07/05/2018 - 22:16

Góp sức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp 

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp ở ĐBSCL phát triển ngày càng rộng khắp. Nhiều địa phương đang dần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân phát triển các dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ ươm mầm và tiếp sức cho thành công của các dự án khởi nghiệp. Đồng thời, sự thành công của các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sẽ góp phần hỗ trợ lại cho sự phát triển bền vững của chính hệ sinh thái này.

Up Green Life tham gia trưng bày, quảng bá các sản phẩm của các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp ở TP Cần Thơ nhân Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo ABCD Mekong năm 2018 tại Bến Tre. Ảnh: THÙY TRANG
Up Green Life tham gia trưng bày, quảng bá các sản phẩm của các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp ở TP Cần Thơ nhân Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo ABCD Mekong năm 2018 tại Bến Tre. Ảnh: THÙY TRANG

Xây nền tảng hỗ trợ khởi nghiệp

Từ tháng 3-2017, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND "Về khởi sự doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020". Kế hoạch này gồm 8 chuỗi hoạt động về truyền thông khởi nghiệp và xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Mục tiêu cụ thể là hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ tốt khởi sự doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định… Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thành phố đang nỗ lực hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Theo chủ trương chung của Chính phủ, TP Cần Thơ tập trung  khuyến khích tất cả các đối tượng khởi nghiệp trên cơ sở xác định hành lang pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp, nhận diện các vấn đề còn tồn tại trong hỗ trợ khởi nghiệp để có cơ chế chính sách sao cho phù hợp nhằm mang lại hiệu quả cao cho chương trình khởi nghiệp của thành phố.

Bến Tre là địa phương tạo được nhiều điểm nhấn với Chương trình "Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp". Theo ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, gắn với mục tiêu kiến tạo môi trường khởi nghiệp kinh doanh, 2 năm qua, Bến Tre nỗ lực để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Đến giờ này hệ sinh thái kinh doanh của tỉnh được hình thành rõ nét với các thành tố là cộng đồng khởi nghiệp. Tỉnh có nhóm câu lạc bộ khởi nghiệp tiên phong, câu lạc bộ doanh nghiệp khởi nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các nhóm đại diện hộ kinh doanh. Cộng đồng khởi nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển, năng động tham gia vào các chương trình khởi nghiệp. Cái nhóm hỗ trợ khởi nghiệp gồm cơ quan nhà nước, các tổ chức chuyên về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp hay quỹ đầu tư khởi nghiệp, hỗ trợ vốn và kết nối vốn cho khởi nghiệp, Công tác cải cách hành chính của các cơ quan hành chính tập trung vào rút ngắn thời gian giải quyết các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp và hỗ trợ thông qua các kênh khác được tỉnh tổ chức thường xuyên.

Theo Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp, thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp. Và đến năm 2025, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp và 200 doanh nghiệp khởi nghiệp. Tháng 1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025". Đề án này nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Kết nối phát triển hệ sinh thái

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Up Green Life ở TP Cần Thơ ra đời từ tháng 7-2016 và đã đi được chặng đường gần 2 năm. Up Green Life có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như tổ chức những chương trình Workshop cộng đồng để sàng lọc các dự án từ thanh niên, tổ chức phiên chợ khởi nghiệp, những chương trình đào tạo, tìm kiếm nhà đầu tư sẽ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp… Bà Huỳnh Ngọc Đông Giao, Trưởng Phòng Truyền thông sự kiện Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Cần Thơ, thuộc Hội Sinh viên TP Cần Thơ, chia sẻ: Theo tôi, làm về khởi nghiệp không thể làm một mình, khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp phải đi cùng với nhiều người để mạng lưới này dần lớn mạnh. Up Green Life đang nỗ lực kết nối với các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, VCCI, các doanh nghiệp địa phương… và kết nối trên nhiều lĩnh vực khác nhau để tạo thành môi trường sống, hình thành hệ sinh thái cho các startup phát triển. Up Green Life cũng xây dựng mối quan hệ đối tác với các chuyên gia, trong đó có đối tác quan trọng là VSVA (Vietnam Silicon Valley Accelerator) để xây dựng về khung chương trình đào tạo về khởi nghiệp cho các startup.

Trường Đại học Cần Thơ là trung tâm về giáo dục đào tạo ở vùng ĐBSCL, đóng vai trò đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của vùng. Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Nguyễn Đoan Khôi, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: "Trong năm 2018, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp của Trường Đại học Cần Thơ sẽ tập trung phát triển các hạt giống, ý tưởng kinh doanh liên quan đến công nghệ. Trường sẽ thành lập không gian khởi nghiệp ở 2 Khoa có liên quan đến vấn đề khởi nghiệp là Khoa Kinh tế và Khoa Công nghệ thông tin; Kế tiếp là ở Khoa Công nghệ, nơi trực tiếp đào tạo, nghiên cứu ở các lĩnh vực liên quan đến cuộc cách mạng công nghệ 4.0. và đang có liên kết với Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc".

Theo ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, để chuẩn bị cho khởi nghiệp, các bạn sinh viên phải biết tranh thủ mọi mối quan hệ, đặc biệt là những giảng viên trực tiếp của mình hay những người đi trước đã khởi nghiệp thành công để được hỗ trợ, hướng dẫn về kiến thức, kỹ thuật chuyên môn. Phía sau các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có những mentor hỗ trợ. Vườn ươm cũng đã hình thành mạng lưới những mentor hỗ trợ cho khởi nghiệp bằng cách tranh thủ những mối quan hệ, quen biết sẵn có với các viện, trường, chuyên gia.  Để khai thác bền vững nguồn tài nguyên này, chính quyền cần có chính sách cụ thể hỗ trợ cho các mentor để họ có thể đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp đến cuối cùng. Các địa phương cũng cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thu hút các tập đoàn, các công ty lớn đã kinh doanh thành công trên thị trường có thể quay lại hỗ trợ cho các đối tượng đang bước vào con đường khởi nghiệp.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết