22/06/2013 - 11:39

Hải quân Mỹ trước thách thức từ Trung Quốc

Các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: PLAN

Trong bài viết đăng trên Nhật báo Phố Wall (WSJ) của Mỹ hôm 21-6, nguyên trợ lý Thứ trưởng Hải quân Mỹ Seth Cropsey bày tỏ quan điểm rằng sự chênh lệch ngày càng tăng trong đầu tư quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cuối cùng sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

Dự kiến, Trung Quốc sẽ cùng Úc, Canada, Hàn Quốc và Nhật Bản tham gia cuộc tập trận hải quân gần Hawaii do Mỹ dẫn đầu. Đây được cho là tín hiệu tốt trong nỗ lực cải thiện quan hệ quân sự Mỹ - Trung, song, tác giả bài viết cho rằng rất khó để hình dung động thái trên có thể “thỏa mãn” yêu cầu của Bắc Kinh đối với khu vực Tây Thái Bình Dương.

WSJ cho rằng, ngoài vấn đề bấy lâu nay đối với Đài Loan, Bắc Kinh không ngần ngại che giấu mong muốn mở rộng quyền lực tại khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông, bằng những hành động khiêu khích đối Nhật Bản và Philippines xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Những tham vọng này được hậu thuẫn bởi một chương trình tăng cường hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng trước, Bắc Kinh tiếp tục đầu tư cho kho tên lửa tầm xa lẫn tầm trung, tên lửa hành trình chống tàu, vũ khí không gian và năng lực quân sự trong lĩnh vực không gian mạng. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn nâng cấp máy bay chiến đấu, đóng thêm 3 lớp tàu ngầm và ra mắt tàu sân bay đầu tiên. Nói tóm lại, nước này đang xây dựng một hệ thống vũ khí tiên tiến có khả năng tấn công các nước châu Á từ xa – báo cáo viết.

Đối mặt với sức mạnh quân sự đang tăng nhanh như vậy ở Tây Thái Bình Dương là  một hạm đội của Mỹ với số lượng chỉ bằng một nửa so với cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mặc dù vậy, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cùng Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) đối với đề xuất xây dựng hạm đội 306 tàu của Hải quân đều thống nhất cho rằng kế hoạch trên không có tính thiết thực. WSJ cho biết, tình hình càng thêm khó khăn khi ngân sách dành cho quốc phòng của Mỹ trong thập niên tới được dự báo sẽ giảm còn 2,5% GDP, từ mức trung bình 4,1% sau sự kiện khủng bố 11-9.

Như vậy, nếu nước Mỹ rơi vào tình trạng đơn phương giải trừ quân bị trong khi các lãnh đạo Lầu Năm Góc không bổ đều ngân sách giữa các mục tiêu quân sự thì sức mạnh của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương sẽ giảm đáng kể. Và để duy trì sức mạnh ở Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ buộc phải từ bỏ sự hiện diện ở các khu vực chiến lược như vùng biển Caribe hay Vịnh Ba Tư.

Kết quả của sự thay đổi này, theo Cropsey có thể dẫn đến hoặc là xung đột quân sự Trung – Mỹ hoặc là Washington buộc phải ngầm thừa nhận sự “lên ngôi” của Trung Quốc – qua đó hình thành trật tự thế giới mới và đây không phải là điều mà các nhà cầm quyền Mỹ mong muốn. Cropsey cũng cho rằng, Washington mặc dù cần chú ý nhiều hơn đến tình hình an ninh ở châu Á nhưng việc “xoay trục” đòi hỏi phải “có trọng lượng” nhưng Mỹ lại đang mất dần “trọng lượng” này.

VI VI (Theo WSJ, AP)

Quan chức Mỹ phản đối Trung Quốc “bắt nạt” trên Biển Ðông

Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 21-6, nhân vật được Tổng thống Obama đề cử làm trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Ðông Á Danny Russel khẳng định “sẽ làm tất cả trong quyền hạn của mình” nhằm hạ nhiệt vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Ðông và Hoa Ðông, cũng như thúc đẩy các bên liên quan giải quyết thông qua ngoại giao - bao gồm cả Trung Quốc.

“Bắc Kinh nên hiểu rằng khu vực mà họ đang phát triển mạnh mẽ là khu vực có pháp quyền, có trật tự và tôn trọng các nước láng giềng chứ không phải là nơi của cưỡng chế và bắt nạt” - Russel nói. Theo đó, ông cho biết “không thể chấp nhận” đối với yêu cầu chỉ đàm phán song phương với các bên liên quan của Trung Quốc và lên tiếng khẳng định Mỹ sẽ ủng hộ mạnh mẽ đối với các nước khu vực Ðông Nam Á trong việc đàm phán để thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Ðông (COC).

 

Chia sẻ bài viết