14/11/2016 - 20:27

Gỡ khó để phát triển công nghiệp

Thời gian qua, thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ có nhiều khởi sắc. Đến nay, một số khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn thành phố được lấp đầy. Song, việc đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp và thu hút đầu tư tại nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi các bên liên quan phải cùng nhau vào cuộc để tháo gỡ.

Chuyển biến nhưng còn khó khăn

Đến nay, TP Cần Thơ có khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc 1 đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, 124 dự án sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp đã thuê hơn 101,2 ha đất, tổng vốn đăng ký 407,183 triệu USD. KCN Trà Nóc 2 hiện lấp đầy 96,5% diện tích đất công nghiệp, có 61 dự án của doanh nghiệp, thuê hơn 112,1 ha, với tổng vốn đăng ký 605,253 triệu USD. KCN Thốt Nốt (diện tích 104,3 ha) đã lấp đầy 65% diện tích đất công nghiệp, với 21 dự án, có tổng vốn đăng ký 196,664 triệu USD. Trung tâm Xây dựng hạ tầng KCN Thốt Nốt đang thực hiện các bước thủ tục và triển khai các công việc có liên quan để làm chủ đầu tư hạ tầng 200ha KCN Thốt Nốt II. Gần đây, các KCN tại quận Cái Răng gồm: Hưng Phú 1A, Hưng Phú 1B và Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B cũng thu hút được một số doanh nghiệp lớn đến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp. Cụ thể như: Công ty TNHH TaeKwang Cần Thơ (Tập đoàn Taekwang-Hàn Quốc) đang đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày với diện tích 62,2ha tại KCN Hưng Phú 2B, tổng mức đầu tư hơn 171,487 triệu USD. Hiện công ty đã bồi hoàn được 28/62,2ha và triển khai san lấp mặt bằng 9,5ha xây dựng nhà xưởng sản xuất.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thực phẩm Thủy sản Nam Hải, TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN 

Mặc dù có chuyển biến tích cực về kết quả thu hút đầu tư, nhưng nhìn chung KCN Thốt Nốt II tại quận Thốt Nốt và hầu hết các KCN tại quận Cái Răng chưa đầu tư xây dựng hoàn thành các cơ sở hạ tầng do các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN chưa hoàn tất, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn… Hiện nay, việc đầu tư thực hiện các cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CCN-TTCN) tại thành phố cũng tiến triển khá chậm. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển 6 CCN-TTCN tại TP Cần Thơ đến năm 2020, tập trung ở các quận, huyện gồm: Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Hiện phần lớn các cụm công nghiệp này chủ yếu mới được các địa phương định hướng vị trí quy hoạch, lập đề án kêu gọi đầu tư và đề nghị thành phố hỗ trợ phân bổ vốn đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng ban đầu. Song, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước hạn chế và khó kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, một số địa phương chưa xác định cụ thể vị trí quy hoạch, vướng cơ chế chính sách… nên chưa thể hoàn chỉnh hạ tầng các CCN-TTCN này.

Thời gian qua, đầu tư phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của TP Cần Thơ cũng chưa đạt như mong muốn. Nguyên nhân do giai đoạn từ 2013 đến nay chịu sự tác động của suy giảm kinh tế thế giới. Các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn của thành phố (như công nghiệp chế biến nông, thủy sản; dệt may, da giày; hóa chất, hóa dược, dược phẩm, cơ khí chế tạo, công nghiệp nhựa…) tăng trưởng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng chưa tương xứng với sự phát triển chung của thành phố. Các doanh nghiệp tham gia các ngành sản xuất này hiện còn gặp nhiều khó khăn về đầu ra sản phẩm, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh chưa cao… Do đó, ngành công nghiệp thành phố cần sự trợ lực rất lớn từ chính sách của địa phương, Trung ương.

Cần giải pháp khả thi

Gần đây, luồng cho tàu biển vào sông Hậu từ cửa Định An được khai thông qua kênh đào Trà Vinh giúp tàu biển trọng tải lớn có thể vào các cảng trên sông Hậu, mở ra nhiều triển vọng mới cho phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Điều này góp phần thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào khu vực ĐBSCL, nhất là đầu tư tại trung tâm của vùng là TP Cần Thơ. Vườn ươm công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại Cần Thơ cũng tạo được sức hút mới đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế, nhất là các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản. Tới đây, cầu Vàm Cống được xây dựng hoàn thành cũng là cơ hội tốt để quận Thốt Nốt và các quận, huyện khác của thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ (KCX&CN), cho rằng: "Tới đây 2 quận nằm ở cửa ngõ phía Bắc và phía Nam của TP Cần Thơ là Thốt Nốt và Cái Răng sẽ là những vị trí thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp. Cần phải chủ động đẩy nhanh tiến độ đầu tư để hoàn thiện hạ tầng các KCN này để tạo quỹ đất sạch chào đón nhà đầu tư. Nếu không sẽ vụt mất các cơ hội". Ông Hùng kiến nghị các cấp thẩm quyền thành phố và Trung ương điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh về mặt cơ chế chính sách để giúp thực hiện tốt hơn công tác thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và quản lý nhà nước, tránh sự chồng chéo, thiếu gắn kết giữa các sở, ngành có liên quan. Đồng thời, có các giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy các chủ đầu tư hạ tầng các KCN tại thành phố và thực hiện có lộ trình cụ thể. Nhà đầu tư không đủ năng lực, thành phố phải mạnh dạn thu hồi dự án để giao nhà đầu tư khác. Theo ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các KCN tại thành phố, đòi hỏi các cấp thẩm quyền thành phố và các bên liên quan phải tích cực vào cuộc để tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tìm cách giảm giá thuê đất tại các KCN.

Song song đó, có chính sách thúc đẩy phát triển các CCN-TTCN tại các quận, huyện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vào đầu tư. Việc đầu tư thực hiện các CCN-TTCN phải hết sức cân nhắc, chọn vị trí sao cho hiệu quả và giảm thấp được giá thuê đất mới có thể thu hút doanh nghiệp vào. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp tại thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam yêu cầu Ban Quản lý các KCX&CN Cần Thơ, Sở Công thương TP Cần Thơ, cùng các sở ngành hữu quan và quận, huyện đánh giá lại các kết quả được, chưa được. Các bên liên quan phải phối hợp chặt chẽ với nhau để hỗ trợ các đơn vị đầu tư hạ tầng KCN giải quyết khó khăn và vướng mắc. Đặc biệt, các đơn vị đầu tư hạ tầng KCN phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Sở Công thương thành phố chủ trì phối hợp các bên liên quan khẩn trương rà soát lại các CCN-TTCN và các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn để có định hướng và giải pháp hỗ trợ phát triển phù hợp thời gian tới.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết