Gần đây, nhiều nghệ sĩ chọn làm Youtube với đề tài khám phá đất nước và con người Việt Nam. Những trải nghiệm thực tế thú vị, những cảnh quay đẹp được đầu tư công phu cùng cách làm “có nghề” của những nghệ sĩ đã giúp lan tỏa vẻ đẹp đất nước.

Nghệ sĩ Vân Sơn trải nghiệm nghề dệt chiếu ở Ngan Dừa (Hồng Dân, Bạc Liêu). Ảnh: Mỹ Hạnh
Nghệ sĩ Vân Sơn mới đây đã về thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, để thực hiện chuỗi chương trình “Vân Sơn du ký” với chủ đề “Những nẻo đường quê hương”. Anh đã về thăm làng nghề dệt chiếu, tìm hiểu nghề rèn và trải nghiệm những món ăn trứ danh của xứ sở này, mà tiêu biểu là bánh tằm Ngan Dừa. Ê-kíp thực hiện “Vân Sơn du ký” khá đông và rất chuyên nghiệp. Vân Sơn thân thiện, cùng bà con trải nghiệm văn hóa bản địa. Rất đông người dân địa phương đến xem trong sự thích thú vì nét đẹp của quê hương mình được lan tỏa. Chị Trương Mỹ Hạnh, người dân ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, cho biết: “Trước giờ, thỉnh thoảng cũng có nghệ sĩ đến đây quay cảnh dệt chiếu, nghề rèn… Tôi thấy rất hay vì quảng bá được hình ảnh địa phương”.
Nghệ sĩ Vân Sơn cho biết, anh thực hiện loạt du ký truyền hình này với mong muốn được khám phá, trải nghiệm nét đẹp trên mọi miền đất nước Việt Nam. Vân Sơn thông tin thêm, anh sẽ dành trọn thời gian từ 2-2,5 năm để thực hiện dự án này với khoảng từ 200-250 tập du ký được phát sóng trên kênh Youtube “Van Son”. Những tập đã phát sóng trong “Vân Sơn du ký” được ghi hình tại Kiên Giang, Bạc Liêu vừa qua rất hấp dẫn, đậm chất trải nghiệm, du lịch và được khán giả rất yêu thích.
Cũng như nghệ sĩ Vân Sơn, hiện nay, nhiều nghệ sĩ đang chọn làm Youtube với mong muốn giới thiệu đến người xem cảnh sắc và những điều thú vị mà bản thân khám phá được. Dự án “Muốn ăn phải lăn vào bếp” của nghệ sĩ Trường Giang, phát định kỳ 20 giờ thứ năm hằng tuần, cũng đang thu hút hàng triệu lượt người xem. “Muốn ăn phải lăn vào bếp” thực hiện theo định dạng chương trình thực tế về hành trình khám phá văn hóa ẩm thực các vùng miền với những điều bất ngờ, hài hước nhưng mang ý nghĩa nhân văn. Trường Giang đầu tư khá lớn cho dự án này khi có hẳn một đối tác sản xuất với những nghệ sĩ khách mời cho từng tập phát sóng như: Huỳnh Lập, Diệu Nhi, Ngô Kiến Huy, Đức Phúc, Lê Dương Bảo Lâm, Quang Trung, Hồ Quang Hiếu, Color Man, Trương Thế Vinh...
Trên Youtube hiện nay, cũng dễ dàng bắt gặp những trang chuyên giới thiệu về nhạc cổ truyền Việt Nam hay ẩm thực, du lịch, văn hóa Việt. Một vài cái tên nổi bật như Khoai Lang Thang, Chan La Cà, Ẩm thực mẹ làm, Challenge Me - Hãy thách thức tôi (MC Lê Hoàng Nam)… Thành công của họ là bởi đảm bảo hai yếu tố nghe tưởng chừng nghịch lý: dân dã nhưng phải chuyên nghiệp. Nghĩa là, video thực hiện phải có kịch bản, đạo diễn, ý tưởng hẳn hoi với những thông điệp riêng nhưng làm sao để giữ được sự tự nhiên, dân dã và ngẫu hứng. Thực tế khi xem qua cảnh Khoai Lang Thanh hay Lê Hoàng Nam quay những điểm đến ấn tượng của Việt Nam, người xem thấy đó đúng như những thước quay chuyên nghiệp. Riêng Khoai Lang Thang, anh đã thành công với những ký sự về chuyện người miền Tây làm đám giỗ, đãi đám cưới… rất ấn tượng. Anh vừa đoạt giải WeChoice Awards 2019, hạng mục Hot Content Creator - tôn vinh những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội được giới trẻ yêu thích.
Rõ ràng, nếu chịu đầu tư và sáng tạo trong làm nghề, nghệ sĩ hoàn toàn có thể tạo thành công cho mình bằng những dự án nhân văn trên Youtube.
Duy Lữ