CÁT ÐẰNG
Thuộc thể loại hài, hành động, pha một chút giả tưởng, phim "Ðầu gấu đụng đầu đất" (Bearman) của điện ảnh Hàn Quốc mang lại những giây phút giải trí với tiếng cười không ngớt cho khán giả. Phim đang chiếu tại các cụm rạp của Lotte Cinema và CGV ở Cần Thơ.

Poster phim.
Chuyện phim dựa trên câu chuyện thần thoại nổi tiếng tại Hàn Quốc về hai chú gấu sinh đôi hóa thành người sau khi ăn tỏi và ngải cứu trong 100 ngày. Sau đó, biến tấu thành một câu chuyện mới thời hiện đại. Chú gấu ăn tỏi may mắn được một cặp vợ chồng hiền lành mang về nuôi và yêu thương như con ruột, đặt tên là Na Woong Nam. Lớn lên, ở tuổi 25 tuổi, Woong Nam lại có gương mặt của một ông chú 52 với cái "đầu đất" ngây thơ, hiền lành, hay giúp đỡ người khác. Trong khi đó, chú gấu ăn ngải cứu được một tên trùm tội phạm mang về nuôi, trở thành "đầu gấu" Lee Jeong Hak. Cả hai có gương mặt y hệt nhau và đều sở hữu những khả năng đặc trưng của loài gấu như tốc độ, mắt tinh, mũi thính và sức mạnh hơn người. Trong một tình huống bất đắc dĩ, Na Woong Nam được cảnh sát nhờ cậy, cải trang thành Lee Jeong Hak để làm "tay trong" bắt giữ tên trùm tội phạm, cũng là cha nuôi của Lee Jeong Hak. Liệu cuộc đụng độ giữa 2 anh em gấu sau 25 năm xa cách sẽ ra sao?
Nam diễn viên Park Sung Woong được mệnh danh là "trùm phản diện" của màn ảnh Hàn Quốc bởi loạt vai diễn ấn tượng trên truyền hình và điện ảnh như "Snowdrop", "New World, "Gentleman", "Man to man"... Trong "Ðầu gấu đụng đầu đất", anh cùng lúc hóa thân thành 2 nhân vật với tính cách trái ngược nhau. Thế nhưng lần này, nhân vật lạnh lùng, tàn bạo phải nhường đất diễn cho nhân vật hiền lành, trong sáng đến mức ngây ngô và chọc cười khán giả xuyên suốt phim. Sự đổi mới này chứng tỏ khả năng diễn xuất tài tình của nam tài tử khi anh hoàn toàn chinh phục khán giả qua biểu cảm gương mặt, ánh mắt, phong thái, ngôn ngữ của 2 nhân vật khác biệt nhau hoàn toàn.
Khán giả cười liên tục với anh chàng "đầu đất" Na Woong Nam từ cuộc sống thường ngày đến khi tham gia chuyên án quan trọng, nhất là giai đoạn anh được huấn luyện để có thể mạo danh Lee Jeong Hak. Biên kịch tận dụng mọi chi tiết và nghĩ ra đủ chiêu trò để tạo ra những tình huống trớ trêu, bi hài, mang tiếng cười giải trí cho người xem. Các nhân vật phụ từ cha mẹ, bạn thân của Woong Nam, các nhân viên cảnh sát… cũng là nhân tố gây cười với những tính cách, hành động hài hước. Bên cạnh đó, đội ngũ phiên dịch góp phần tăng độ mặn mòi, lầy lội cho phim khi nhiều đoạn thoại được dịch bằng những từ ngữ, câu nói, câu hát với ý nghĩa hài hước đang phổ biến trên mạng xã hội.
Với "đầu gấu" Lee Jeong Hak, khán giả không ghét anh như những nhân vật phản diện của các phim trước mà lại thương cảm khi anh được nuôi dạy, huấn luyện thành một kẻ máu lạnh và chỉ biết phục tùng chủ. Nhìn ánh mắt của Jeong Hak thèm khát tình yêu thương của gia đình trong một số phân cảnh, đặc biệt là đoạn cuối, khi chứng kiến người em hạnh phúc trong sự quan tâm, lo lắng của cha mẹ và bạn bè, người xem không khỏi xót xa, chạnh lòng. Tuy bên ngoài lạnh lùng, tàn bạo do ảnh hưởng của môi trường sống nhưng tận sâu bên trong, bản chất lương thiện của anh vẫn còn và đến phút cuối, sự lương thiện đó trỗi dậy, đẩy anh hành động bất ngờ… Ðây cũng là những phút lắng đọng, nhân văn của phim.
Tuy nhiên, do quá chú tâm về mảng miếng hài mà biên kịch, đạo diễn quên mất tính logic của phim, nhất là trong các phân cảnh hành động. Nhiều tình huống được sắp xếp khiên cưỡng, giải quyết qua loa, cảnh sát phá án khá dễ dàng và tên trùm tội phạm có vẻ rất nguy hiểm lúc đầu nhưng sau lại rất dễ đối phó. Mặt khác, cái kết tuy có hậu nhưng vẫn khiến khán giả thắc mắc vì những tình tiết không được giải thích mà đánh đố người xem.