28/04/2008 - 23:35

Gỡ mối lo ảo quanh hạt gạo!

Trong ngày 28-4, lượng người đến mua gạo tại điểm bán ở Trung tâm Thương mại Cái Khế đã thưa thớt dần so với ngày hôm trước. Ảnh: ANH KHOA

Trong khoảng 10 ngày qua, nhiều người tiêu dùng ở ĐBSCL sửng sốt khi giá lúa gạo trên thị trường liên tục tăng mọt cách bất thường. Đặc biệt, là “cơn sốt” gạo diễn ra nhanh chóng trong hai ngày cuối tuần vừa qua khi nhiều người tiêu dùng đổ xô đi mua gạo dự trữ. Song những biện pháp kịp thời từ phía Nhà nước đã có dấu hiệu đẩy lùi và dập tắt cơn bão “giá ảo” ...

TÁC ĐỘNG KHÔN LƯỜNG

Ngày 25-4-2008, tại các chợ ở nội ô TP Cần Thơ, giá bán lẻ các loại gạo dài thường, nàng Nhen, nàng hương, nàng thơm... dao động quanh mức 8.000-11.000 đồng/kg. Nhưng hai ngày sau, ngày 27-4-2008, giá gạo tiếp tục tăng thêm 1.000-4.500 đồng/kg, lên 10.000-18.000 đồng/kg (tùy loại). Đến sáng ngày 28-4-2008, giá gạo lại bất ngờ tăng vọt với mức tăng trung bình từ 2.000-3.000 đồng/kg và lập kỷ lục giá mới. ĐBSCL là vựa lúa gạo của cả nước, vậy mà giá gạo liên tục tăng từng ngày đã làm nhiều người dân lo lắng, dù đã có nhiều nguồn tin có thẩm quyền khẳng định nguồn cung gạo không thiếu. Đỉnh điểm của sự lo lắng này đã thể hiện qua việc nhiều người dân đổ xô đi mua gạo dự trữ, để tránh giá gạo tăng thêm trong những ngày qua.

Tại chợ Hưng Lợi (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) hiện có khoảng 3-4 lô sạp bán gạo. Tuy nhiên, đến trưa ngày 27-4-2008, đúng thời điểm giá gạo đang “sốt” thì có 2 lô sạp đóng cửa nghỉ bán, một số người dân đến mua gạo đã tỏ ra bức xúc khiến cả khu vực chợ xôn xao. Dì Lê Thị Hải, ngụ tại lộ 91B (phường An Khánh, quận Ninh Kiều), nói: “Giá gạo tăng vùn vụt, người bán lấy lý do không mua được gạo để bán nên đóng cửa. Dân lao động nghèo như chúng tôi kiếm sống đã khó khăn, chỉ chuyện mua gạo còn bị bắt chẹt như vầy”. Theo một số tiểu thương, đại lý kinh doanh sở dĩ gạo chỉ bán ra cầm chừng hoặc đóng cửa nghỉ bán vì lượng hàng lấy tại một số nhà máy xay xát lúa gạo rất hạn chế, nên thiếu nguồn cung.

Chị Nguyễn Thị Huệ, một khách hàng đang mua gạo tại chợ Hưng Lợi, nói: “Hôm trước tôi có gọi điện dặn mua trước gần 20 kg gạo, nhưng không thấy đại lý chở đến nhà. Chờ lâu quá, tôi gọi điện lại hỏi thì đại lý nói giá gạo đã tăng thêm 2.000 đồng/kg, nhưng không lấy được gạo nên chưa giao được. Sợ giá gạo còn tăng mạnh, nên tôi tranh thủ khi đi làm về ghé đây mua thêm hơn chục ký nữa”.

Tại Siêu thị Co.opMart Cần Thơ, mỗi khách hàng cũng chỉ được mua tối đa 10kg, nhưng trong buổi sáng ngày 28-4-2008, siêu thị cũng không còn gạo để bán. Đại diện lãnh đạo siêu thị này cho biết, nguyên nhân do sức mua gạo 2 ngày cuối tuần tăng đột biến. Hiện tại, giá gạo tại siêu thị này thấp hơn giá bán ngoài thị trường khoảng 2.000-3.000 đồng/kg, nên người dân đổ xô đến siêu thị để mua. Ngoài ra, 2 ngày cuối tuần, các đơn vị chuyên chở hàng hóa nghỉ làm, nên Co.opMart Cần Thơ không chủ động được lượng hàng cho những ngày tiếp theo. Chủ trương bán gạo giới hạn cho khách hàng được triển khai trên toàn hệ thống của Saigon Co.op nhằm tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ gạo. Siêu thị này đã liên kết với Co.opMart Vĩnh Long để tìm đầu mối thu mua gạo và đảm bảo bán gạo trở lại ngay trong chiều 28-4-2008 và sẽ không tăng giá gạo ở Co.opMart Cần Thơ.

Tại Kiên Giang, trong 2 ngày cuối tuần, cơn sốt giá gạo đã diễn ra tại các khu đô thị có đông công nhân và các trung tâm huyện, thị. Trong ngày chủ nhật, 27-4-2008, giá gạo đã được điều chỉnh ba lần. Tại Phú Quốc, TP Rạch Giá và thị trấn Kiên Lương, gạo thường giá tăng đột ngột từ mức 9.000-10.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg vào cuối ngày; tại huyện vùng sâu Vĩnh Thuận, giá gạo cũng đội lên 22.000-25.000 đồng/kg... Nhiều hộ dân sợ giá sẽ còn tăng tiếp, nên đã mua từ vài chục kg đến vài trăm kg gạo.

ĐÃ CÓ DẤU HIỆU LẮNG DỊU

Sáng ngày 28-4-2008, nhiều cửa hàng, điểm bán gạo ở nội ô TP Cần Thơ cũng đã nhập hàng bổ sung, sức mua gạo cũng dần bình ổn trở lại. Tuy nhiên, giá gạo vẫn đứng ở mức cao, từ 13.000-20.000 đồng/kg, tùy loại. Còn tại chợ Giai Xuân, huyện Phong Điền, trong ngày 27-4 giá gạo thường từ ở mức 10.000 đồng/kg tăng lên 15.000 đồng/kg và giữ giá cho đến ngày 28-4-2008...

Một thương lái thu mua lúa ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, cho biết: “Hiện nay lúa trong dân còn rất ít. Nhưng nhiều người lại có xu hướng tiếp tục giữ lại chờ giá nên tiểu thương chúng tôi rất khó mua được lúa. Nhất là trong 3 ngày qua, có thông tin gạo có giá đến gần 20.000 đồng/kg, làm cho nhiều người còn trữ lúa càng làm giá hơn. Hiện nay, tôi chỉ có thể mua lúa với giá 6.000 đồng/kg, nhưng nông dân kêu giá lúa thường lên đến hơn 7.000 đồng/kg, còn lúa thơm đến 8.000 đồng/kg. Mấy ngày qua tôi phải đậu ghe không...”.

Còn tại Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, trong ngày 28-4, một số nhà máy xay xát gạo vẫn hoạt động mua bán gạo bình thường, nhưng giá gạo nguyên liệu đã tăng 800-1.000 đồng/kg so với 4-5 ngày trước. Ông Trần Văn Hoàng, ở Công ty TNHH Liên Hưng, cho biết: “Hiện nhà máy vẫn thu mua gạo nguyên liệu và bán gạo trắng ra bình thường. Giá gạo nguyên liệu (gạo lức) nhà máy đang mua vào giá đến 8.500 đồng/kg. Còn gạo nhà máy bán ra giá 10.000 đồng/kg, mức tăng không cao. Lúc này lượng lúa trong dân đã cạn nên giá lúa cao, kéo theo giá gạo tăng. Mấy ngày qua, giá gạo trên thị trường tăng đột biến là do đại lý, cửa hàng bán tăng giá khi thấy sức mua tăng đột biến”. Ông Phạm Minh Xo, Trưởng Trạm Kinh doanh chế biến lương thực Cái Răng thuộc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết: “Nhiều tiểu thương đang kêu bán gạo lức nguyên liệu với giá tới 8.000 đồng/kg, nên nhà máy không dám mua hàng vào. Hiện nay, chúng tôi đã tạm ngừng thu mua gạo nguyên liệu xuất khẩu mà tập trung chuẩn bị hàng để cung ứng cho thị trường nội địa theo chỉ đạo của Nhà nước”.

Theo Sở Thương mại TP Cần Thơ, riêng huyện Thốt Nốt hiện có khoảng 20 doanh nghiệp lớn xuất khẩu gạo. Trong đó, riêng Công ty cổ phần Gentraco còn tạm trữ trong kho khoảng 20.000 tấn gạo, các đơn vị còn lại bình quân mỗi đơn vị khoảng 10.000 tấn. Do đó, Cần Thơ không thiếu gạo cho người dân, tình trạng sốt giá gạo chỉ là sốt “ảo”.

Cũng trong ngày 28-4-2008, lực lượng quản lý thị trường TP Cần Thơ đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh gạo ở các quận, huyện: Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Cái Răng, Ninh Kiều. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều cơ sở không niêm yết giá, tăng giá bán gạo khá cao. Trước mắt, đoàn kiểm tra nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm không niêm yết giá, không có giấy đăng ký kinh doanh. Riêng việc đầu cơ tăng giá gạo sẽ xin ý kiến của UBND thành phố xử lý sau.

Sáng 28-4-2008, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Văn Hà Phong đã triệu tập các ngành chức năng và các công ty lương thực trên địa bàn để bàn giải pháp bình ổn giá gạo. Ông Văn Hà Phong chỉ đạo Tổng công ty Thương mại - Du lịch tỉnh Kiên Giang và các công ty xuất khẩu lương thực xuất kho dự trữ 40.000 tấn gạo để bán cho dân với giá 9.500-12.000 đồng/kg (tùy loại), tương đương với giá thị trường trước khi có cơn sốt giá. Ông Văn Hà Phong khẳng định Kiên Giang không thiếu gạo. Vụ đông-xuân, tỉnh này đã thu hoạch trên 2 triệu tấn lúa, khả năng xuất khẩu 600.000 tấn gạo sau khi đã trừ vào dự trữ lương thực phục vụ đời sống người dân địa phương... Cùng ngày 28-4 , tình hình thị trường lúa gạo ở tỉnh Tiền Giang tạm ổn định. UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo cho các ngành, các địa phương tiến hành kiểm tra việc kinh doanh lúa gạo trên điạ bàn tỉnh; trong đó chú trọng việc bình ổn giá, bắt buộc các cơ sở kinh doanh lúa gạo phải niêm yết giá. Đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ hay tự ý tăng giá đột biến. Riêng công ty lương thực tỉnh Tiền Giang cung ứng cho Siêu thị Co.opMart Mỹ Tho 50 tấn gạo để bán cho dân với giá cũ như trước đây.

NHÓM PV-CTV

Nông dân làm ra hạt lúa cũng lo giá gạo tăng

    Hiện nay, phần lớn nông dân đã bán hết lúa sau khi sản xuất vụ đông xuân, nên giá lúa gạo tăng “đột biến” trong mấy ngày qua làm bà con cũng không được hưởng lợi. Trái lại, giá gạo tăng cao kỷ lục vào lúc này đã làm cho nhiều hộ nông dân lo âu thêm, bởi mặc dù làm ra hạt lúa nhưng nhiều người hiện phải ăn “gạo đong” hàng ngày. Anh Huỳnh Văn Hôm, ở ấp Thới An, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, cho biết: “Tôi đã bán 4 tấn lúa đông xuân lúc giá chỉ có 4.400 đồng/kg. Bây giờ giá lúa trên 6.000 đồng/kg tôi đã không còn lúa để bán. Mấy năm trước, tôi thường ví lúa lại chờ giá, nhưng thường không có lời nhiều vì giá tăng ít, lúa lại bị hao hụt. Thấy vậy, năm nay tôi không ví lúa lại nữa, đâu ngờ giá lúa tăng cao, tính ra tôi bị lỗ hơn 6 triệu đồng. Trong khi đó, bây giờ tôi phải mua gạo ăn với giá cao, trong 2 ngày qua tôi phải mua gạo thường giá lên đến 15.000 đồng/kg”.

Chia sẻ bài viết