11/11/2010 - 22:17

Giữ "gốc" con người

BS NGUYỄN THANH HÒA
Bệnh viện Mắt – Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ

Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta nói: “Cái răng, cái tóc là gốc con người”. Răng có mối quan hệ mật thiết với nhiều bộ phận khác trong cơ thể như: tai, mũi, họng, mắt… Do đó, khi răng không khỏe cũng có thể làm tăng nguy cơ hoặc dẫn đến một số bệnh về tim mạch, tiêu hóa… Vì vậy, giữ gìn sức khỏe răng miệng chính là gìn giữ, bảo vệ, cải thiện sức khỏe hiệu quả.

Răng bệnh: không chỉ thiệt cho răng!

Răng giữ chức năng chính là ăn nhai, giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn tốt, tạo vẻ đẹp thẩm mỹ cho khuôn mặt... Có thể dễ dàng nhận thấy mối liên quan giữa răng khi có một chiếc răng bị nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ ăn kém, cơ thể sốt cao, mất ngủ, người mệt mỏi...

Khi bệnh lý ở răng xuất hiện, có thể kéo theo viêm xoang hàm hay viêm đa xoang. Đặc biệt, ở trẻ em, nhiễm trùng răng có thể gây viêm tai, viêm a-mi-đan. Viêm quanh chóp, viêm nha chu ở răng cối nhỏ, răng cối lớn hàm trên cũng có thể gây viêm xoang hàm. Tủy răng cối nhỏ, răng cối lớn hàm trên bị hoại tử không được điều trị đúng sẽ đẩy các chất nhiễm khuẩn qua chóp răng vào xoang có thể gây viêm xoang. Răng nanh, răng cối nhỏ ngầm trong xương bị nhiễm trùng dễ ăn thông với xoang hàm gây viêm xoang. Biến chứng mọc răng khôn hàm dưới làm viêm thành trước họng, viêm mặt trong cành cao, lan đến vùng hạnh nhân gây nên áp xe.

 Khám, làm sạch răng định kỳ để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Ảnh: K.L

Nhiễm trùng ở răng hàm trên cũng có thể gây ra nhiễm trùng ở mắt. Các u hạt ở chóp răng, nhất là răng nanh, là những ổ nhiễm trùng dễ dẫn đến nhiễm trùng ở mắt (viêm màng bồ đào, nhãn cầu, áp xe mi mắt dưới...). Bệnh lý nhiễm trùng ở răng còn có thể gây rối loạn tiêu hóa, viêm đường tiêu hóa.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng bệnh viêm màng ngoài tim là do cầu trùng Streptococcus viridane, có rất nhiều ở các ổ nhiễm trùng răng miệng. Vì vậy, các răng có biến chứng tủy, viêm tủy hoặc lỗ sâu gần tủy cần phải nhổ hoặc điều trị tủy. Ngoài ra, viêm nha chu còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh toàn thân như: xơ vữa động mạch, tiểu đường... Nhiễm trùng răng miệng còn có thể đưa đến nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng. Áp xe quanh răng khôn hàm dưới có thể gây viêm tấy lan tỏa sàn miệng, đẩy lưỡi chèn ép đường thở có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Việc nhổ răng ảnh hưởng rất lớn đến các cơ quan chức năng khác của cơ thể và gây không ít thiệt hại cho sức khỏe. Bị mất răng, lực nhai giảm sút nên không thể nghiền thức ăn tốt, làm hạn chế sự hấp thu chất dinh dưỡng ở dạ dày và ruột dẫn đến nguy cơ mắc bệnh về hệ tiêu hóa. Tổ chức xương ổ răng là thành phần chính giúp răng vững chắc trên cung hàm. Nếu răng bị mất, xương ổ răng sẽ bị tiêu dần làm xương hàm ngày càng tiêu bớt đi khiến khuôn mặt trông già so với tuổi thật.

Khi răng bị mất mà không được phục hồi, các răng còn lại cũng bị ảnh hưởng, như: xô lệch, thưa răng, sự ăn khớp giữa hai hàm trên và hàm dưới thay đổi. Hậu quả là gây cản trở hoạt động nhai và là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh loạn năng thái dương hàm, đau vùng thái dương, mỏi hàm, mỏi cơ cổ, nghiến răng. Đặc biệt, mất răng hàm sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn do lực nhai tập trung vào vùng răng cửa, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến vẻ thẩm mỹ của khuôn mặt.

Giữ răng khỏe đẹp

Để có một hàm răng khỏe và đẹp, cần phải chải răng ngay sau khi ăn và phải thực hiện thành thói quen suốt đời. Nên chải răng sau khi ăn khoảng 3 phút vì khoảng thời gian này vi khuẩn từ thức ăn chưa kịp “di trú” sang răng và nướu. Nếu không có điều kiện chải răng sau khi ăn, có thể súc miệng nhiều lần với nước sạch kết hợp sử dụng nước súc miệng. Nước súc miệng có tác dụng diệt vi khuẩn, ngăn ngừa hình thành cao răng, bảo vệ nướu. Chải răng thật kỹ tất cả các mặt răng (mặt ngoài, mặt trong, mặt nhai), lưu ý khi chải mặt ngoài phải chải dọc thân răng không nên chải ngang có thể làm mòn cổ răng. Dùng chỉ nha khoa lấy sạch mảnh vụn thức ăn vùng kẽ răng.

Ăn đầy đủ chất bổ dưỡng, hợp lý cũng là cách cung cấp dưỡng chất cho răng và nướu. Hạn chế ăn quà vặt có nhiều đường, bột dính, sử dụng các dạng Fluor để ngừa sâu răng. Nên chú trọng việc khám răng định kỳ 3 hoặc 6 tháng 1 lần.

Chăm sóc răng miệng cũng cần chú trọng theo từng thời kỳ, độ tuổi:

- Thời kỳ răng sữa (trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi): Phụ huynh nên chải răng cho trẻ khi có chiếc răng sữa đầu tiên mọc trên cung hàm cho đến khi bộ răng sữa mọc đủ 20 chiếc.

- Thời kỳ răng hỗn hợp (từ 6 tuổi đến 11 tuổi): Khi trẻ được 6 tuổi phụ huynh cần chăm sóc cẩn thận 4 chiếc răng cối vĩnh viễn đầu tiên ở hai hàm trên, dưới gọi là răng số 6 hay răng 6 tuổi. Đây cũng là giai đoạn trẻ thay răng. Những chiếc răng sữa sẽ được thay thế dần bằng răng vĩnh viễn nên ngoài việc chải răng thường xuyên, cần đưa trẻ đi khám răng để được hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ răng đúng cách.

- Thời kỳ răng vĩnh viễn (12 tuổi trở lên): trẻ có thể tự chải răng nhưng phụ huynh cũng nên quan tâm và kiểm tra tình trạng vệ sinh răng miệng của con. Khi phát hiện trẻ bị lệch răng cần đưa đến cơ sở răng, hàm mặt để điều chỉnh kịp thời.

- Bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ: thời kỳ này, cơ thể bà mẹ cần bổ sung can xi nhiều hơn người bình thường để cung cấp cho thai nhi và nhu cầu hằng ngày của cơ thể. Lúc mới sinh, các bà mẹ cần giữ vệ sinh răng miệng hằng ngày, tránh sâu răng.

- Người cao tuổi: có thể bị khô miệng, cảm thấy răng dài ra, mòn răng, thay đổi thói quen ăn uống, có thể có những vết loét ở niêm mạc miệng hay ở lưỡi. Khi gặp các triệu chứng này thì nên đến gặp bác sĩ nha khoa để được tư vấn.

Chia sẻ bài viết