08/01/2023 - 09:48

Giao thừa có má 

Truyện ngắn: Hoàng Khánh Du

Những tia nắng nghiêng trên sông một buổi sáng cuối năm. Tôi đứng tần ngần hoài ở bến đò chợ tỉnh hỏi xem có chuyến đò nào về xóm nhỏ nằm bên con sông nhỏ cách chợ tỉnh mấy lượt luồng lách nhánh nọ, dòng kia. Có đứa nhỏ ôm mẹt sơ ri, kẹo cao su… ngồi chỗ bến đò, nói vọng với tôi:

- Bữa nay cuối năm, còn chiếc đò dọc nào chạy nữa đâu mà đợi cô ơi!

Tôi cố vớt vát:

- Có cách nào cô về miệt trong không nhỏ?

Ðứa nhỏ coi bộ rành xứ này dữ lắm, nói:

- Cô ở đây đợi, có một chuyến chủ đò chạy chuyến cuối về miệt trong ăn Tết luôn. Ðò chạy về nhà ông bà nội của chủ đò, nên có qua chỗ cô cần hông thì hổng biết...

Tôi lại ngồi cùng đứa nhỏ, hỏi thăm chuyện mua bán, lại mua tiếp nhỏ ít này ít kia. Chờ đò.

* * *

Ðò vắng. Mấy ai đi đò về quê vào ngày cuối năm, ở thời giờ cận giao thừa như tôi đâu. Trên đò chỉ có tôi và hai người khách. Họ không phải là người từ nơi xa về đây như tôi, bởi cung cách nói chuyện và vẻ ngoài vẫn toát lên cái chất của sông, của đất.  Họ giống ba tôi hơn, nhất là khuôn mặt rám nắng và đôi tay thô sần.

- Con ghé bến nào?

Chú lái đò hỏi với từ phía sau, gió lớn quá tôi nghe tiếng được tiếng mất.

- Chú cho con lên xóm Bông Sậy, chỗ cái bến có bụi sậy bông trắng với mấy cây ô môi đó chú.

Chú tài công nói cái xóm Bông Sậy thì còn chứ đám bông sậy trắng như tôi nói có còn nữa đâu. Chỗ cái bến chỉ còn sót lại hai cây ô môi, mùa nào cũng trổ bông hồng rực cả cái bến.

- Tới rồi con gái - Chú tài công nói. Ðò chạy chầm chậm. Mũi đò cập dần vào bến.

Ðúng là bến sông giờ khác nhiều lắm. Chỗ bờ đất năm nào mỗi lần đò chạy sóng đánh dần dần khuyết sâu vào bên trong, lau sậy không còn, hàng cây ô môi rực rỡ trong ký ức nay chỉ còn hai cây bên lối người quê lên xuống bến đò.

Tôi đi dọc con đường xi măng dẫn lối vào xóm Bông Sậy. Trước sân nhà nào cũng có vạn thọ, mai… rộ sắc vàng. Cơn gió thổi ngang qua cánh đồng sau thu hoạch đưa mùi rạ, mùi lúa, mùi bùn, mùi cỏ hoa làm thành hương xuân mát lành. Tôi dừng lại ngửa cổ hít một hơi thật sâu mùi hương xứ sở mà tôi không nhớ rõ đã xa mấy mùa xuân, vì càng đếm càng đau trong lòng. Chỉ biết đã lâu rồi tôi không đặt chân lên bến bông sậy trắng, đã lâu rồi tôi không đi dọc con đường dẫn từ bến sông vào trong xóm nằm nép mình bên bờ sông thênh thang. Con đường này thuở tôi rời đi vẫn còn là con đường đất, mùa nắng khô ráo chớ mùa mưa sình lầy. Tôi thường đến trường với đôi chân rã rời vì phải vượt qua đoạn đường gian nan. Nay đường rộng và sạch sẽ không làm đôi chân tôi mỏi.

Tôi nửa muốn đi thật nhanh để về đến nhà, nửa muốn đi thật chậm để cảm nhận vẻ đẹp của xóm Bông Sậy đầy kỷ niệm...

* * *

Mùa xuân năm đó, cách đây đã nhiều độ mai vàng, tôi rời Bông Sậy.

Ngày xưa má thường hay hát ru tôi "Má ơi, đừng gả con xa/ Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu"… Câu hát ấy đã đi sâu vào tiềm thức của tôi, để rồi mỗi lần nhớ lại, tôi tự nhắc mình có lấy chồng thì lấy chồng gần, đừng lấy chồng xa. Má tôi đã tần tảo một đời nuôi tôi khôn lớn, tôi không thể như cánh chim trời, đủ lông chắc cánh thì bay đi bỏ má một mình.

Vậy mà tôi vẫn để má tôi thấm nước mắt bằng chiếc khăn rằn, hỏi tôi chớ suy nghĩ kỹ chưa mà lấy chồng xa lắc:

- Lấy chồng xa, đi ghe đi xuồng không tới, phải đi máy bay mới tới. Rồi sao má thăm con…

Tôi nắm bàn tay má - đôi bàn tay suốt một đời lam lũ đã chai sần, trổ đồi mồi lấm tấm. Tôi an ủi:

- Má ơi đi máy bay giờ nhanh lắm, tiện lắm. Con về thăm má hoài luôn...

Tôi lấy anh, người vốn quê nội ở đây, đã định cư ở nước ngoài, giờ đi qua đi lại buôn bán nông sản, có lần đi ngang qua bến sông này, tình cờ quen biết tôi nên mới thường trở lại. Anh nói anh thương tôi bởi nét dịu dàng, chân chất, mộc mạc như cây lúa, cây sậy quê mình. Anh hứa chừng nào cưới tôi xong, hễ tôi nhớ má thì anh mua vé máy bay để tôi về thăm má. Ðất này cũng từng là nơi anh gắn bó, anh cũng có cảm tình chứ nào phải đất lạ người xa…

Vậy rồi tôi nhận lời anh. Căn nhà mới được xây lên, tường cao, cổng kín, sang trọng nhất xóm. Má tôi mỗi ngày đều lúi húi quét tước từ trong ra ngoài, lau chùi bàn ghế… riết má thở dài nói:

- Nhà lớn quá, má lau không có xuể. Bây cho má cái nhà nhỏ hồi trước đi, má ở coi bộ dễ thở hơn.

Tôi cười rồi lại tiếp tục an ủi má. Tôi thì sợ phải sống trong căn nhà lá dột tứ tung mỗi khi trời mưa. Bao nhiêu thau nồi trong nhà đều được đem ra để hứng nước, vậy mà nền nhà cũng lênh láng, đất nhão nhoét.

Nhà cao cửa rộng, hàng xóm nói với má tôi "Con Lam có phước, lấy chồng giàu". Má tôi chỉ cười cười, rồi về nhà má nói với tôi: "Nhà rộng mà một mình má ở, thôi má thà ở nhà nhỏ nhà lá, mà có con. Má con sớm tối có nhau, từ từ rồi mình cũng xây được nhà tường".

Ðám cưới cuối cùng vẫn diễn ra, linh đình, rình ràng nhất nhì xứ này trong mùa xuân năm ấy. Người xóm tôi vừa ăn Tết, vừa ăn cưới, vui rộn rã. Chắc chỉ có mình má tôi buồn hiu. Ngày rước dâu má bịn rịn ra tới bến sông nhìn tôi lên chuyến đò hoa. Tôi ôm má từ biệt vội vã trong thúc giục của nhà trai. Và rồi tôi đi, bỏ lại má đứng lặng thinh trên bến sông quê ngay mùa ô môi trổ rực rỡ. Chiếc đò chở tôi ra tỉnh, ở đó có chiếc xe đón tôi ra sân bay về xứ xa.

* * *

Lời hứa cho tôi trở về thăm má cứ bị chồng tôi lần lữa, vì tôi phải làm tròn bổn phận dâu con, vì anh muốn chúng tôi nhanh chóng có con. Anh nói giờ thông tin liên lạc hiện đại, điện thoại là nghe tiếng, thấy hình của má rồi. Vậy là chừng ấy năm tôi không về thăm má được. Chừng ấy năm, xóm Bông Sậy dần trở thành những vệt kỷ niệm đầy sắc màu trong tôi. Là màu hồng của bông ô môi đầu xuân nở rộ. Là màu xanh của cỏ, của nước dòng sông chảy ngang qua xóm từng sáng từng chiều có chuyến đò chầm chậm về qua. Là màu trắng trên mái đầu của má tôi, những sợi tóc bạc dần, bạc dần, rồi trắng cả mái đầu của má… Mỗi lần nhìn mái tóc của má, tôi vẫn thường tự hỏi má có còn đủ sức lực để đợi tôi về? Thời gian của má còn được bao nhiêu? Bao xuân rồi tôi không về thăm má vì mục tiêu sớm có con của vợ chồng tôi chưa thành.

Tôi đẩy nhẹ cánh cổng. Trước khoảng sân nhà tôi, mấy năm qua vẫn rực rỡ hoa vàng. Má vẫn cần mẫn trồng hoa, chăm bón, đợi tôi về.

Nhà vắng tanh, trên bàn thờ ba tôi khói nhang thơm dịu nhẹ. Bao năm qua, bàn thờ ba bao giờ cũng ấm áp như thể đó là hơi ấm của ba tôi và ba chưa từng bỏ má con tôi ra đi trong mùa bão mưa năm ấy…

Má đang lúi húi ngồi rọc lá chuối gói bánh tét. Hình ảnh hệt như hồi tôi còn nhỏ năm nào má con tôi cũng gói bánh tét đem ra chợ bán. Bánh tét dẻo thơm, đòn lại bự, nên ai cũng thích, má con tôi phải gói cả ngày lẫn đêm những ngày giáp Tết, nửa khuya má vẫn còn thức ra canh bánh chín.

Chưa đợi má nhận ra tôi về, tôi đã nôn nóng chạy đến ôm má thật chặt. Má tôi bất ngờ rồi khóc không ra tiếng. Tôi ôm má khóc như một đứa trẻ, như trút hết mọi nỗi buồn tủi, để tôi lại được trở lại là Lam của má ngày nào:

- Má ơi, con ở lại với má luôn, con không đi đâu nữa…

* * *

Chiều chập choạng. Cánh đồng mùa xuân trong ngần trong khoảnh khắc hoàng hôn. Tôi ngồi nghe bao nhiêu buồn phiền, những ám ảnh từ nhà chồng bởi tôi mãi vẫn chưa thể sinh con, tự dưng biến đâu mất hút. Chỉ còn lại tôi giữa cánh đồng tuổi thơ bình yên. Ðêm nay, tôi lại ngồi nhổ tóc cho má trong giây phút giao thừa. Như những ngày xưa…

Chia sẻ bài viết