21/03/2019 - 12:09

Gợi nhớ dòng văn học trong veo dành cho tuổi trẻ 

NXB Văn hóa – Văn nghệ vừa tổ chức giao lưu giới thiệu tủ sách “Thiên đường không tuổi”, gồm những sáng tác dành cho tuổi học trò nổi tiếng như “Anh Chi yêu dấu” (Đinh Tiến Luyện), “Tình yêu có màu gì?” (Từ Kế Tường), “Cạn chén tình” (Mường Mán), “Ở một nơi ai cũng quen nhau” (Hoàng Ngọc Tuấn), “Đâu phải cái gì cũng mong manh” (Đoàn Thạch Biền), “Tuổi ngọc ngày chưa xưa” (Nguyễn Thị Minh Ngọc). Những tác phẩm trên được sáng tác nhiều chục năm trước đây, nay được chọn lọc, làm mới để tiếp cận bạn đọc trẻ.

Quang cảnh buổi giao lưu ra mắt tủ sách “Thiên đường không tuổi” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: QUỲNH MY

Quang cảnh buổi giao lưu ra mắt tủ sách “Thiên đường không tuổi” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: QUỲNH MY

“Đâu phải cái gì cũng mong manh" của nhà văn - nhà báo Đoàn Thạch Biền, gồm 17 truyện ngắn được tuyển chọn là 8 tập truyện đã xuất bản của ông, kể cho bạn đọc nghe những câu chuyện cô đọng về tình yêu sáng tác từ năm 1974 trở về sau. Tác giả làm mới bằng những tái bút sau mỗi truyện, như lời tâm sự bên lề pha chút hài hước lẫn ưu tư.

“Tình yêu có màu gì?” của nhà văn - nhà báo Từ Kế Tường khéo léo dẫn dắt người đọc vào không gian tình yêu, cùng những nhân vật được gọi là “nàng” đầy thơ mộng nhưng cũng có những chuyện đời khiến người đọc phải đau đáu thương mến.

“Tuổi Ngọc thời chưa xưa” của nhà văn - diễn viên - đạo diễn - nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc lại chất chứa tâm sự và hình bóng những thiếu nữ với rung động trong trẻo đầu đời. Cảm giác bắt đầu thích một ai đó và những tâm tình tuổi mới lớn dưới ngòi bút trong vắt của chính tác giả những tháng ngày tuổi trẻ, khiến người đọc hoài niệm.

“Ở một nơi ai cũng quen nhau” của cố nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn rất nên thơ nhưng vẫn rất đời. Tình yêu trong ánh nhìn của chàng và nàng rất đơn giản từ nụ cười đáng yêu, đến những câu chuyện chàng nghe hoài nhưng vẫn lắng tai nghe người thương kể.

“Anh Chi yêu dấu” của nhà văn - họa sĩ Đinh Tiến Luyện kể về là một cô bé khá trẻ, người con gái nhỏ bé ấy chờ đợi “một mùa hè lỡ hẹn” và chưa bao giờ giấu giọt nước mắt trên các tờ thư. Một câu chuyện buồn man mác nhưng vẫn nên thơ.

Còn “Cạn chén tình” nghe có vẻ sầu não nhưng vẫn nhiều mơ mộng và nhẹ nhàng. Đây là một cuốn sách “nặng ký” về nhiều phương diện của nhà văn Mường Mán. Hầu hết bạn đọc khi đọc xong tập sách này đều thốt lên: Một cuốn sách đầy ắp nhân tình như thế, sao lại lấy tựa “Cạn chén tình”?

QUỲNH MY

Chia sẻ bài viết