30/03/2019 - 09:46

Gương vỡ lại lành 

Vừa gặp nhóm bạn thân, chị K. (quận Ninh Kiều) đã tiết lộ tin vui: “Chắc em quay lại với chồng để con em có ba, em có gia đình hạnh phúc...”. Lời chia sẻ ngắn gọn của chị K. nhưng chứa đựng nhiều điều. Nhiều người thân, bạn bè chúc phúc cho vợ chồng chị “gương vỡ lại lành”. Hơn ai hết, chị K. đúc kết cho mình nhiều “bí quyết” hữu ích để cùng chồng tiếp tục xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình…

 

Nhiều người có kinh nghiệm cho rằng, sau khi “tái hợp” như trường hợp của chị K. là giai đoạn khá nhạy cảm, có khi mất khoảng 1-2 năm mới trở lại bình thường, bởi trong lòng mỗi người dường như vẫn còn những “khoảng cách vô hình” nào đó. Chị K. bộc bạch: “Mặc dù có ý định quay về sống chung với chồng nhưng trong lòng tôi vẫn còn nhiều do dự. Tôi sợ nhất là bị lặp lại những tình cảnh như trước, lúc đó mình lại đau khổ nhiều hơn”. Theo chị K., sau hơn 1 năm ly thân, chồng chị đã thay đổi theo chiều hướng tốt lên rất nhiều. Trước đây, anh gia trưởng, chỉ tập trung cho công việc, ít quan tâm chia sẻ việc nhà với vợ. Thêm vào đó, công việc làm ăn không thuận lợi nên chồng chị trở nên cáu gắt, to tiếng với chị. Mặc dù biết chồng gặp khó khăn nhưng chị K. không thể nào san sẻ được, bởi cứ gần nhau là anh chị cãi vã, suy nghĩ của 2 người luôn trái ngược nhau. Quá mệt mỏi với cuộc sống hôn nhân của mình, chị K. ôm con về nhà ngoại, chờ thực hiện thủ tục ly hôn. Thời gian đầu sống riêng, anh chị hầu như không liên lạc nhưng sau một thời gian, mọi chuyện nguôi ngoai, chị K. đã bắt đầu suy nghĩ về đề nghị tái hợp của chồng…

Còn anh T. (tỉnh Hậu Giang) cũng có trải nghiệm đầy thử thách gần 1 năm sống ly thân với vợ con. Ban đầu, vợ anh T. đề nghị chia tay do không chịu được tính trăng hoa của chồng. Đã có vợ nhưng ra đường anh T. vẫn còn “liếc ngang liếc dọc”. Đỉnh điểm là vợ anh T. phát hiện chồng thường xuyên nhắn tin thân mật và gặp mặt riêng với đồng nghiệp. Hai vợ chồng thường xuyên “cơm không lành, canh không ngọt” đến nỗi chị hẹn gặp một số đồng nghiệp của anh T. hỏi cho ra lẽ. Bực mình vợ làm chuyện quá đáng, anh T. cứ xong việc cơ quan là về thẳng nhà cha mẹ ruột. Chị V.- vợ anh T. cũng về nhà cha mẹ ruột sống để có ông bà ngoại đỡ đần. Lúc đầu chỉ là những xích mích nhỏ, tự ái của cả hai vợ chồng nhưng không được giải quyết đến nơi đến chốn, dần dà trở thành mâu thuẫn lớn. Anh T. chia sẻ: “Mặc dù chồng một nơi, vợ một nơi nhưng tôi vẫn không quên làm tròn trách nhiệm với con gái. Cuối tuần nào tôi cũng đến thăm con, đưa con đi chơi. Vợ chồng gặp nhau ở nhà ngoại thì cũng nói chuyện trống không. Nhiều lần tôi xuống nước, năn nỉ vợ về nhà mà vợ chưa đồng ý. Nhưng tôi tin  thái độ chân thành và quyết tâm sửa đổi của mình, sớm muộn gì vợ tôi cũng đồng ý quay về”.

Không đến mức phải ly thân như những trường hợp nêu trên, một số cặp đôi tuy vẫn sống chung dưới một mái nhà nhưng như người xa lạ, phải mất nhiều năm mới có thể “quay về” bên nhau. Trường hợp chị H. (tỉnh Sóc Trăng) là một ví dụ. Chị H. kể: “Tôi và chồng kết hôn hơn 10 năm nhưng có đến 5-7 năm “chiến tranh lạnh”. Nhiều lần tôi có ý định ly hôn nhưng không được bởi lúc nào tôi cũng tìm được lý do để cho chồng cơ hội hàn gắn. Sau ngần ấy năm, chồng tôi đã chững chạc hơn, biết quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm của vợ... Tôi cũng cố gắng rất nhiều để hòa hợp. Tôi không còn quá đặt nặng vấn đề chênh lệch trình độ, nhận thức cũng như quá cầu toàn trong hôn nhân”. Nghe chia sẻ này của chị H., chị Ng. (một người bạn của chị H.) bộc bạch: “Thật sự tôi mừng vì H. đã suy nghĩ được như vậy. Vợ chồng họ đã vượt qua nhiều khoảng cách, chênh lệch nhiều mặt để đến với nhau thế mà sau thời gian chung sống lại phát hiện ra có quá nhiều điểm bất đồng. Nhưng cuối cùng, họ cũng quay về bên nhau, gương vỡ lại lành”.

Chị N. (quận Ninh Kiều) cũng từng trải qua giai đoạn hôn nhân đầy sóng gió. Đó là khoảng thời gian sau khi chị sinh con. Nhiều mâu thuẫn vợ chồng cứ phát sinh và lớn dần. Chăm con vất vả, cộng thêm áp lực nhiều phía, chị N. gần như bị trầm cảm và có ý định chia tay chồng. Chị N. bộc bạch: “Sống chung với gia đình chồng, điều kiện kinh tế đầy đủ, vợ chồng tôi không phải lo bất cứ thứ gì. Cũng vì thế mà chồng tôi cứ mãi “không chịu lớn”, suốt ngày rong chơi, chuyện gì cũng phó thác cho mẹ, cho vợ. Cũng may lúc đó mẹ chồng luôn bên cạnh đỡ đần, động viên. Chính sự bao dung và yêu thương của mẹ chồng giúp tôi vượt qua khủng hoảng. Giờ hôn nhân của tôi đã bình ổn trở lại vì chồng biết quan tâm và chia sẻ nhiều hơn. Tôi cho rằng hôn nhân có trải qua sóng gió mới giúp người trong cuộc thêm trân trọng, giữ gìn hạnh phúc mình đang có”.

TRÂM ANH

Chia sẻ bài viết