết lập kênh phân phối để phát triển thị trường nội địa, chúng tôi nhận thấy hàng Việt hoàn toàn đủ sức tạo niềm tin với người tiêu dùng về chất lượng ngon, đảm bảo đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, khi đời sống người dân tăng lên, hàng thực phẩm chế biến đóng hộp bắt đầu bán chạy như: bắp hạt, bắp non, trái cây cocktail, nước cốt dừa... Nhưng cũng phải thừa nhận hàng thực phẩm rau quả chế biến của Thái Lan đang là đối thủ cạnh tranh thật sự”.

Chị Loan phân tích, rau quả nhiệt đới và những giống cây bản địa của nước ta và Thái Lan có những điểm tương đồng và lợi thế mỗi bên khác nhau. Song, thực phẩm đóng hộp Thái Lan hơn ta là nhờ có vùng nguyên liệu rộng lớn, giá thành rẻ. Khách hàng nước ngoài thích trái cây nước ta do có những giống ngon độc đáo riêng biệt, chất lượng tự nhiên và giống không biến đổi gien. Còn mặt yếu của ta là khi đã có giống ngon, song năng suất thấp và chưa có vùng nguyên liệu ổn định với diện tích lớn. Mặt khác, khi tiếp cận thị trường nội địa mới nhận ra DN còn đơn lẻ, có một số DN âm thầm đi mở thị trường, trong đó có West Food.

Một cuộc hành trình rầm rộ đưa hàng Việt về làng, quảng bá cổ súy phong trào “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” rõ ràng đang rất cần có một sự hiệu triệu từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Như qua khảo sát thăm dò thị trường ở vùng ven biển, hải đảo nước ta, hàng rau quả chế biến đang có nhu cầu lớn và West Food dù khả năng đáp ứng chất lượng tốt, bán giá phù hợp vẫn cảm nhận sự đơn lẻ...

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Đưa hàng Việt về nông thôn ở Vĩnh Long.

Chia sẻ bài viết