22/07/2013 - 15:03

Gỡ nút thắt giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính - Tiền tệ của Chính phủ (thứ 2 từ phải sang) giải đáp thắc mắc của DN tại hội thảo.

Với những nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ, trong những tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế cả nước đã có tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là mặc dù lãi suất ngân hàng đã được điều chỉnh giảm theo kỳ vọng của doanh nghiệp (DN) song việc tiếp cận vốn để đầu tư vào sản xuất vẫn còn không ít cản ngại… Đây cũng là vấn đề đặt ra tại hội thảo “Giải pháp về vốn cho doanh nghiệp ĐBSCL, gỡ nút thắt giữa ngân hàng và doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP Cần Thơ vừa tổ chức tại TP Cần Thơ.

* Lòng tin chưa phục hồi

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính-Tiền tệ của Chính phủ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), 6 tháng đầu năm 2013 các DN vẫn gặp khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh. Trong khi các DN loay hoay tìm đầu ra, giải quyết hàng tồn kho thì người dân thiếu lòng tin tiêu dùng, thắt chặt chi tiêu. DN thiếu lòng tin đầu tư và lo ngại về sự thiếu ổn định của lãi suất mặc dù lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã giảm. Trong khi đó, các biện pháp kích thích nền kinh tế như thuế, đầu tư công, cơ cấu lại DN Nhà nước, hỗ trợ thị trường bất động sản và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đều triển khai rất chậm.

Từ cuối năm 2012 đến nay, trong khi các DN đến hạn trả nợ và phải vay lại để quay vòng vốn thì các ngân hàng lại có xu hướng thắt chặt vốn tín dụng, giảm định mức cho vay căn cứ vào thực trạng sản xuất kinh doanh của DN. Nguồn vốn dành cho hoạt động của DN đã thiếu lại càng thiếu hơn và khó đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Bà Trần Thị Đẹp, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh An Giang, cho biết: “Theo quy định về thế chấp tài sản vay vốn là bất động sản, trước đây, DN được ngân hàng xem xét định giá tài sản theo giá thị trường và có thể cao hơn 1,5 lần so với giá quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng xác định giá trị tài sản thế chấp theo giá của Nhà nước công bố hằng năm. Do đó, cùng 1 tài sản thế chấp nhưng hạn mức cho vay thấp hơn trước khiến DN kẹt vốn trong sản xuất, tồn kho, buộc phải chạy vạy để tìm nguồn tài chính bổ sung trong khi không còn nguồn tài sản thế chấp”.

Các DN ở ĐBSCL đa phần quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh hạn chế. Để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa tại thị trường nội địa và xuất khẩu đòi hỏi DN phải đổi mới công nghệ, tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn để đầu tư máy móc, thiết bị trong điều kiện không đảm bảo tài chính về vốn tự có là rất khó khăn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các DN thường có nhu cầu vay vốn vào cao điểm mùa vụ, song do bị ảnh hưởng bởi các quy định về thế chấp nên hạn chế về tiếp cận vốn, chủ yếu là vay vốn ngắn hạn nên DN không kịp quay vòng vốn để trả lãi ngân hàng. Bà Lý Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Khiêm Thanh (An Giang) cho biết: “Năm 2011, công ty đầu tư thành lập mới Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thịnh Phú (An Giang) và vay vốn trung hạn của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam Chi nhánh An Giang với lãi suất 14,4%/năm. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, DN gặp rất nhiều áp lực do phải vay vốn tín dụng để đầu tư mà chưa thể sản xuất để trả lãi ngân hàng. Hiện nay, lãi suất vay đã giảm về mức 11,4%/năm giúp DN dễ thở hơn và nhà máy cũng đã vận hành. Tuy nhiên, DN lại gặp khó về nhu cầu vốn vay lưu động để thu mua nguyên liệu trong khi các ngân hàng chưa yên tâm cho vay những khoản lớn”.

* Gỡ nút thắt vốn

Tại hội thảo “Giải pháp về vốn cho doanh nghiệp ĐBSCL, gỡ nút thắt giữa ngân hàng và doanh nghiệp”, các chuyên gia kinh tế và DN cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục có những hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN nhỏ và vừa, đồng thời có những chính sách và biện pháp khôi phục lòng tin của DN về khả năng phục hồi của nền kinh tế, giúp DN mạnh dạn vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, các DN ở ĐBSCL quy mô nhỏ và chủ yếu phát triển từ hình thức kinh doanh quy mô hộ gia đình. Do đó, năng lực quản trị của DN còn yếu kém, khả năng thích ứng thấp và dễ bị tổn thương trước những biến động về kinh tế. Vì thế, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể để giúp DN giải phóng hàng tồn kho, các ngân hàng thương mại cần nới lỏng điều kiện cho vay để DN thuận lợi tiếp cận vốn.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay lãi suất giảm song DN và ngân hàng vẫn chưa gặp nhau là do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu kém, DN chưa mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng khiến các ngân hàng thận trọng hơn và không thể hạ thấp các tiêu chuẩn tín dụng, thậm chí còn có xu hướng thắt chặt hơn. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) vùng Tây Nam bộ, cho rằng: “Trong khi DN tồn kho hàng hóa thì ngân hàng cũng đang tồn kho nguồn vốn muốn giải phóng ra thị trường để thu lợi nhuận. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn phải cân nhắc đối tượng vay để đảm bảo không phát sinh nợ xấu. Nhằm giải quyết những khó khăn này, OCB không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động cho vay trên mọi lĩnh vực, đa dạng hóa đối tượng vay. Hiện OCB tập trung cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho các khách hàng tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp với thời gian phù hợp. Đặc biệt, OCB đang dành 1.000 tỉ đồng cho vay tạm trữ lúa hè thu 2013 với lãi suất 9%/năm để hỗ trợ các DN xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính-Tiền tệ của Chính phủ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng: “Hầu hết các DN đều đang vướng nợ xấu, nhất là đối với DN nhỏ và vừa nên không tiếp cận được vốn ngân hàng. Và chìa khóa của vấn đề này chính là giải quyết nợ xấu với quy mô lớn và tập trung thông qua mô hình công ty mua bán nợ (VAMC). Hiện nay, các doanh nghiệp và ngân hàng đang chờ đợi VAMC đi vào hoạt động để DN có cơ hội tái cơ cấu tài chính và tiếp cận vốn thông qua VAMC. Ngoài ra, trên cơ sở nắm bắt thông tin về thị trường vốn, thị trường tài chính, các DN cần tăng cường hơn nữa năng lực quản trị, sắp xếp lại hoạt động sản xuất và có chiến lược kinh doanh khả thi để tạo lòng tin với ngân hàng. Song song đó, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cũng cần linh hoạt cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ DN vay vốn, hỗ trợ khách hàng tăng cường năng lực kinh doanh, quản trị vốn và sử dụng vốn hiệu quả”.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết