15/08/2010 - 09:06

CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TP CẦN THƠ:

Hăng hái thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo

Hưởng ứng phong trào thi đua lao động giỏi, đội ngũ công nhân lao động Công ty cổ phần May Tây Đô nỗ lực thực hiện nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động.

5 năm qua, các cấp công đoàn TP Cần Thơ luôn phối hợp với chính quyền cùng cấp vận động công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đẩy mạnh các phong trào thi đua, nổi bật là phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Qua đó, CNVCLĐ thành phố đã nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân; năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất làm lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp hàng chục tỉ đồng, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

Thi đua lao động giỏi

Ngày đầu tuần, công việc tại Kho bạc Nhà nước Cần Thơ luôn khẩn trương, tất bật. Tại sảnh giao dịch, các cán bộ, công chức (CBCC) người kiểm tiền cho khách, người viết biên lai nhận tiền, người hướng dẫn cho khách ký tên vào biên lai thu tiền... Dù vất vả nhưng CBCC Kho bạc luôn vui vẻ, tận tình phục vụ nhân dân.

Bà Ngô Thị Tố Huờn, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, nói: “Nhiều năm qua, CĐCS và Ban Giám đốc phát động mạnh mẽ phong trào thi đua lao động giỏi (LĐG), đồng thời tập trung thực hiện Cuộc vận động xây dựng người CBCC, viên chức “Trung thành - Sáng tạo - Tận tụy - Gương mẫu” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, từng tập thể, cá nhân đã có ý thức phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Tiêu biểu như chị Nguyễn Hoàng Đoan Trang, cán bộ thu ngân sách Phòng Kế toán, luôn tận tụy trong công việc, niềm nở trong giao tiếp, tận tình giải thích những vấn đề công dân đến liên hệ công tác chưa hiểu rõ. Hai năm qua, chị luôn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Công đoàn Viên chức thành phố chọn tuyên dương điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Có thể nói, nhờ đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, đội CBCC, viên chức ngày càng nỗ lực hơn trong công tác, sửa đổi tác phong làm việc. Qua đó, hàng năm, 100% CBCC, viên chức Kho bạc hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có trên 80% CBCC đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở của ngành, nhiều tập thể được Bộ Tài chính, UBND thành phố tặng nhiều Bằng khen.

Không chỉ CBCC Kho bạc Nhà nước, thời gian qua, CBCC các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp luôn đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua LĐG. Ông Nguyễn Văn Sanh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Cần Thơ, cho biết: Hàng năm, các cấp công đoàn thành phố đều phối hợp với chính quyền cùng cấp xây dựng kế hoạch cụ thể để vận động CNVCLĐ thành phố thực hiện phong trào thi đua LĐG gắn với thực hiện các cuộc vận động lớn của Đảng, nhà nước và công đoàn phát động. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương CNVCLĐ tận tụy, nhiệt tình trong công việc. Bác sĩ Nguyễn Văn Nhã, CB Khoa khám bệnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, là một trong những điển hình về tinh thần tận tụy trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Với nhiệm vụ khám và điều trị cho những bệnh nhân bị bệnh lao, trong đó có cả những bệnh nhân bị lao do nhiễm HIV, khả năng lây nhiễm cao, nhưng anh luôn gần gũi, chăm sóc đồng thời tư vấn, động viên tinh thần để người bệnh lạc quan, phối hợp tốt các y bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh. Chính vì thế, hàng tuần, trong cuộc họp hội đồng bệnh nhân, anh Nhã luôn được các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân biểu dương, khen ngợi về thái độ, tinh thần phục vụ. Hàng năm, anh luôn đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Sở Y tế khen thưởng. Riêng năm 2009 anh được Sở Y tế tuyên dương thành tích tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của ngành.

Phong trào thi đua LĐG còn lan tỏa rộng rãi trong công nhân lao động (CNLĐ)ở các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ông Huỳnh Việt Quang, Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty May Xuất khẩu Việt Thành, cho biết: “Ban Chấp hành Công đoàn (BCH CĐ) đề xuất Ban Giám đốc Công ty đề ra mức thưởng đối với từng chuyền may và CNLĐ vượt định mức. Nhờ vậy, từng tập thể và CNLĐ của công ty đã tự giác thi đua LĐG, phấn đấu tăng năng suất lao động”. Chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân của công ty, phấn khởi nói: “Trước đây, mức lương bình quân mỗi tháng của chúng tôi chỉ khoảng 1,7 triệu đồng. Ba năm qua, Công ty phát động phong trào thi đua LĐG, có chính sách khen thưởng, tạo động lực giúp tôi làm việc hăng say, nhiệt tình hơn. Từ đó, mỗi tháng thu nhập từ tiền lương và thưởng của tôi được từ 3 - 4 triệu đồng”. Ở Công ty cổ phần May Tây Đô, Ban Giám đốc và BCHCĐ Công ty thường xuyên phát động phong trào thi đua LĐG để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Để động viên CNLĐ tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, Ban Giám đốc Công ty đề ra các mức khen thưởng: Hàng tháng, mỗi CNLĐ có tiền lương khoán vượt trên 1,3 triệu đồng được thưởng thêm 10% tiền lương tháng đó; những CNLĐ làm việc đủ ngày công lao động trong tháng được thưởng thêm mỗi ngày 8 ngàn đồng; mỗi tổ sản xuất có doanh thu vượt mức khoán trong tháng được thưởng 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, BCH CĐ cũng đề nghị Ban Giám đốc phê duyệt các mức thưởng “dài hơi” như: Thưởng xe máy cho tổ trưởng nào lãnh đạo tổ đạt doanh thu cao nhất và công nhân nào có mức lương cao nhất trong năm; thưởng ti vi Sony 21 in cho các tổ trưởng lãnh đạo tổ đạt doanh thu cao thứ hai và công nhân có mức lương cao thứ hai trong năm và nhiều giải thưởng có giá trị khác. Những chính sách khen thưởng này thực sự là một luồng sinh khí mới, động viên tinh thần CNLĐ thi đua LĐG. Theo thống kê của LĐLĐ thành phố, thời gian qua, nhờ đẩy mạnh phong trào thi đua LĐG, nên hàng năm, hầu hết CNVCLĐ thành phố hoàn thành nhiệm vụ, trong đó trên 70% đạt danh hiệu lao động tiên tiến, 25% đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; hàng trăm CNVCLĐ được các cơ quan Trung ương và UBND, LĐLĐ thành phố tặng bằng khen.

Thi đua lao động sáng tạo

Cùng với thi đua LĐG, CNVCLĐ TP Cần Thơ cũng đã tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua LĐST. Theo ông Nguyễn Văn Sanh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Cần Thơ: “Hàng năm các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền cùng cấp phát động phong trào thi đua LĐST nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh và phục vụ nhân dân của các cơ quan, doanh nghiệp, đồng thời lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, địa phương. Trên cơ sở đó, các cơ quan, doanh nghiệp đã không chỉ phát động mà còn đề ra chính sách khen thưởng cụ thể để khuyến khích CNVCLĐ hưởng ứng phong trào này”.

Theo thống kê của LĐLĐ TP Cần Thơ, 5 năm qua, CNVCLĐ trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp đã thực hiện được 1.786 đề tài nghiên cứu mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như chị Lê Ngọc Diện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ, từ năm 2005 đến nay, thực hiện phong trào thi đua LĐST, chị đã nghiên cứu thực hiện thành công nhiều đề tài khoa học có giá trị giúp nông dân áp dụng đúng KHKT mang lại hiệu quả trong nuôi cá, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần đưa ngành thủy sản ở Cần Thơ phát triển. Tiêu biểu như công trình nghiên cứu “Quy trình ương giống và nuôi thương phẩm cá thác lác” giúp nông dân giảm chi phí nuôi cá thác lác 53,5 triệu đồng/ ha. Công trình nghiên cứu “Hướng dẫn quy trình nuôi cá tra áp dụng tiến bộ KHKT, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh, không gây ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm”, giúp nông dân giảm chi phí sử dụng thuốc, hóa chất trong phòng trị bệnh, tiết kiệm được từ 80-150 triệu đồng/ ha. Hoặc như công trình nghiên cứu “Nâng cao khả năng cạnh tranh trong phát triển xuất khẩu thủy sản bằng thực hiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế HACCP và SQF 1000-2000CM” đã giúp nông dân kiểm soát chặt chẽ trong quá trình nuôi cá, tiết kiệm được chi phí sản xuất, tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chuẩn để cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu... Với thành tích trong phong trào thi đua LĐST, 5 năm qua, chị Lê Ngọc Diện vinh dự được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng 3 Bằng và Huy hiệu “Lao động Sáng tạo”. Trên lĩnh vực ngành y tế, nhiều bác sĩ cũng đã nỗ lực nghiên cứu các đề tài khoa học, góp phần đẩy mạnh hiệu quả trong công tác điều trị bệnh cho bệnh nhân. Cụ thể như Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ học tai biến mạch máu não tại TP Cần Thơ” đã giúp ngăn ngừa và hạn chế tai biến, giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng với đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ, nguyên nhân, điều trị viêm phổi cấp tính ở trẻ em 0-3 tuổi tại TP Cần Thơ” đã mang lại sức khỏe cho trẻ em, nâng cao kiến thức phòng chống bệnh ở trẻ em...

Ở khối sản xuất kinh doanh, CNVCLĐ cũng tích cực thực hiện phong trào thi đua LĐST trong việc nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm và sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất. 5 năm qua, CNVCLĐ khối sản xuất kinh doanh của thành phố đã thực hiện 345 công trình, sản phẩm mới và phần việc thi đua và 966 sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho nhà nước và doanh nghiệp hàng chục tỉ đồng. Anh La Phước Lợi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ là người có nhiều công trình LĐST mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Sản phẩm “Patê, chả lụa, giò sống đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm” của anh là một kết quả LĐST tiêu biểu. Anh La Phước Lợi, kể: “Phần lớn Patê, chả lụa, giò sống bán bên ngoài thường sử dụng chất hàn the để bảo quản, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng cho sức khỏe của người tiêu dùng. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2006 tôi đã nghiên cứu để tìm ra chất thay thế hàn the trong chế biến các sản phẩm này. Qua thời gian gần 1 năm tìm tòi nghiên cứu, tôi đã tìm ra các chất phụ gia khác thay thế chất hàn the trong chế biến hàng Patê, chả lụa và giò sống, thịt xay. Đây là các chất phụ gia được Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore sử dụng trong chế biến các sản phẩm từ thịt đã hơn chục năm nay và là chất được các chuyên gia ngành thực phẩm các trường đại học Việt Nam khuyên dùng”. Năm 2008, anh Lợi còn nghiên cứu sáng kiến công trình hệ thống giết mổ gia súc treo, làm lợi cho công ty trên 100 triệu đồng. Ở các đơn vị, ngày càng xuất hiện nhiều tập thể CNVCLĐ xuất sắc trong phong trào LĐST. Tiêu biểu như Phân xưởng Cơ điện Công ty cổ phần Sadico Cần Thơ với “Sáng kiến chế tạo máy tái chế mới theo công nghệ tiên tiến” đã tiết kiệm 600 triệu đồng so với chi phí mua máy mới và “Sáng kiến cải tạo máy tạo ống thành máy cắt kinh tế” đã tiết kiệm được hơn 2 tỉ đồng. Tập thể Phòng Thử nghiệm Công ty cổ phần Xi măng Tây Đô đã nghiên cứu đưa vào sử dụng chất trợ nghiền BAC-S thay thế cho chất trợ nghiền BAC, tiết kiệm chi phí sản xuất cho công ty mỗi năm hơn 2,6 tỉ đồng...

* * *

Với những kết quả đạt được từ phong trào thi đua LĐG, LĐST đã đưa đội ngũ CNVCLĐ thành phố ngày càng trưởng thành, năng động, sáng tạo, biết vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, công nghệ đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết