11/11/2023 - 08:54

"Gieo chữ" ở vùng sâu U Minh Thượng 

Từ một huyện khó khăn thuộc vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang, nhưng với nỗ lực không ngừng trong đầu tư cho giáo dục, cùng chủ trương mời giáo viên các tỉnh xa về “gieo chữ”, nay huyện Vĩnh Thuận đang thu về trái ngọt…

Các em ở Trường Mẫu giáo Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) ngày nay được học tập trong điều kiện đầy đủ hơn trước rất nhiều…

Gian nan vượt khó

Sáng sớm, cô Ðặng Thị Mỹ Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Bình Nam 1 (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) đã rời nhà ở xã Tân Thuận, vượt hàng chục cây số vào trường. Cô Trang bộc bạch: “Chỉ còn vài năm nữa tôi đến tuổi hưu nhưng tình yêu dành cho ngành giáo dục địa phương vẫn nguyên vẹn. Hằng ngày được gặp đồng nghiệp, học sinh và được nhìn ngôi trường ngày càng phát triển là niềm vui không gì thay thế được”.

Khoảng 35 năm trước, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang, cô Trang (ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) tình nguyện về huyện vùng sâu Vĩnh Thuận “gieo chữ”. Thời điểm đó, không riêng gì Vĩnh Thuận mà các huyện khác thuộc vùng U Minh Thượng như An Biên, An Minh cũng thiếu giáo viên trầm trọng, khiến việc huy động học sinh đến lớp gặp nhiều khó khăn. Xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển nên tỉnh Kiên Giang thống nhất chủ trương để các huyện “lặn lội” ra ngoài tỉnh (Ðồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long…) “tầm sư” về giúp sức.

“Năm 1988, khi tôi về đây, nhà cửa thưa thớt, tàu gỗ chạy dọc các tuyến kênh trông rất heo hút, đường đất lầy lội khó đi; các điểm trường hầu hết bằng tre lá tạm bợ, người dân dùng cây tràm đóng làm ghế ngồi… đêm xuống thì đốt đèn dầu leo lét. Giáo viên ở nhà công vụ nền đất, được làm bằng cây tạp và lá dừa nước… Ðiều kiện dạy và học, cũng như sinh hoạt vô cùng thiếu thốn. Có lúc suốt mấy tháng liền không có lương, thế là giáo viên phải mang bao đi mượn gạo về ăn. Những lúc khó quá, có người định bỏ về quê, nhưng rồi thương học sinh, thương tình cảm bà con thật thà chất phác nên quyết tâm ở lại, bám trường, bám lớp, cùng nhau vượt khó…” - cô Trang kể.

Thầy Võ Thanh Liêm, chuyên viên Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Vĩnh Thuận, kể: “Lúc đó, những giáo viên trẻ từ Tiền Giang đến Vĩnh Thuận dạy học, cả năm mới về thăm quê 1 lần. 22 giờ đêm ra bờ sông đón đò dọc đi mấy chặng mới về đến Vị Thanh (Hậu Giang). Rồi đón xe đò lên Cần Thơ và tiếp tục đón xe về Mỹ Tho, sau đó đi thêm một chặng đường nữa đến huyện Gò Công Tây thì đã chạng vạng tối hôm sau. Ðiều kiện gian nan, không ít lần tôi định bỏ cuộc, nhưng rồi nhớ bà con Vĩnh Thuận hết lòng trân quý giáo viên nên đi không đành…”.

Cô Trịnh Thúy Hồng, Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Vĩnh Phong, tâm sự: “Năm 1988, khi về vùng sâu Vĩnh Thuận, điều kiện khó quá, nhưng tôi mới ra trường, còn trẻ nên dự định “thử sức” khoảng 5 năm. Thế rồi sau đó chính cái tình, cái nghĩa đã níu kéo tôi ở lại nơi này. Sau đó, tôi lập gia đình và xem đây là quê hương thứ 2 cho đến hôm nay”. 

Nhiều đổi thay tích cực

Theo UBND huyện Vĩnh Thuận, giáo dục luôn được quan tâm đầu tư toàn diện. Những ngôi trường tre lá ngày nào, nay đã lùi xa, nhường cho hàng loạt ngôi trường khang trang mọc lên. Ðến năm 2023, huyện quản lý 30 trường học trên địa bàn, trong đó 20 trường đạt kiểm định chất lượng và đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ huy động học sinh đến trường các bậc học đạt kế hoạch đề ra; trong đó trẻ 3-5 tuổi đến trường là 64,16%; trẻ 5 tuổi đến trường là 99,8%; ở bậc tiểu học, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT hằng năm đạt 99,73%; đội ngũ giáo viên không ngừng được nâng cao với hơn 876 giáo viên trực tiếp giảng dạy đều đạt chuẩn về chuyên môn. Năm 2023, huyện Vĩnh Thuận tiếp tục bố trí vốn hơn 25,4 tỉ đồng cho 8 công trình giáo dục…

Ông Huỳnh Ngọc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, cho biết: Huyện sẽ sắp xếp hệ thống trường lớp; tập trung đầu tư cho trường đạt chuẩn quốc gia, trường xanh, sạch, đẹp, an toàn. Tăng cường đổi mới giáo dục, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, giảng dạy và học tập; đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài gắn với xây dựng xã hội học tập. Ngoài ra, hướng nghiệp dạy nghề trong học sinh, thanh niên theo nhu cầu của thị trường lao động và xã hội. Ðặc biệt là chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới…

Theo Phòng GD&ÐT huyện Vĩnh Thuận, vào năm 1987 lãnh đạo Phòng lúc đó đã đến Tiền Giang mời hơn 70 giáo viên về công tác. Năm 1988 và 1989, có thêm 174 giáo viên cũng từ Tiền Giang tiếp tục về Vĩnh Thuận giảng dạy, giúp huyện rất nhiều trong phát triển ngành giáo dục địa phương.

Cùng với giáo dục, kinh tế - xã hội của Vĩnh Thuận cũng có những thay đổi tích cực. Từ một huyện vùng xa, xuất phát điểm thấp, nhưng sau thời gian nỗ lực, đến nay tất cả 7 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Vĩnh Thuận được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, được tặng Huân chương Lao động hạng Ba... Mục tiêu đến năm 2025, xây dựng từ 2 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 1 xã đạt kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng…

Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH

 

Chia sẻ bài viết