13/08/2012 - 20:35

Giữ chữ tín trong sản xuất, kinh doanh

Cơm dừa được xử lý trước khi đưa vào chế biến.

Năm 2011, Công ty TNHH một thành viên chế biến dừa Lương Quới ở Khu công nghiệp An Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đạt danh hiệu “Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu uy tín” do Bộ Công thương xét tặng. Công ty TNHH một thành viên chế biến dừa Lương Quới là một trong những DN điển hình của tỉnh, không ngừng phấn đấu vươn lên, tạo uy tín đối với thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chế biến dừa Lương Quới cho rằng, việc được công nhận “DN xuất khẩu uy tín” đã khẳng định bước trưởng thành của đơn vị. Điều này đồng nghĩa với phương châm kinh doanh “An toàn, chất lượng, trách nhiệm để phát triển bền vững” mà công ty đề ra là hoàn toàn đúng đắn. Năm 1996, đơn vị cải tiến thiết bị để sản xuất ra sản phẩm dầu dừa và xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Đến năm 2006, đơn vị tiếp tục đầu tư thiết bị, công nghệ để sản xuất thêm sản phẩm cơm dừa nạo sấy, xuất khẩu sang các nước Trung Đông và Bắc Phi, nhưng số lượng còn khá khiêm tốn. Năm 2009 được xem là năm cột mốc mới của công ty để vươn ra biển lớn. Công ty đã tiếp cận Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (1 trong 5 hợp phần thuộc Chương trình hợp tác phát triển về môi trường giữa Việt Nam - Đan Mạch), đầu tư thiết bị lò hơi đốt gáo dừa, quy trình công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, cải tạo nhà máy theo tiêu chuẩn ISO 22.000: 2005. Sản phẩm cơm dừa nạo sấy do công ty sản xuất đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thế giới do Công ty SGS Việt Nam TNHH đến trực tiếp giám định, thẩm tra và cấp giấy chứng nhận.

Theo ông Cù Văn Thành, để sản phẩm thâm nhập được vào thị trường khó tính đòi hỏi phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Công ty luôn thực hiện đúng hợp đồng cam kết về số lượng, chất lượng sản phẩm, giá cả và thời gian giao hàng để duy trì mối quan hệ hợp tác bền vững với đối tác. Mặt khác, công ty đã xây dựng được mạng lưới đại lý cung cấp nguồn nguyên liệu để đảm bảo cho nhà máy hoạt động. Từ năm 2011 đến nay, giá nguyên liệu dừa luôn biến động, có thời điểm giá dừa cao ngất ngưỡng và rồi rớt giá thê thảm. Trong khi đó, nhà máy hoạt động phải cần tối thiểu 30 tấn cơm dừa/ngày. Chính sự hài hòa lợi ích, các đại lý sơ chế đã cung cấp sản phẩm đảm bảo số lượng, đạt chất lượng và giá cả hợp lý để nhà máy hoạt động ổn định. Đầu năm 2012 đến nay, nguồn nguyên liệu dừa dồi dào, nhà máy phải hoạt động hết công suất, mỗi ngày thu mua từ 80 - 95 tấn cơm dừa sạch (trung bình 12 trái dừa khô = 4,2kg cơm dừa sạch) để góp phần giải quyết lượng dừa tồn đọng trong hộ dân.

Sản phẩm cơm dừa nạo sấy do công ty sản xuất đã xâm nhập sâu rộng vào các thị trường khó tính như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Nam Phi... Công suất hoạt động của nhà máy từ 9.000 tấn/năm đã nâng lên 12.000 tấn/năm. Ông Cù Văn Thành cho biết thêm, hiện công ty đang gấp rút lắp đặt trang thiết bị, tiếp cận công nghệ sản xuất để trong tháng 8-2012 đưa Nhà máy chế biến dừa Thành Vinh 2 đi vào hoạt động, tạo ra thêm 2 sản phẩm mới là nước cốt dừa đóng lon và nước dừa giải khát đóng lon, với công suất 15.000 tấn thành phẩm/năm, giải quyết việc làm từ 155 lao động, tăng lên 250 lao động. Hiện tại, công ty vừa mở rộng thị trường xuất khẩu, vừa khai thác thị trường nội địa. Bước đầu, sản phẩm thâm nhập vào các siêu thị trung tâm và TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, cơ sở sản xuất bánh kẹo. Thành công của công ty xuất phát từ sự mạnh dạn cải tiến, ứng dụng thiết bị công nghệ mới, năng động tiếp cận thị trường thông qua nhiều kênh (mối quan hệ cá nhân, xúc tiến thương mại, phương tiện thông tin đại chúng...). Điều quan trọng hơn nữa vẫn là tạo sản phẩm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thị trường tiêu thụ và giữ chữ tín trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết