06/08/2009 - 07:38

Ông Kanji Hayama, Cố vấn tối cao - Nguyên chủ tịch HĐQT tập đoàn Taisei:

Hai tháng nữa sẽ hợp long cầu Cần Thơ

* Khởi động Dự án đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ với vốn đầu tư 4 tỉ USD

(CT)- Hôm qua (5-8-2009), ông Kanji Hayama, Cố vấn tối cao, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Taisei, trong chuyến làm việc tại công trình cầu Cần Thơ (gói thầu số 2) đã có buổi gặp gỡ thân mật với lãnh đạo TP Cần Thơ.

Ông Kanji Hayama cho biết tiến độ xây dựng cầu Cần Thơ hiện đang diễn ra thuận lợi. Gói thầu số 2 do liên danh TKN thi công đã đạt tiến độ 90%, lắp đặt thành công 7/20 dầm thép nằm giữa 2 trục cầu chính. Với tiến độ hiện nay, khoảng 2 tháng nữa là có thể hợp long cầu Cần Thơ. Ông Kanji Hayama cũng cho biết, sau khi hợp long, công việc còn lại là thảm nhựa mặt cầu và lắp lan can cùng với hệ thống chiếu sáng... Toàn bộ gói thầu số 2 sẽ hoàn thành và bàn giao trước tháng 3-2010, thậm chí có thể sớm hơn 1-2 tháng.

Tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP Cần Thơ, đại diện nhà thầu chính TKN, ông Kanji Hayama, cũng đã gửi lời chia sẻ với các gia đình nạn nhân trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ trước đây và cam kết sẽ hoàn thành công trình này đúng tiến độ, đảm bảo an toàn, chất lượng...

* Ngày 5-8-2009, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cùng đại diện một số sở, ngành thành phố đã có buổi làm việc với đại diện Cục Đường sắt Việt Nam, Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam và Công ty tư vấn Chungsuk (Hàn Quốc) về Dự án đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ.

Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã giao cho cục làm chủ đầu tư dự án này, đồng thời giao Liên danh 2 công ty trên lập báo cáo đầu tư dự án. Tuyến đường sắt cao tốc sẽ được xây dựng theo công nghệ của Hàn Quốc và dự kiến kêu gọi nhà đầu tư nước này tham gia đầu tư. Đơn vị tư vấn hiện đang tiến hành khảo sát tuyến...

Đại diện đơn vị tư vấn đã trình bày 3 phương án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ. Theo đó, phương án 1 dự kiến có điểm đầu tại Ga Thủ Thêm hoặc Ga Hòa Hưng (TP Hồ Chí Minh) và điểm cuối tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ) có chiều dài 157 km. Phương án 2 dự kiến điểm đầu tại Ga Thủ Thêm hoặc Ga Hòa Hưng và điểm cuối tại quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) có chiều dài 147 km. Phương án 3 cũng dự kiến điểm đầu tại Ga Thủ Thêm hoặc Ga Hòa Hưng và điểm cuối tại quận Ô Môn (TP Cần Thơ) có chiều dài 149 km. Tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ chỉ khai thác chở khách, có vận tốc tàu chạy 350km/giờ và thời gian đi từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ khoảng 30-40 phút. Dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4 tỉ USD...

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn, phát biểu: Phương án 1 không thuyết phục so với 2 phương án còn lại. Nếu dự án này được triển khai trong vòng 5 hoặc 7 năm tới nên chọn phương án 2 sẽ khai thác tuyến đường sắt hiệu quả hơn, bởi vì khu vực này đang có mật độ dân cư đông đúc. Còn nếu dự án đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ đến khoảng năm 2020 mới hoàn thành thì nên chọn phương án 3, tuyến đường sắt có điểm cuối ở quận Ô Môn. Về định hướng phát triển lâu dài của thành phố thì khu vực này phát triển rất mạnh, khi nơi đây sẽ là đô thị trung tâm thành phố...

THIỆN KHIÊM-ANH KHOA

Chia sẻ bài viết