05/08/2013 - 22:27

Bán đảo Cà Mau

Giữa đôi dòng mặn - ngọt

Bài 4: "Con tôm ôm cây lúa": Chiếc phao cứu sinh hay sự vương vấn con tôm

Trong bối cảnh sự tác động quá lớn của môi trường đến đời sống làm cho sản xuất tại BĐCM phát sinh nhiều vấn đề cấp bách. Trong đó, việc định hình một mô hình sản xuất bền vững đang được các ngành, các cấp và nông dân quan tâm, xem đây là một hướng đi giải quyết thỏa đáng quá trình tranh chấp mặn - ngọt…

Sự trở lại của mô hình tôm - lúa

Mô hình tôm-lúa hiệu quả ở xã Phú Hưng. Ảnh: HỮU TÙNG 

Đưa chúng tôi về tham quan mô hình sản xuất tôm-lúa của nhân dân tuyến kênh Đường Cộ, ấp Rạch Muỗi, ông Hà Ngọc Sáu, Chủ tịch UBND xã Phú Hưng chỉ tay về đồng lúa xanh mượt của ông Nguyễn Minh Thức, tâm đắc: "Đồng lúa như vầy cầm chắc hơn 13 bao/công. Có ô thủy lợi khép kín tới nay, bà con vùng này không sợ mặn, hạn nữa".

Men theo bờ lúa trong vuông tôm của gia đình ông Thức, ông Sáu kể, dân Rạch Muỗi canh tác vụ lúa trên đất nuôi tôm hồi năm 2005. Những tháng mưa, lúa thường bị ngập úng, thiệt hại nặng. Để giúp bà con cải thiện tình hình, Rạch Muỗi được huyện Cái Nước đầu tư nạo vét và hoàn thiện 2 cống ngăn mặn ở tuyến kinh Đường Cộ và Bọng Nhòng vào đầu năm 2009, kinh phí khoảng 2 tỉ đồng, phục vụ cho 250ha của 102 hộ dân trong vùng nuôi tôm kết hợp trồng một vụ lúa. Từ ngày được khép kín, việc tiêu thoát nước dễ dàng, ngăn được mặn từ bên ngoài xâm nhập vào nội đồng. Ông Thức khẳng định: "Thủy lợi được khép kín nên ngăn được mặn, giữ được ngọt. Nước mưa có ngập, chỉ cần mở cống tháo nước, làm lúa rất hiệu quả. Năm 2009 đến nay, vụ nào nhà tôi cũng thu từ 10 đến 15 bao/công (mỗi bao 2 giạ). Được lớn hơn, sau thu hoạch lúa, nuôi tôm rất trúng".

Huyện Cái Nước (Cà Mau) hiện có 4 xã là Thạnh Phú, Phú Hưng, Tân Hưng, Tân Hưng Đông được đầu tư khép kín mô hình ô thủy lợi nhỏ, phục vụ cho trên 1.200ha đất sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Theo ông Đoàn Văn Chính, Phó phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, đây là mô hình đầu tư thủy lợi quy mô nhỏ có nguồn vốn ít nhằm nhân rộng đại trà cho nhân dân các vùng quy hoạch trên địa bàn thực hiện về lâu về dài, sản xuất hiệu quả.

Tại các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang), sự trở lại của mô hình tôm - lúa cũng đang tác động tích cực đến đời sống của người dân. Ông Phùng Văn Hoài, ấp Thuồng Luồng, xã Đông Hưng A, huyện An Minh, cho biết: "Sau nhiều năm thất bại vì con tôm, tôi với bà con hiểu ra giá trị của cây lúa. Nó không chỉ giúp có gạo ăn mà còn góp phần cải tạo môi trường nuôi để con tôm ít bệnh. Bây giờ tôi sẽ không bỏ lúa, dù có bị thất". Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, cho biết: "Mô hình tôm lúa được địa phương khuyến cáo, tuyên truyền để người dân vùng chuyển dịch 4 huyện vùng U Minh Thượng thực hiện nhiều năm qua bắt đầu đạt hiệu quả. Qua đó, giúp hạn chế tình trạng tôm chết, đất được rửa mặn, vệ sinh cho vụ tôm tiếp theo. Dự kiến, vụ lúa trên đất nuôi tôm 2013-2014 của tỉnh tại khu vực này đạt trên 65.000 ha".

Tỉnh Bạc Liêu có khoảng 86.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Để ngừa thiếu nước ngọt, chủ động nguồn nước tưới tiêu, đối phó với sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ngành nông nghiệp tỉnh này phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo 100% diện tích sản xuất nông nghiệp xây dựng hoàn thiện hệ thống kênh thủy lợi - thủy nông nội đồng, ô đê bao khép kín. Theo ông Phan Minh Quang-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có gần 200 ô đê bao thủy lợi khép kín, chi phí đầu tư bình quân mỗi ô từ 1,5 - 2 tỉ đồng. Qua các đợt triều cường cho thấy, các ô đê bao thủy lợi khép kín nằm ven sông vẫn không hề bị nước tràn vào, nhà nông khu vực trên cũng chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất và tiêu úng, xổ phèn hiệu quả.

Vẫn còn trăn trở

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, mô hình tôm - lúa vẫn còn một số khó khăn cần giải quyết, như: một bộ phận nông dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc sản xuất lúa trên đất nuôi tôm, chạy theo lợi nhuận từ con tôm mà không thấy được lợi ích của mô hình tôm - lúa; chưa chủ động được nguồn nước, nền đất nuôi tôm có độ mặn tích lũy trong đất cao, khi gặp hạn, độ mặn tăng làm lúa chết. Do cạnh tranh giữa con tôm và cây lúa, khi tôm có giá, người nông dân kéo dài thời gian nuôi tôm nên thời gian rửa mặn để trồng lúa ngắn, độ mặn còn cao trong ruộng lúa dễ ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, do chưa có quy hoạch cụ thể vùng sản xuất lúa - tôm cho những vùng xa nước ngọt, sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, phân tán dẫn đến khó điều tiết nước; đất trồng lúa bị nhiễm mặn do từ vụ tôm trước để lại không thể rửa mặn triệt để… Ông Võ Hoàng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Minh (Kiên Giang), cho biết: "Toàn huyện có khoảng 4.000 ha sản xuất tôm - lúa thuộc các xã Đông Hưng A, Vân Khánh và Vân Khánh Đông đã nhiều năm thực hiện lấp vụ lúa trên nền đất nuôi tôm nhưng kém hiệu quả. Do đó, các ngành chức năng cần có những nghiên cứu để hỗ trợ địa phương triển khai mô hình thí điểm, sau đó có đánh giá để người dân sản xuất hiệu quả hơn". Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, khẳng định: "Cần phải thấy được giá trị của mô hình tôm - lúa và kiên quyết thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện chú ý phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các đoàn thể để vận động người dân hiểu được lợi ích của việc làm một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Chứ nếu thấy tôm có giá bỏ lúa thì nỗ lực bấy lâu nay sẽ trở về con số không".

Hiện nay, theo khuyến cáo của các nhà khoa học, đối với các tỉnh quy hoạch vùng sản xuất tôm - lúa cần hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đồng bộ, đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi tôm, trồng lúa theo từng vùng, tiểu vùng trên cơ sở quy hoạch chung. Cần chủ động kiểm soát, quản lý nguồn nước, nồng độ mặn và chất lượng nước theo yêu cầu sản xuất tôm - lúa; đầu tư trang thiết bị để kiểm nghiệm chất lượng tôm giống, xét nghiệm và cho kết quả nhanh dịch bệnh ở tôm; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm quy mô lớn và có khả năng ứng phó cao, phòng tránh rủi ro do biến đổi khí hậu. Hướng dẫn, tập huấn cho nông dân các biện pháp kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho tôm, xử lý tôm nuôi bị nhiễm bệnh và chết; tiếp tục đầu tư nghiên cứu, lai tạo ra nhiều giống lúa có khả năng chịu mặn tốt, kháng sâu bệnh, năng suất và chất lượng tốt…; sản xuất tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao.

Đối với nông dân vùng sản xuất tôm - lúa, cần trang bị những kiến thức, thay đổi dần tập quán sản xuất truyền thống bằng phương pháp sản xuất mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất tôm, lúa. Giữ vững tính bền vững liên hoàn của mô hình sản xuất tôm - lúa, không chạy theo lợi nhuận con tôm khi có giá cao trên thị trường, mà phá vỡ mô hình làm phát sinh nhiều hệ lụy bất lợi. PGS TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, đánh giá: "Đây là mô hình trung gian khá nhất, giải quyết cơ bản tranh chấp mặn ngọt tại BĐCM. Tuy nhiên để bảo đảm bền vững thì còn nhiều vấn đề như: bệnh mới phát sinh, biến động liên tục của môi trường nên chưa thể đưa ra được quy chuẩn của mô hình. Tuy nhiên, nhược điểm chính vẫn là ở kinh nghiệm của người dân. Do đó, người nông dân phải có tư duy toàn diện, kết hợp với nhà khoa học để tháo gỡ những phát sinh. Đặc biệt, nếu áp dụng mô hình kết hợp như tôm - lúa - cá - cua thì đòi hỏi người nông dân phải năng động, chịu khó học hỏi. Ngoài ra, việc cần làm chính là thay đổi giống lúa, vì nếu giống chịu mặn thì không thể cho năng suất cao, mà vấn đề này thì cần phải mất nhiều thời gian".

HỮU TÙNG - BÌNH NGUYÊN


Bài 5: Tranh chấp mặn - ngọt và nguy cơ từ biến đổi khí hậu

Chia sẻ bài viết