28/10/2020 - 07:11

Quận Ninh Kiều

Hạn chế, khắc phục hậu quả triều cường 

Đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch (từ ngày 18 đến 22-10-2020), mực nước lên cao ở mức từ 2,03-2,17m (vượt báo động III từ 0,03m đến 0,17m), gây ngập lụt đường phố, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại, kinh doanh, buôn bán của người dân trên địa bàn quận trung tâm TP Cần Thơ. Để hạn chế tình trạng ngập lụt, quận Ninh Kiều đã huy động lực lượng ứng phó, tập trung thực hiện nhiều biện pháp hạn chế tác hại của triều cường...

Triều cường lên cao

Lãnh đạo TP Cần Thơ và quận Ninh Kiều kiểm tra việc triển khai rào chắn, cảnh báo khu vực nguy hiểm tại hồ Búng Xáng trước khi triều cường đầu tháng 9 âm lịch lên cao.

Lãnh đạo TP Cần Thơ và quận Ninh Kiều kiểm tra việc triển khai rào chắn, cảnh báo khu vực nguy hiểm tại hồ Búng Xáng trước khi triều cường đầu tháng 9 âm lịch lên cao.

Những ngày triều cường dâng cao, từ 18 đến 22-10-2020, lực lượng cảnh sát giao thông, công an các phường, Công an quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ và lực lượng cứu hộ là đoàn viên thanh niên, dân phòng túc trực trên đường phố, dầm mưa, lội nước hướng dẫn giao thông, cứu hộ người dân và phương tiện giao thông chết máy do ngập nước… Ông Trần Văn Sĩ, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, cho biết: “Đường Mậu Thân năm nào cũng ngập sâu trong nước triều cường, mọi người  tìm mọi cách ngăn chặn không cho nước chảy tràn vào nhà. Người dân lưu thông trên đường Mậu Thân ở đoạn ngập sâu ướt sũng cả người, xe bị chết máy do nước. Lực lượng cứu hộ phải hỗ trợ người và xe đến nơi cao ráo, lau khô, sửa chữa cho xe hoạt động trở lại. Việc làm này là  hình ảnh đẹp của lực lượng cứu hộ, làm cho người dân càng thêm mến phục…”.   

Theo UBND quận Ninh Kiều, đợt triều cường vừa qua, quận Ninh Kiều có trên 100 tuyến đường giao thông (chưa kể các tuyến đường trong khu dân cư) đều bị ngập nước. Trong đó có 61 tuyến đường chính bị ngập sâu từ 0,4m trở lên, như: các tuyến đường thuộc phường Tân An, An Lạc và đường Mậu Thân (phường An Hòa), đường Nguyễn Văn Cừ (phường An Khánh), đường Huỳnh Cương, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Trần Văn Hoài và các tuyến đường thuộc cồn Khương, Trung tâm thương mại Cái Khế… Các tuyến đường còn lại ngập sâu từ 0,2-0,4m. Ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “Đợt triều cường vừa qua được dự báo trước, chúng tôi đã tập trung lực lượng cho công tác ứng cứu, hướng dẫn giao thông, rào chắn, cảnh báo khu vực nguy hiểm… Nhờ đó hạn chế được tác hại xấu có thể xảy ra. Tuy nhiên, do triều cường lên cao, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều đều bị ngập sâu trong nước, ảnh hưởng kinh doanh, sinh hoạt, đời sống và an toàn giao thông trên địa bàn. Từ nay đến giữa tháng 11-2020 còn 2 đợt triều cường là Rằm tháng 9 âm lịch và 30 tháng 9 âm lịch, quận Ninh Kiều sẽ tăng cường công tác ứng phó, tuyên truyền để người phòng tránh, huy động lực lượng từ công an, dân phòng, đoàn viên thanh niên… tham gia hỗ trợ, phân luồng giao thông trên địa bàn nếu triều cường dâng cao…”.

Ninh Kiều thường xuyên bị ngập do triều, bởi Ninh Kiều tiếp giáp trực tiếp với Sông Hậu, sông Cần Thơ và có nhiều kênh, rạch nên chịu tác động lớn của thủy triều. Đồng thời, nhiều tuyến đường trước đây đầu tư có cao độ chỉ từ 1,7m đến 1,8m nên ngập sâu; khu vực trung tâm quận Ninh Kiều có hệ thống thoát nước không đồng bộ, đường ống thoát nước có tiết diện nhỏ nhưng phải vừa thoát nước mưa, vừa thoát nước sinh hoạt nên khi triều cường dâng cao, chảy tràn vào mặt đường thì nước thoát chậm, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân…

Ứng phó 

Nhằm hạn chế ngập lụt, chủ động ngăn ngừa tác hại của triều cường, đảm bảo an toàn về người, sinh hoạt, tài sản, kinh doanh cho người dân trong các đợt triều cường, UBND quận Ninh Kiều đã chỉ đạo các phòng, ban, các phường và đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp ứng phó. Qua đó, các đơn vị công ích cử lực lượng túc trực triều cường dâng cao trên các tuyến đường, nhằm kịp thời khắc phục sự cố của các công trình ngầm, khai thông dòng chảy khi triều cường rút; kiểm tra, xử lý nhanh các nắp hố ga, miệng thoát nước bị che lấp bởi rác thải; kịp thời đóng, mở van ngăn triều khi triều cường dâng cao và rút xuống. Để đảm bảo an toàn về lưới điện thắp sáng công cộng, quận Ninh Kiều yêu cầu đơn vị  thực hiện tốt công tác quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng, đèn trang trí tại các tuyến đường khi triều cường lên cao, nhằm tránh rò rỉ điện. Chỉ đạo Công an quận Ninh Kiều và lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ, xung kích trực điều tiết, hướng dẫn giao thông và hỗ trợ người dân di chuyển qua các điểm giao lộ, các tuyến đường bị ngập sâu…

TP Cần Thơ đang triển khai thực hiện Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Dự án sẽ giúp kiểm soát ngập cho trên 2.657ha vùng lõi các quận Ninh Kiều, Bình Thủy. Tại Hợp phần 1 của Dự án sẽ đầu tư trên 6,1km kè dọc theo tuyến sông Cần Thơ, trên 3km kè dọc theo tuyến sông Cái Sơn, Mương Khai, kết hợp với các hạng mục công trình khác của dự án như các Âu thuyền (Cái Khế, Hàng Bàng), các cống ngăn triều (Đầu Sấu, rạch Sao, rạch Ranh, rạch Súc, rạch Nước Lạnh, rạch Phó Thọ, rạch Cây Dừa, rạch Bà Lễ, rạch Trần Ngọc Quế, rạch Tham Tướng), các van ngăn triều và các trạm bơm nhằm giảm các nguy cơ liên quan đến tình trạng ngập úng tại khu vực đô thị trung tâm TP Cần Thơ... Các dự án xây dựng hoàn thành sẽ hạn chế được tình trạng ngập lụt trên địa bàn hằng năm mỗi khi triều cường lên cao.

Ông Huỳnh Trung Trứ cho biết: “Ngay khi đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch rút, UBND quận chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị quận kiểm tra toàn bộ các tuyến đường, hẻm, cầu giao thông… phát hiện hư hỏng, bong tróc kịp thời sửa chữa, đảm bảo an toàn cho người dân. Các đợt triều cường giữa tháng 9 âm lịch, đầu tháng 10 âm lịch tới, quận Ninh Kiều tiếp tục duy trì và tăng cường lực lượng ứng cứu như trên, nhằm hạn chế thấp nhất mức độ tác động xấu, gây thiệt hại do triều cường…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết